Tướng Hoàng Kiền

24/11/2024
.

 

Đại tướng Đỗ Bá Tỵ, Tổng tham mưu trưởng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng gắn Huy hiệu Anh hùng LLVT Nhân dân cho Thiếu tướng Hoàng Kiền (2015)

Đại tướng Phạm Văn Trà và Đại tướng Đỗ Bá Tỵ tặng hoa chúc mừng Bảo tàng Đồng Quê 10 năm thành lập (2023)

Đại tướng Phùng Quang Thanh chúc mừng Thiếu tướng Hoàng Kiền được nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh tại buổi Lễ địa phương và BLL Lữ đoàn 83 tổ chức.

Ông sinh năm 1950 tại xã Giao Thịnh, huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định, là thầy giáo cấp 2 nhập ngũ tháng 8 năm 1970 vào bộ đội Đoàn 559,  Trường Sơn Anh hùng. Hoà bình đi thi Đại học, ông được tuyển chọn, đào tạo tại Trường đại học Kỹ thuật Quân sự, nay là Học viện Kỹ thuật Quân sự. Cả đời quân ngũ của Ông gắn bó với bộ đội Công binh; trưởng thành từ người lính trong chiến đấu qua nhiều cương vị chỉ huy, vượt qua nhiều hy sinh gian khổ, thử thách, lập nhiều chiến công xuất sắc; người có công lớn đóng góp vào sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển đảo, nhất là quần đảo Trường Sa thân yêu và thềm lục địa phía Nam của tổ quốc, nhà giàn DK1 mở đầu cho giai đoạn mới. Ông được Đảng, nhà nước phong quân hàm cấp Tướng, danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học và công nghệ cho cụm công trình chiến đấu trên quần đảo Trường Sa cùng nhóm tác giả.

Tôi với ông không cùng đơn vị và cũng chưa vinh dự được công tác cùng với Ông ngày nào, chỉ biết Ông qua sách báo và lời kể của các đồng đội. Chúng tôi lần đầu gặp nhau tại Đại hội phong trào thi đua yêu nước “Cựu chiến binh gương mẫu” (giai đoạn 2019 - 2024) quận Cầu Giấy, Ông là đại biểu được mời đại diện cho các Tướng lĩnh và anh hùng LLVTND trên địa bàn. Tôi dự với tư cách là Thường trực Hội Cựu chiến binh Thành phố chỉ đạo. Trước khi vào Đại hội được Thiếu tướng tâm sự kể chuyện và tặng cuốn sách “Một  thời biển đảo Trường Sa - Đoàn 83” do chính ông viết nhân kỷ niệm 65 năm ngày thành lập Lữ đoàn công binh 83 Quân chủng Hải quân Anh hùng (19/8/1958 - 19/8/2023). Đọc cuốn sách ông tặng đã gây ấn tượng trong tôi bởi những câu chuyện thật, việc thật đầy chất lính, nhân văn, cảm động. Thấy ở ông một vị tướng tài năng, bản lĩnh, quyết đoán, nghĩa tình đồng đội, nhất là tư duy đổi mới, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm để đơn vị hoàn thành nhiệm vụ, đạt được hiệu quả toàn diện cả trước mắt và lâu dài như cách nói hiện nay là tầm nhìn. Những phẩm chất ấy không phải cán bộ nào cũng có. Nhân dịp kỷ niệm 80 ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (QĐNDVN) Anh hùng. Làm nên những thành tích và chiến công của quân đội là của các thế hệ cán bộ chiến sĩ “Bộ đội Cụ Hồ” trong đó có sự đóng góp xuất sắc của tướng Hoàng Kiền xin được ghi lại những câu chuyện, những việc làm của ông trong thời gian ông là cán bộ Trung đoàn công binh 83 Quân chủng Hải quân.

- Sống với người lính, hiểu người lính, muốn Bộ đội hoàn thành nhiệm vụ thì phải “An cư lạc nghiệp”. Tháng 6 năm 1990 ông nhận quyết định của Bộ Tư lệnh Hải quân từ Phó Tham mưu trưởng, đảm nhiệm chức Trung đoàn phó - Tham mưu trưởng, Trung đoàn Công Binh 83 đóng quân tại Đà Nẵng. Trong tình hình đơn vị có nhiều cán bộ, chiến sĩ không yên tâm công tác, không gắn bó với đơn vị, vi phạm kỷ luật; doanh trại xuống cấp, đời sống cán bộ, chiến sĩ vất vả, khó khăn, xe, máy, trang bị phương tiện đều xuống cấp…Đồng chí Trung đoàn trưởng đi học lớp cán bộ chiến dịch công binh. Ông nhận trách nhiệm phụ trách Trung đoàn cùng với đồng chí Trung đoàn phó Chính trị, Bí thư Đảng ủy. Cùng lúc đó Trung đoàn nhận được ý định của Bộ Tư lệnh Hải quân chuyển toàn bộ Trung đoàn vào đóng quân tại Cam Ranh, Khánh Hòa để làm nhiệm vụ xây dựng công trình trên quần đảo Trường Sa.

