Đoàn Nghi lễ Quân đội phục vụ Lễ kỷ niệm Ngày Quốc tế Lao động ( 01/5/1965) tại Quảng trường Ba Đình ( Hà Nội).
Bác Hồ chụp ảnh với cán bộ nhạc công của Đoàn tại Đại hội thi đua toàn quốc năm 1965. Ảnh tư liệu.
Bác Hồ tặng hoa Đoàn trưởng Đinh Ngọc Liên tại Lễ kỷ niệm 20 năm Ngày Quốc khánh nước Việt Nam dân chủ cộng hòa.
Đoàn nghi lễ Quân đội, tiền thân là “Ban âm nhạc giải phóng quân” thành lập ngày 20 tháng 8 năm 1945, ngay sau Cách mạng tháng Tám thành công tại Thủ đô Hà Nội. Với nhiệm vụ trọng tâm là phục vụ nghi lễ của Đảng, Nhà nước, Quân đội; qua gần 80 năm xây dựng, chiến đấu, trưởng thành, luôn gắn liền với các sự kiện chính trị, trọng đại của đất nước, được Bác Hồ đặc biệt quan tâm, giành nhiều tình cảm cho các thế hệ cán bộ, nhạc công của Đoàn.
Nhân dịp kỷ niệm 55 năm thực hiện Di chúc của Bác và chuẩn bị kỷ niệm 80 năm ngày truyền thống của Đoàn nghi lễ quân đội anh hùng; là người đã có nhiều năm công tác tại đơn vị, xin được ghi lại qua lời kể của thế hệ đi trước và qua lịch sử truyền thống của Đoàn, để tỏ lòng thành kính, sự biết ơn vô hạn tới Chủ tịch Hồ Chí Minh, giáo dục cho thế hệ cán bộ, chiến sĩ hôm nay và mai sau, kế thừa, phát huy truyền thống tốt đẹp, đoàn kết xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.
Cuộc khởi nghĩa Cách mạng tháng Tám thành công, để chuẩn bị cho buổi lễ trọng đại của đất nước, công bố với thế giới và quốc dân đồng bào, nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời, chính quyền về tay nhân dân, chấm dứt ách đô hộ của thực dân, phong kiến. Để buổi lễ được trọng thể, cổ vũ nhân dân cả nước, hướng về với cách mạng, rất cần có đội nhạc binh để phục vụ. Thực hiện sự chỉ đạo của chính quyền cách mạng, của Bác Hồ; ngày 20 tháng 8 năm 1945, tại trại Bảo an Binh của thực dân Pháp (số 40 Hàng Bài ngày nay), đồng chí Vương Thừa Vũ chỉ huy bộ đội Hà Nội đã đến gặp anh em nhạc binh, là những người lính “Khố xanh” đang phục vụ cho thực dân Pháp, thuyết phục “Cách mạng đã thành công, nhạc binh rất cần cho quân đội, cho đất nước, anh em sẵn có lòng yêu nước, nếu đồng ý gia nhập hàng ngũ cách mạng, đội kèn sẽ được giữ nguyên và bắt đầu từ hôm nay mang tên: “Ban âm nhạc giải phóng quân” và giao nhiệm vụ cho Ban âm nhạc giải phóng quân, trước mắt, cũng như lâu dài. Ngày 20/8/1945 đã trở thành ngày truyền thống của Đoàn nghi lễ quân đội.
Ngay sau đó anh em, bắt đầu đi vào tập luyện, chuẩn bị cho lễ Tuyên ngôn độc lập ngày 2/9/1945 tại Quảng trường Ba Đình. Tại thời điểm đó, cũng có ý kiến không nên sử dụng đoàn quân nhạc, vì nó nguyên là tổ chức của thực dân đế quốc. Nghe được ý kiến đó, Bác bảo “Các chú định đẩy họ đi con đường nào? Vấn đề không phải là tổ chức của ai mà là con người. Phải cảm hóa, giáo dục họ trở thành người cách mạng, phục vụ cho cách mạng. Chú nào muốn giải thể, không dùng họ cũng được, nhưng bác giao hẹn trong 15 ngày phải thành lập Đoàn quân nhạc mới có trình độ như họ vậy. Một đất nước độc lập, tự chủ không thể thiếu quân nhạc”. Sự nhìn xa trông rộng, và lòng tin của Bác, thật không bờ bến. Anh em nguyện một lòng đi theo cách mạng, phấn đấu trở thành người chiến sỹ cách mạng, chiến đấu dưới lá cờ vinh quang của Đảng, của Bác.
