Nhớ mãi ngày về tiếp quản Thủ đô

09/10/2024
Nhớ mãi ngày 10 tháng 10 năm 1954, chúng tôi về tiếp quản Thủ đô Hà Nội. Lúc đó tôi mới 22 tuổi là Trung đội trưởng bộ binh thuộc Đại đội 269, Tiểu đoàn 54, Trung đoàn 102 (Trung đoàn Thủ đô), Đại đoàn 308.

Về tiếp quản Thủ đô, tôi nhớ nhiều đến các chiến sĩ Thủ đô năm xưa đã chiến đấu dũng cảm hy sinh trong 60 ngày đêm để bảo vệ Hà Nội và cuộc rút lui đầy mưu trí qua sông Hồng an toàn để về với chiến khu Việt Bắc.

Là những bậc đàn em kế tiếp sự nghiệp vẻ vang của Trung đoàn, tất cả chúng tôi đã chiến đấu dũng cảm, lập nhiều chiến công góp phần tạo nên chiến thắng vĩ đại lịch sử Điện Biên Phủ. Sau thắng lợi của Hiệp định Giơ ne vơ, Trung đoàn Thủ đô được nhận nhiệm vụ về tiếp quản Thủ đô. Chín năm trường kỳ kháng chiến chống thực dân xâm lược Pháp; toàn bộ cán bộ, chiến sĩ hầu như không ai có được một bức thư của gia đình, của người thân. Nhân dân ở chiến khu Việt Bắc là cha, mẹ, là anh em ruột thịt của các chiến sĩ quân đội. Cảnh núi rừng đã ăn sâu bén rễ vào tâm hồn các chiến sĩ. Nay về quê hương, chốn đồng bằng thành thị càng nhớ cảnh, nhớ người của những năm tháng đầy gian nan, vất vả và vô cùng gắn bó máu thịt không thể nào quên với chiến khu Việt Bắc. Sau này nghe bài thơ “Việt Bắc” của nhà thơ Tố Hữu mà lòng tôi xôn xao đến lạ thường:

“Áo chàm đưa buổi phân ly

Cầm tay nhau biết nói gì hôm nay …

 

Mình về rừng núi nhớ ai?

Trám bùi để rụng, măng mai để già…

 

Thương nhau chia củ sắn lùi

Bát cơm sẻ nửa, chăn sui đắp cùng…

Mình về thành thị xa xôi

Nhà cao còn nhớ núi đồi nữa chăng?

 

Phố đông còn nhớ bản làng

Sáng đèn còn nhớ mảnh trăng giữa rừng ?...

và hình ảnh của Bác Hồ:

Nhớ Người những sáng tinh sương

Ung dung yên ngựa trên đường suối reo

Nhớ chân Người bước lên đèo

Người đi rừng núi trông theo bóng Người”...

Mỗi vần thơ Việt Bắc làm rung động trái tim những người lính Cụ Hồ. Trên đường về tiếp quản Thủ đô, Đại đoàn 308 tổ chức lễ mừng công ở khu vực đồi trọc Trại Cờ, huyện Hiệp Hoà, tỉnh Bắc Giang.

Đất nước đang từ chiến tranh chuyển sang không khí hoà bình. Một không khí mới lạ hoàn toàn đến ngỡ ngàng với mọi người. Hàng vạn cán bộ, chiến sĩ của Đại đoàn tập trung về đây. Hàng vạn nhân dân của vùng tự do và vùng địch tạm chiến của Bắc Ninh – Hà Nội – Phúc Yên cùng nô nức, các ngả đường người đông như chẩy hội kéo nhau về vùng “Trại cờ” đón dự lễ mừng chiến thắng.