Từ thực tiễn yêu cầu nhiệm vụ đặt ra, ghi nhớ lời dạy của ông cha đã đúc kết “an cư mới lập nghiệp”. Theo suy nghĩ của ông, nhiệm vụ tới của đơn vị rất vất vả và khó khăn, muốn hoàn thành tốt nhiệm vụ phải chăm lo tốt đời sống hậu phương, gia đình của cán bộ, nhân viên, vì thời điểm đó cơ bản cán bộ, nhân viên của Trung đoàn đã có gia đình, hiện đang thuê, mượn, nhà gần đơn vị, còn đang rất khó khăn. Ông bàn với tập thể Đảng ủy, chỉ huy Trung đoàn, báo cáo và kiến nghị với Bộ Tư lệnh Quân chủng, tiếp tục để đơn vị đóng quân ổn định tại Đà Nẵng, lấy Đà Nẵng làm hậu cứ; Nha Trang có cơ sở để tập kết lực lượng đi làm nhiệm vụ ở Trường Sa, hoặc khi thu quân vào bờ chuẩn bị ra Đà Nẵng. Cho phép thành lập khu gia đình quân nhân trên cơ sở cắt đất doanh trại ra cấp cho cán bộ, nhân viên, tạo điều kiện cho đơn vị củng cố doanh trại và ổn định cuộc sống gia đình quân nhân.

Sau khi nhận được báo cáo, đích thân Tư lệnh Hải quân khi đó là Phó đô đốc Hoàng Hữu Thái vào kiểm tra nắm tình hình. Với những lý luận thực tế và nắm nguyện vọng chung của cả đơn vị, Bộ Tư lệnh Hải quân đã đồng ý với ý kiến đề nghị. Chỉ chờ có vậy, với tính quyết đoán, chớp thời cơ vì thời gian và lực lượng. Trong khi chờ quyết định chính thức, bằng văn bản của cấp có thẩm quyền, Ông đã cho triển khai ngay, toàn Trung đoàn tập trung xây dựng tường ngăn thật nhanh, đây là một biện pháp để thực hiện quyết tâm ở lại Đà Nẵng. Thời điểm này cũng có đồng chí chỉ huy cao hơn của đơn vị ở bên cạnh yêu cầu dừng lại, để bàn giao vì trước đó họ đã có văn bản đề nghị Quân chủng nhận toàn bộ đất của Trung đoàn. Nhưng với chủ trương nhất quán là tất cả cán bộ, nhân viên yên tâm ở lại công tác, đều được cấp đất làm nhà. Vượt qua những khó khăn, trắc trở, những rào cản vô hình về cơ chế quản lý, khu gia đình quân nhân của Trung đoàn đã thành hiện thực. Ổn định cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho hàng trăm hộ gia đình quân nhân của Trung đoàn, góp phần hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước giao. Mọi người đến nay vẫn còn nhớ tới ông như một ân nhân, gửi tới ông lời cảm ơn chân thành, bởi có ông gia đình họ mới có cuộc sống như hôm nay.