Sau buổi lễ tuyên ngôn độc lập, khoảng một tuần, Bác đến thăm anh em quân nhạc, khi đơn vị đang tập trong luyện tập các bài mới. Sau khi ân cần thăm hỏi tình hình ăn ở, công tác và gia đình, như một người cha với đàn con. Bác nói “Bác thì không thạo về nhạc, nhưng vừa rồi, cử quốc ca, của nước Việt Nam ta, ai cũng khen, vừa giành được chính quyền mới đã có ban nhạc hoàn chỉnh, chơi được như thế là giỏi. Bác chuyển lời khen ngợi đến các cháu”. Về lời bài hát quốc ca, Bác góp ý “Bây giờ là nước Việt Nam độc lập rồi, không còn Đoàn quân Việt Minh đi nữa mà là Đoàn quân Việt Nam đi. Các chú thay chữ Việt Minh, bằng chữ Việt Nam thì đúng hơn”. Từ hôm đó quốc ca được hát theo lời của Bác.
Bước vào năm 1946, tuy đất nước còn bao khó khăn chồng chất, thù trong, giặc ngoài. Theo Chỉ thị của Đảng và Chính phủ, các địa phương đang chuẩn bị gấp rút cho cuộc tổng tuyển cử bầu Quốc hội khóa đầu tiên vào ngày 6/01/1946. Từ sáng sớm anh em quân nhạc đội mũ “ông Công” vừa đi, vừa biểu diễn, khắp các phố chính Hà Nội, từ hòm phiếu này, sang hòm phiếu khác, sang Gia Lâm, xuống Thanh Trì… quên cả đói cả mệt. Đi đến đâu bà con kéo theo đông nghịt, hăng hái đi bỏ phiếu, góp phần vào thành công, thắng lợi của cuộc tổng tuyển cử. 5 giờ chiều hôm đó, về đến doanh trại đóng quân, thì nhận được thư của Bác. Không nén nổi xúc động, Đoàn trưởng Đinh Ngọc Liên la to “Trời ơi! Thư của Bác! Thư của Bác!” anh em cùng đồng thanh, đọc đi. Đọc ngay đi! Đoàn trưởng Liên giọng nghẹn lại và nước mắt chảy dài, phải nghỉ một lúc lấy hơi, trấn tĩnh, đọc cho mọi người cùng nghe. Thư Bác viết: “Thân gửi Ban Âm nhạc giải phóng quân, hôm nay 6 tháng 01 ngày Tổng tuyển cử; anh, em đã nô nức đi cổ động khắp Thủ đô từ sáng đến chiều làm cho ngày Tổng Tuyển cử được tưng bừng, vui vẻ và kết quả. Bác thay mặt những ứng cử viên của Thủ đô Hà Nội cảm ơn và khen ngợi anh em. Chào thân ái, Hồ Chí Minh”.
Ngay ngày hôm sau 7 tháng 01 năm 1946, anh em quân nhạc lại được vinh dự phục vụ Bác tới dự lễ khai giảng khóa I Trường Huấn luyện cán bộ tự vệ Hồ Chí Minh. Sau nghi lễ đón Bác vào lớp xong, anh em quân nhạc đứng ngoài đợi khi Bác về để thực hiện nghi lễ tiễn. Lúc ở lớp ra, vừa dứt hồi kèn tiễn Chủ tịch nước của quân nhạc; Bác bước tới chỗ nhạc trưởng Đinh Ngọc Liên thân mật hỏi “Hôm qua mình gửi cho anh em Ban âm nhạc lá thư, nhận được chưa?”. Nghe Bác nói với “quản kèn” mà xưng “mình” với “anh em” như những người bạn. Nhạc trưởng Liên, run run vì cảm động, trả lời “Thưa Bác chúng cháu đã nhận được chiều hôm qua rồi ạ, xin cảm ơn Bác”. Trên trường về ai cũng phấn khởi, sung sướng và tự rút ra bài học về giáo dục, về tác phong tỉ mỉ, sâu sát với công việc, với bộ đội, với cấp dưới, với nhân dân của Bác. Đây còn là tình cảm, sự quan tâm, ưu ái của Bác với quân nhạc.