Mỗi người chiến sĩ chúng tôi như vỡ oà trong sung sướng vì được Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng cho mỗi chiến sĩ một chiếc huy hiệu chiến thắng Điện Biên Phủ. Ai cũng nâng niu nó và cài trên ngực áo bên trái, bên cạnh trái tim của mình. Nó có giá trị lịch sử mà không phải ai cũng có được. Nó được quý trọng như các tấm huân chương của đất nước trao tặng. Chúng tôi sẽ giữ gìn nó suốt cuộc đời của mình và sẽ giữ lại thành vật kỷ niệm cho con cháu mai sau.

Nhân dân cả vùng tự do và hậu địch đổ về đây vừa để chào mừng anh Bộ đội Cụ Hồ, vừa để tìm người thân đã gần chín năm xa cách. Có nhiều người gặp được con, cháu, anh, chị em, vợ chồng gặp nhau. Họ ôm lấy nhau khóc như mưa. Thế rồi ở cạnh đó cũng có một số người họ cũng khóc thảm thiết vì nhìn thấy anh bộ đội lại nhớ người thân của họ đã hy sinh không bao giờ còn gặp lại được nhau. Thật là đau thương.

Những giọt nước mắt của ngày gặp mặt hạnh phúc, đau thương, đan xen lẫn nhau thật là quá chua xót. Không khí của những ngày hoà bình đã xoa dịu những đau thương đó. Phải rồi. Hoà bình là ước vọng của loài người. Tức cảnh, một nhà thơ nào đó đã viết lên hai câu thơ:

Nước mắt cho ngày gặp mặt

Người thân ơi! Xa cách tự bao giờ.

Các con chim gà gô của vùng đồi núi cũng cao giọng hót “Bắt tép kho cà” để chào mừng anh Bộ đội Cụ Hồ.

Ban đêm cả vùng đồi trọc này lại vang lên tiếng ca hát. Chỗ nào cũng có hoạt động văn nghệ. Có nơi chỉ có một đống củi, ánh lửa bập bùng, dân vây quanh nghe chiến sĩ ta múa hát, phổ biến là điệu múa sạp, múa lụa. Có nơi chỉ biểu diễn dưới ánh trăng. Nơi nào sang trọng lắm có được cái đèn măng sông. Cả một vùng đồi rộng lớn náo nhiệt. Có một chuyện không ngờ tới đã xẩy ra: Diễn viên là chiến sĩ lao lên đánh bọc phá, tiếng nổ bộc phá “Rầm” thì đột nhiên có một thiếu phụ, đầu chít khăn tang lao lên sân khấu ôm lấy người chiến sĩ, khóc nức nở, xé tan chiếc khăn tang đang chít ở trên đầu. Cả hàng nghìn khán giả và diễn viên rất ngỡ ngàng, không hiểu chuyện gì xẩy ra. Vở diễn phải ngưng lại đôi phút thì hoá ra: Chị là vợ của chiến sĩ (diễn viên) đã nhận được giấy báo tử chồng đã hy sinh ở mặt trận Điện Biên Phủ. Từ đau thương trở về hạnh phúc đột ngột. Vở diễn mới bắt đầu từ đây. Căn lán đã nhường lại cho đôi vợ chồng trẻ đêm ấy. Từ cõi chết trở về mầm sống đã nẩy lộc đâm chồi. Các chiến sĩ nằm rải rác ở sườn đồi, họ ngắm trăng và mơ ước ngày trở về thăm quê hương không còn xa nữa. “Cầu ao – giếng nước – sân đình” bao nhiêu những kỷ niệm của tuổi thơ ấu lại ùa về trong trí tưởng của họ. Sương đêm thấm lạnh những giấc ngủ đã nhanh chóng đến với họ như những đứa trẻ thơ thật đáng yêu biết mấy của cuộc đời.

Có hai cô gái đến thăm gian trưng bầy súng phòng không của bộ đội. Một cô gái nói “Anh bộ đội ơi! Súng của anh sao dài, mà to thế ? Một cô bạn khác cùng đoàn đế luôn câu thứ hai: Anh bộ đội ơi! Hết giặc rồi, anh nhớ để cho em.