- Với tư duy “Thực túc binh cường” để đơn vị vượt qua khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ. Tháng 4 năm 1991, Hoàng Kiền nhận quyết định Trung đoàn trưởng Trung đoàn công binh 83. Khi ấy kinh tế của đất nước vô cùng khó khăn, đời sống của cán bộ, chiến sĩ còn nhiều vất vả. Phong trào các đơn vị làm kinh tế như trăm hoa đua nở, để vừa cải thiện nâng cao đời sống cho bộ đội, tự túc giảm đóng góp của nhân dân và dành một phần tu sửa doanh trại, bảo đảm vũ khí trang bị của đơn vị… Với thế mạnh là một đơn vị binh chủng kỹ thuật có nhiều kỹ sư xây dựng, có trang bị kỹ thuật hiện đại nhất lúc bấy giờ do Mỹ, Liên Xô, và một số nước tư bản sản xuất, nhưng cũng đã xuống cấp, hoặc hư hỏng… Với tư duy đổi mới “thực túc, binh cường” nói là làm, khó mấy cũng làm và đã làm thì phải có hiệu quả. Bỏ tư duy làm kinh tế theo kiểu “quanh bếp, quanh vườn” Ông bàn trong tập thể Đảng ủy, chỉ huy Trung đoàn, thống nhất chủ trương lãnh đạo, kế hoạch thực hiện, báo cáo xin chủ trương của Bộ Tư lệnh Hải quân; giao nhiệm vụ cho cán bộ; khôi phục sửa chữa các máy móc, phương tiện đã hỏng hoặc xuống cấp, bằng nguồn đi vay tới 540 triệu đồng, thời điểm đó là rất lớn đối với một Trung đoàn. Bằng các mối quan hệ quen biết, ông ký hợp đồng cho đơn vị tham gia thi công đường dây tải điện 500 KV Bắc Nam, ở những nơi khó khăn nhất, không ai dám nhận, đơn vị xung phong nhận, tại địa bàn rừng núi tỉnh Thừa Thiên Huế và Khâm Đức - Quảng Nam. Kết thúc chiến dịch thi công đường dây 500 KV Trung đoàn được bên A đánh giá cao, thu được một khoản kinh phí gần 3 tỷ đồng. Số tiền khá lớn đó đủ để hoàn trả số tiền sửa chữa xe, máy, mua xe máy mới, bồi dưỡng xứng đáng cho bộ đội, còn lại bổ sung quỹ đơn vị, mua sắm máy móc làm nhiệm vụ ở Trường Sa, rồi tiếp tục làm các công trình kinh tế khác. Nhưng có một việc không vui đến với Ông, có lẽ theo quy luật, bất cứ sự thành công nào cũng phải có trả một cái giá nào đó, nhất là người đứng đầu. Ông cũng bị có đơn kiện, điều tra hình sự Quân Khu 5 vào cuộc, hơn 1 tháng trời điều tra, xác minh, cuối cùng cơ quan chức năng đã minh oan cho Ông vì Ông trong sáng, tất cả vì tập thể, vì đơn vị, cao hơn là vì sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa của quốc gia. Thời điểm này công việc của ông làm là rất mới, chắc rất ít người chỉ huy nào làm được như vậy, kính phục ông !