Sau khi dự hội nghị tại Pháp về nước, sau một tuần, Bác lại giành thời gian xuống thăm quân nhạc. Lần này Bác đến bất ngờ, không ai biết. Bác vào nhà ăn, nhà bếp sau mới lên gác, nơi anh em đang tập trung học tập. Thấy Bác anh em quá đỗi vui mừng, chạy ùa lại vây quanh. Nhìn Bác vui, khỏe, nhạc trưởng Liên thưa với Bác: Thưa Bác, Bác đi về bình yên khỏe mạnh, chúng cháu xin trình bày bài “Kỷ niệm Bi-a-rich”, vì thời gian Bác đi công tác anh em ở nhà rất nhớ Bác và đã cố công tập bài này, bản nhạc có giai điệu rất tình cảm, mong Bác chấp nhận. Bác nói ngay “Bác bận lắm, chẳng có thì giờ ngồi nghe nhạc được”. Bác ân cần nói tiếp: “Bác thì không thạo về nhạc, nhưng ông cha ta có câu Trống năng rèn, kèn năng thổi. Bác mượn câu đó để nói với các cháu. Bác đi xa về thấy các cháu khỏe, Bác cũng khỏe, thế là Bác cháu ta cùng mừng. Bác có gói quà cho các cháu”. Tiễn Bác về rồi, anh em trở lại phòng tập, hồi hộp, sung sướng, đón nhận tình thương của Bác. Chưa ai dám mở gói quà Bác cho và cũng chưa muốn mở gói quà, mà còn để tận hưởng những giây phút sung sướng của Bác dành cho. Thì ra cái giỏ quà Bác đi Pa-ri về, mang đến tận trại cho quân nhạc, không phải bánh, kẹo như mọi khi, mà toàn phụ tùng cho các loại kèn. Nào dăm, nào tăm Pong, Rét- So đủ cỡ, đủ loại. Tất cả đều nghẹn ngào, ôm lấy nhau, nhảy lên hô “Bác Hồ muôn năm! Bác Hồ muôn năm!”. Thật là một món quà vô giá của cha giành cho con. Bác không những chăm lo cho từng con người mà còn lo cho từng cái kèn… Khi đó quân nhạc đang rất cần, vì không có phụ tùng thay thế. Và cũng từ đó lời dậy của Bác “Trống năng rèn, kèn năng thổi” đã trở thành phương châm hành động của bộ đội quân nhạc, truyền thống của Đoàn nghi lễ quân đội.
Có một kỷ niệm còn nhớ mãi, trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Nhằm tuyên truyền, động viên bộ đội, các đơn vị có phong trào viết báo tường. Đơn vị nào có nội dung tốt, trình bày đẹp thì được thưởng. Lần ấy tờ Báo tường “Tuổi xanh” của Đoàn quân nhạc được chấm giải nhất và được gửi về Cục Chính trị. Trong tờ Báo tường ấy có vẽ một tranh biếm họa ghi lại một nhạc sinh quân tên là “Thộn” đang thổi kèn, nước mắt ròng ròng, bên cạnh là một nhạc binh lớn tuổi giơ tay tát. Bức vẽ phê phán hành động quân phiệt. Chuyện chỉ có vậy nhưng không biết thế nào tờ Báo “Tuổi xanh” lại được Bác Hồ xem, và sau đó Bác gửi Thư nhắc nhở: “Gửi các cháu nhạc sinh quân; Báo Tuổi xanh của các cháu, số tết bài viết gọn gàng, lời lẽ thật thà, hoạt bát, vui vẻ. Các cháu cứ gắng sức thì sẽ thành tờ Báo tốt hơn nữa. Chớ viết dài dòng, chớ dùng những chữ không phổ thông...Viết rồi phải đọc lại kỹ mấy lần. Phê bình cho nhau. Nhờ các anh lớn phê bình hộ. Đó là cách viết báo các cháu nên nhớ. Thấy Thộn bị tạt tai, Bác rất lấy làm kỳ quái. Nếu việc ấy thật có thì phải sửa đổi ngay. Vì tạt tai không phải là một cách dậy dỗ. Mong các người anh chú ý. Chúc các cháu mạnh khỏe và mong các cháu siêng học, siêng làm.
Bác hôn các cháu
Tháng 2/1948
Bác Hồ”.
Được nghe từng lời trong thư Bác, ai cũng thấy thấm thía. Khuyết điểm này, là vi phạm bản chất truyền thống quân đội cách mạng, không thể tha thứ được. Thật là bài học nhớ đời, cả về cách làm việc cụ thể, phù hợp đối tượng, cả về mối quan hệ đồng đội, cán –binh. Từ đó về sau các thế hệ quân nhạc luôn truyền cho nhau lời dạy của Bác và khuyết điểm ấy không tái phạm nữa. Tờ báo Tuổi xanh có bước tiến rõ rệt về chất lượng.
Năm 1965, cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta bước vào thời kỳ mới, khó khăn, ác liệt hơn. Đế quốc Mỹ leo thang, dùng máy bay đánh phá miền Bắc. Hưởng ứng lời kêu gọi của Bác, một số quân nhạc viết đơn tình nguyện xin ra mặt trận chiến đấu, với suy nghĩ giản dị “Âm thanh cũng là mặt trận chiến đấu không thể thiếu được, trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Nhưng trong không khí nước sôi lửa bỏng này, xin được ra trận, cầm súng trực tiếp tiêu diệt quân thù. Yên giặc rồi xin được trở lại cầm kèn như xưa”. 50 anh nhạc công, hầu hết là chiến sỹ chống Pháp, được tuyển chọn, bổ sung cho Bộ đội Trường Sơn 559, Bộ đội đặc công và bổ sung sang các đội văn công Quân giải phóng ở miền Nam. Mùa thu năm 1965, Đoàn được giao nhiệm vụ phục vụ cho lễ kỷ niệm 20 năm ngày thành lập nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Bình thường, theo kế hoạch chỉ cần 2 đội phục vụ, phân công nhạc trưởng Mai Huyên chỉ huy. Nhưng trên yêu cầu tất cả Đoàn đều luyện tập và trước buổi lễ mấy ngày, một cán bộ trên Phủ Chủ tịch xuống gặp Đoàn trưởng nói “Bác bảo lần này chú Liên phải chỉ huy dàn nhạc trong buổi lễ”. Đoàn trưởng cảm động không cầm được nước mắt. Bác luôn nhớ tới anh, một quản kèn khố xanh được cách mạng, được Đảng, đặc biệt được Bác chăm nom, giáo dục, tin tưởng, giao cho một nhiệm vụ quan trọng. Đinh Ngọc Liên coi đây là niềm hạnh phúc lớn lao, là vô giá, trong một đời người chắc gì ai đã có được. Hoạt động trong chế độ thời chiến, theo quyết định của Ban Tổ chức buổi lễ chỉ gói gọn trong 40 phút, để bảo đảm an toàn và để Bác còn về nghỉ, sức khỏe của Bác lúc này không được tốt. Khi các nghi lễ, nội dung buổi lễ xong, để kết thức, nhạc trưởng Đinh Ngọc Liên chỉ huy dàn nhạch tấu bài “Giải phóng miền Nam” và bắt nhịp để cả hội trường cùng hát, theo kịch bản đã xác định, hát bốn lần, nhưng lần này chỉ hát có một lần, để khỏi kéo dài. Thấy vậy Bác đứng dậy vui vẻ bảo: “Hát còn bé lắm, chú Liên điều khiển hát lại. Theo Bác đồng bào miền Nam đang chiến đấu ác liệt như thế, bài này ai cũng phải thuộc để nay mai khi giải phóng miền Nam còn vào hát ca ngợi đồng bào, chiến sỹ mình chứ! Ai thuộc mới được vào, không thuộc thì ở lại. Còn thì giờ thì cố học đi nào, hát lại lần nữa!”. Nhạc trưởng lại bắt nhịp. Lần này cả hội trường, cả các đoàn ngoại giao dự buổi lễ, cùng đồng thanh hát to bài Giải phóng miền Nam, với đủ các thứ tiếng. Trong lúc mọi người đang hát, Bác vẫy nhạc trưởng lên bắt tay và tặng bó hoa. Buổi lễ theo điều khiển của Bác kéo dài thêm 20 phút, ngoài ý đồ của Ban Tổ chức. Ra về ai cũng cảm động, thương Bác, lúc nào Bác cũng nhớ tới đồng bào miền Nam. Miền Nam luôn trong trái tim của Bác, bao nhiêu năm nay chưa được trở lại, miền Nam vẫn đang dưới ánh đô hộ của đế quốc.
Tháng 10 năm 1968, Đoàn được Bộ Tổng tham mưu giao nhiệm vụ “Bác của ta đang mệt nặng, quân nhạc phải lo chuẩn bị. Phòng Bác có đi xa khỏi phải đột ngột, như nhà có bố mẹ già, chuẩn bị chu đáo càng sớm, càng tốt. Các đồng chí về nghiên cứu các phương án chuẩn bị, lãnh đạo đơn vị tập luyện tốt. Tin này tuyệt đối giữ bí mật”.