Hai câu này được ghép thành thơ:

Súng của anh sao dài, mà to thế

Hết giặc rồi, anh nhớ để phần em

Hai cô gái nói theo cái thực của mắt mình nhìn thấy cái mong muốn thực cuả lòng mình. Nhưng không ngờ nó vô tình đã chạm phải cái cấm kỵ, cái kín đáo nên làm cho cả khách lẫn chủ được pha cười nắc nẻ. Các cô gái lúc này mới vỡ lẽ mình đã nhỡ mồn cứ ôm lấy nhau mà cười, đấm vào lưng nhau kêu thùm thụp. Hai câu nói của hai cô gái được ghép lại thành một bài thơ mà đến bây giờ tôi cũng chưa đặt tên cho bài thơ như thế nào cho hay nhất. Giá mà bà chúa thơ nôm Hồ Xuân Hương sống lại thì chắc bà cũng phải khen bài thơ hay vì nó nói vừa xa, vừa gần, vừa kín, vừa hở, vừa thanh tao, vừa tục, nhưng cái tục này lại được cái thanh tao che kín.

Tan hội trở về, dọc đường râm ran chyện đời đáng ghi nhớ. Hoà bình trở lại, những người còn sống trở về với quê hương thì còn sung sướng nào bằng. Họ tự hào về chiến công 9 năm chống giặc Pháp xâm lược. Những gia đình có người thân đã vĩnh viễn nằm lại ở chiến trường họ ngắm nhìn bằng Tổ quốc ghi công. Sự hy sinh ấy để có mầm sống, nẩy lộc đâm chồi hôm nay để cho cả đất nước này có hoà bình và hạnh phúc.

Đại đoàn 308 tiếp tục hành quân trên đường về tiếp quản Hà Nội. Đến đất Phú Thọ, tại Đền Hùng nhiều cán bộ, chiến sĩ của Đại đoàn được vinh dự lớn lao nghe Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện: (Trích trong Hồ Chí Minh toàn tập).

“Hôm nay, gặp các chú ở Đền Hùng có ý nghĩa rất to lớn vì Vua Hùng là một vị khai quốc.

Nhiệm vụ tiếp quản Thủ đô của Đại đoàn là rất quan trọng và vinh dự.

Từ trước tới nay, các chiến dịch Trung ương và Bác vẫn chú ý theo dõi hoạt động của Đại đoàn nhưng lần này vào Hà Nội, Trung ương và Bác càng quan tâm hơn.

Các lần đi chiến dịch, Trung ương và Bác đã quan tâm nhưng không e ngại vì biết cán bộ, chiến sĩ ta có tinh thần bất khuất nhưng lần này vào Hà Nội, Trung ương và Bác cùng quan tâm nhưng còn e ngại vì vào Hà Nội vẫn còn có kẻ thù chính trị trong hoàn cảnh hoà bình (viên đạn bọc đường).

Tám năm kháng chiến thắng lợi quân đội và nhân dân ta có rất nhiều công lao và thành tích. Nhiệm vụ tiếp quản Thủ đô có ý nghĩa chính trị rất quan trọng, đối với nhân dân thế giới, đối với niềm Nam và các nước dân chủ. Cho nên các cháu cần nhận rõ nhiệm vụ tiếp quản Thủ đô.

+ Tiếp quản phải thận trọng chu đáo.

+ Tổ chức kỷ luật trong công tác và sinh hoạt, phải nghiêm minh.

+ Giữ gìn trật tự an ninh bảo vệ tính mạng tài sản của nhân dân.

+ Chống mọi hành động phá hoại vì:

 - Kẻ địch còn lén lút.

         Những khuyết điểm cần phải tránh:

+ Thiếu tổ chức kỷ luật, ví dụ như ăn ở, đi lại, mua bán…

+ Xa xỉ ăn diện tự do bắt chước lối sống không tốt.

+ Vì những lý do trên nên dễ sinh ra tham ô hư hỏng.