- Người có công xây dựng đơn vị Anh hùng LLVTND. Sau sự kiện 14/3/1988, thực hiện sự chỉ đạo của Bộ Tổng tham mưu, Bộ Tư lệnh Hải quân tổ chức quy hoạch hệ thống công trình trên các đảo, để xây dựng bổ sung, tăng cường, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới. Trung đoàn Công binh 83 được giao nhiệm vụ thực hiện hàng năm rất lớn và ngày càng tăng, có yêu cầu kỹ thuật cao hơn, với cơ chế quản lý chặt chẽ, bằng nguồn ngân sách nhà nước.  Khó khăn lại đặt ra trước mắt Ông quân số ít, số lượng vật liệu xây dựng đòi hỏi nhiều, kho bến bãi tập kết, quản lý vật liệu bến cảng tàu chở rất hạn chế, khó khăn…Cùng với tập thể đơn vị, nhiều đêm trăn trở với nhiệm vụ được giao, Ông đã quyết định một số biện pháp bảo đảm sự đồng bộ, thuận tiện, kịp thời cho công tác thi công ngoài đảo như: xây dựng cơ sở tập kết ở quân cảng Nha Trang; Công tác chuẩn bị trong bờ; Đóng gói vật liệu và xi măng; Làm cấu kiện gỗ, cấu kiện kim loại; Công tác vận chuyển ra đảo, chuyển tải vật liệu từ tàu lên bờ và tổ chức thi công các công trình trên đảo; bằng kết quả làm kinh tế kết hợp để mua máy móc, cơ giới hoá các khâu thi công ngoài đảo nhằm nâng cao năng suất lao động, bảo đảm chất lượng công trình. Thực hành tiết kiệm triệt để trong xây dựng công trình Trường Sa, kết hợp làm kinh tế, lực lượng trang bị để tự túc xây dựng doanh trại. Sáng kiến đặc biệt là thành lập công ty bên cạnh Trung đoàn, Trung đoàn trưởng kiêm Giám đốc công ty, hai tay hai dấu để phù hợp với cơ chế quản lý… Sau 18 năm vượt qua bao khó khăn, vất vả và cả hy sinh xương máu, đơn vị đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được Đảng, Nhà nước, Bộ Quốc phòng đánh giá cao. Báo chí đưa tin, viết bài về đơn vị, được Nhân dân tin tưởng yêu mến. Tháng 7 năm 1994 đại diện Cục Chính trị Hải quân vào làm việc thông báo: đồng chí Lê Khả Phiêu - Uỷ viên Bộ chính trị, Chủ nhiệm tổng cục Chính trị có chỉ đạo Quân chủng xây dựng một cá nhân đề nghị tuyên dương Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân nhân kỷ niệm 50 năm ngày thành lập QĐND Việt Nam và chỉ đích danh Trung đoàn Trưởng Hoàng Kiền. Với tinh thần khiêm tốn, giản dị, ông báo cáo “Tôi có thành tích nhưng còn ở mức độ, tập thể Trung đoàn công binh 83 xứng đáng được phong tặng danh hiệu anh hùng LLVTND sau 18 năm xây dựng ở Trường Sa đã lao động với bao mồ hôi, công sức, một bộ phận đã chiến đấu, hy sinh bảo vệ Trường Sa”. Đại diện Cục Chính trị trao đổi lại “Bộ Tư lệnh Quân chủng đã xem xét, nhưng Trung đoàn có một cán bộ Đại đội bị kỷ luật cảnh cáo, trong khi làm nhiệm vụ trên Đảo”. Nhưng với tinh thần thẳng thắn, chân thành, đặt tập thể lên trên, Ông trao đổi lại “Quân đội ta có anh hùng không? Nhân dân ta có anh hùng không” rồi ông phân tích “Quân đội ta cũng có hàng ngàn quân nhân đảo ngũ, hàng ngàn quân nhân chiêu hồi, làm tay sai cho địch, nhưng số đó không làm mất đi bản chất và thành tích Anh hùng của Quân đội nhân dân Việt Nam. Về Nhân dân, nước ta chia làm 2 miền, miền Nam có một bộ máy chính quyền bán nước và hơn một triệu ngụy quân chống đối cách mạng. Nhưng dân tộc ta vẫn là một dân tộc anh hùng” Tôi đề nghị anh báo cáo với Bộ Tư lệnh Quân chủng đề nghị phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND cho Trung đoàn 83 dân dịp này, còn tôi xin để dịp khác. Thế là một tuần sau có thông báo Quân chủng chỉ đạo Trung đoàn làm báo cáo thành tích, thực hiện quy trình xét tặng đơn vị Anh hùng LLVTND. Chiều ngày 22/12/1994, đúng ngày kỷ niệm 50 năm thành lập QĐNDVN tại Bộ Quốc phòng, Đại tướng Đoàn Khuê đã trao Quyết định và gắn huy hiệu Anh hùng LLVTND lên quân kỳ Quyết thắng của Trung đoàn. Ghi dấu ấn, viết thêm một truyền thống anh hùng của các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn trong thời kỳ mới “Tất cả vì Trường Sa thân yêu”. Sau 11 năm tiếp tục phấn đấu, cống hiến và lập được nhiều thành tích đặc biệt xuất sắc năm 2015, Ông được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND, xứng đáng với những chiến công của Ông đóng góp cho sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc. Xuất thân từ một làng quê nghèo, nhưng giàu truyền thống cách mạng, cả đời phục vụ trong Quân đội. Nhận thức sâu sắc giá trị cuộc sống, từ nhiều năm qua Ông và vợ là nhà giáo Ngô Thị Khiếu đã đầu tư, sưu tầm hiện vật, cùng với sự động viên của chính quyền địa phương các cấp, sự ủng hộ về kinh phí của các tập thể và cá nhân trong và ngoài quân đội, ông bà đã xây dựng được Bảo tàng Đồng Quê tại chính quê Ông, xã Giao Thịnh, huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định trên diện tich gần 6.000 m2 đất do địa phương giao với hình thức cho thuê. Không chỉ là điểm tham quan lịch sử, mà còn là địa chỉ đỏ để giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ, nhất là tuổi trẻ. Sau 10 năm hoạt động, tuổi cao, ông bà đã đề nghị, đất xây bảo tàng của nhà nước, tiền xây dựng của gia đình một nửa, các tổ chức, cá nhân ủng hộ một nửa, nay xin  hiến tặng quê hương, nhưng lãnh đạo địa phương động viên gia đình tiếp tục quản lý.

Ngưỡng mộ Ông một vị Tướng “có tâm, có tầm”. Quân đội, đơn vị nào cũng có một vị Tướng như Ông chắc chắn “Trăm trận trăm thắng”. Chúc Ông sức khỏe, mãi trường thọ.

Nguyễn Xuân Hà

Phó Chủ tịch Hội CCB Thành phố