Cho đến tháng 7 năm 1969, Đội 1 quân nhạc vinh dự được gặp Bác trong hội nghị cán bộ cấp cao toàn quân vẫn phong thái nhanh nhẹn, ung dung, nhưng nhìn Bác, anh em biết Bác lúc ấy đã yếu nhiều. Bác phải cố gắng lắm để giữ cho phong thái được bình thường. Thương Bác, rồi trộm nghĩ ôi Bác Hồ vĩ đại yêu quý ngàn lần của chúng cháu, chẳng lẽ đây là lần cuối cùng chúng cháu được gặp Bác sao! Chẳng lẽ đây là lần chót được nhìn thấy Bác sao! Và đúng là lần cuối thật. Tối ngày 01/9/1945, Đội 2 quân nhạc phục vụ lễ Quốc khánh 2/9. Buổi lễ được tiến hành như thường lệ, nhưng trên Chủ tịch đoàn vắng bóng Bác. Chẳng lẽ Bác đã từ biệt chúng cháu thật sao? Anh em đứng trước lễ đài tấu nhạc mà lòng đau như cắt, nhiều người không cầm được nước mắt. Đúng như linh cảm, mấy ngày sau Đài tiếng nói Việt Nam phát đi bản thông cáo đặc biệt, Bác đã vĩnh biệt chúng ta về thế giới người hiền. Khi ấy đơn vị vẫn đang sơ tán tại xã Đại Kim, Thanh Trì, được lệnh về nội Thành chuẩn bị làm nhiệm vụ, phục vụ lễ tang cho Bác. Khi anh em ra xe, trời vẫn mưa không ngớt, một cụ ông người làng Bằng A vừa khóc vừa nói anh em “Bác mất rồi trời cũng thương khóc, các chú được về đưa tiễn Bác, mong các cháu thay mặt bà con ở làng này tổ chức cho tốt để thỏa vong linh Bác”, nghe cụ nói mà mọi người đều khóc theo.
Suốt mấy ngày tập luyện, 120 quân nhạc được biên chế thành 3 đội thay phiên nhau túc trực suốt ngày đêm bên linh cữu Bác, ai cũng quyết tâm làm tròn nhiệm vụ lịch sử này. Trước khi bắt đầu lễ viếng đồng chí Lê Quang Đạo, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị đến nói với anh em: “lúc còn sống, Bác rất quan tâm tới Quân nhạc, phục vụ tang lễ, quân nhạc phải phục vụ cho tốt, nếu để sơ suất là có lỗi với Bác. Ban Tổ chức để quân nhạc viếng Bác trước, rồi làm nhiệm vụ.” Trong tuần tang Bác, được tận mắt chứng kiến những nỗi đau, và tiếc thương vô hạn của toàn dân, của bạn bè, đồng chí khắp năm châu, bốn biển đối với Bác, các chiến sỹ quân nhạc càng thấy công lao to lớn và tình cảm vĩ đại của Bác. Hình ảnh Bác đã đi sâu vào trái tim, khối óc của mọi người, mọi dân tộc ở trong nước và cả trên thế giới.
Ngày mùng 9 tháng 9 năm 1969 toàn Đảng, toàn dân cùng bạn bè tiễn đưa Người về cõi vĩnh hằng với lễ truy điệu trọng thể tại quảng trường Ba Đình. Nhạc Trưởng Đinh Ngọc Liên người quản kèn của đội kèn Khố xanh 24 năm trước được Đảng, Bác Hồ tin tưởng, giáo dục, quan tâm, trở thành sỹ quan của Quân đội nhân dân Việt Nam, người mà trong lễ Quốc khánh 1965 được Bác nhắn “Hôm nay chú Liên chỉ huy dàn nhạc” được vinh dự là người chỉ huy dàn nhạc trong lễ tang Bác. Thương Bác vô cùng, anh em đều hứa với nhau, phải làm thật tốt nhiệm vụ để đền đáp công ơn của Bác. Kính thưa bác: Những lời Bác dạy: “Trống năng rèn, kèn năng thổi”, các cháu phải ra sức đào tạo thêm nhiều người vào, quân đội ta ngày càng trưởng thành, càng cần nhiều quân nhạc”; chúng cháu nguyện suốt đời ghi nhớ công ơn dạy dỗ của Bác, các thế hệ Bộ đội quân nhạc sẽ tiếp nối nhau thực hiện tốt nhiệm vụ Bác giao. 80 năm đã trôi qua, 24 năm được Bác trực tiếp quan tâm, giáo dục, rèn luyện, một vinh dự lớn, mãi là niềm tự hào của các thế hệ cán bộ, chiến sỹ quân nhạc. Thực hiện lời dạy của Bác, các thế hệ cán bộ, chiến sỹ luôn đoàn kết khắc phục khó khăn, phát huy truyền thống đơn vị Anh hùng LLVTND, xứng đáng là đơn vị làm nhiệm vụ nghi lễ của Đảng, Quân đội, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, tô thắm truyền thống của Quân đội nhân dân Việt Nam Anh hùng, của dân tộc Anh hùng.
Đại tá NGUYỄN XUÂN HÀ
Nguyên Chính ủy Đoàn Nghi lễ Quân đội.