- Muốn tránh khuyết điểm phải có dân chủ, phải thường xuyên giúp đỡ lần nhau, phê bình và tự phê bình phải giữ tác phong giản dị, chất phác của người cách mạng.

      Phải chú ý học tập về mọi mặt, học tập tiếp các chính sách tiếp quản Thủ đô.

      Phải đoàn kết rộng rãi:

+ Trong kháng chiến ta chỉ đoàn kết với lực lượng kháng chiến, nhưng từ giờ trong hoà bình thì chủ trương đoàn kết của ta có thay đổi.

+ Những ai tán thành hoà bình thống nhất độc lập, dân chủ thì ta đoàn kết.

+ Trong công tác và sinh hoạt ta phải gần dân, giúp đỡ, thương yêu và quý trọng dân, học tập dân.

Cán bộ cần gương mẫu.

- Nhiệm vụ giải phóng xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ta còn rất nặng nề và quan trọng. Các cháu đã thấy.

“Các vua Hùng đã có công dựng nước,

Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”

Tiểu đoàn 54, Trung đoàn 102 (Trung đoàn Thủ đô) trên đường tiến về Cửa ô Cầu Giấy. Nhân dân suốt dọc đường đông như chảy hội đón chào anh Bộ đội Cụ Hồ.

Đơn vị tạm dừng chân một đêm tại ngã tư Nhổn. Rất đông nhân dân Thủ đô đủ mọi tầng lớp ra tận Nhổn để đón chào bộ đội. Tay bắt mặt mừng đã chín năm xa cách bây giờ mới gặp lại nhau. Cờ hoa tưng bừng rộn rã, mãi đến tận đêm khuya nhân dân mới về nội thành. Có một người vợ may mắn đã gặp được chồng, chị ôm chặt lấy chồng mà nước mắt tràn mi, nước mắt đau thương đã kìm nén trong chín năm kháng chiến nay nó được bung ra lan toả trở thành nỗi tự hào – vui mừng – sung sướng của mọi người. Đêm ấy họ không ngủ, họ kể cho nhau nghe bao điều ấp ủ từ lâu.

Hàng vạn nhân dân ngoại thành đổ về các phố phường Hà Nội cờ hoa đón chào bộ đội. Rất nhiều đường phố có hoạt động ca múa đến tận đêm khuya. Riêng ở khu vực chợ Đồng Xuân, bộ đội cùng nhân dân ca hát đến gần sáng. Nhân dân cùng bộ đội tổ chức liên hoan vui vẻ đến nhường nào. Trung đoàn Thủ đô đã nghiêm chỉnh thực hiện mọi điều căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, giữ gìn nghiêm kỷ luật và làm được nhiều việc tốt, được nhân dân Thủ đô yêu mến.

Đơn vị chúng tôi tiếp quản khu vực Bộ Quốc phòng – Bộ tổng tham mưu – chợ Đồng Xuân – cầu Long Biên và nhiều nơi khác. Những người lính Pháp, họ buồn bã đang rút khỏi cầu Long Biên thỉnh thoảng họ ngoái nhìn trở lại, có phải họ có ý chia tay hay họ luyến tiếc điều gì? Chắc họ cũng vui mừng vì sắp được trở về với quê hương đất mẹ.

Ngày 10 tháng 10 đã đi vào lịch sử của Thủ đô Hà Nội. Hoà bình đươc lập lại cả miền Bắc được hoàn toàn giải phóng. Nhưng cuộc trường kỳ kháng chiến chống xâm lược Mỹ phải mất 20 năm nữa đất nước ta mới có hoà bình và hạnh phúc. Nhân ngày kỷ niệm trọng đại này chúng ta biết ơn sâu sắc đến hàng triệu chiến sỹ đã hy sinh mới có cuộc sống hạnh phúc hôm nay.

NGUYỄN THỤ

 ( Phường Trương Định, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội).