NHỚ MÙA XUÂN ẤY

12/02/2025
.

Mùa xuân năm 1975, khi còn đang huấn luyện tân binh, ngày nào chúng tôi cũng được nghe tin thắng trận ở chiến trường. Mỗi đêm trước khi đi ngủ cả Trung đội lại bàn tán xôn xao, rồi ai đó bỗng lên tiếng: “Không nhanh thì bọn mình chỉ còn kịp đi thu dọn ống bơ rỉ…”. Hàng ngày ở thao trường, mọi người đều hăng say luyện tập và mong thời gian kết thúc thật nhanh. Hình ảnh anh Giải phóng quân đội mũ tai bèo là thần tượng của lứa thanh niên chúng tôi lúc ấy. Dù không nói ra, song trong thâm tâm đứa nào cũng mong mình được có mặt trong đoàn quân tiến vào giải phóng Sài Gòn. Và rồi trưa 30 tháng 4, khi còn đang lấy củi trong rừng thì được tin Sài Gòn đã giải phóng, cả lũ chúng tôi ôm nhau nhảy nhót tưng bừng, quên cả mệt, cả đói.

Hàng năm cứ mỗi xuân về, tôi lại bâng khuâng nhớ một thời trai trẻ; nhớ mùa xuân cả nước cùng ra trận, quyết tâm giải phóng miền Nam. Dù không được trực tiếp tham gia chiến đấu, song tôi có mặt trong đoàn quân vào tiếp quản vùng giải phóng. Ngược đường vào Nam của chúng tôi là nhiều đơn vị cũng hành quân ra Bắc làm nhiệm vụ khác. Bấy giờ đi đến đâu cũng là không khí của ngày chiến thắng. Cả nước là rừng cờ và hoa. Tôi được đi qua nhiều địa danh trên mảnh đất miền Trung kiên cường trong cuộc chống chiến tranh phá hoại của Đế quốc Mỹ. Đó là cầu Hàm Rồng, Thanh Hóa, là vùng đất Nghệ Tĩnh, Quảng Bình. Qua cầu Hiền Lương, sông Bến Hải - một thời là giới tuyến chia cắt hai miền Nam - Bắc. Nhìn lá cờ Tổ quốc tung bay trong gió sớm thanh bình, lòng chúng tôi thấy rưng rưng. Đây miền đất Trị - Thiên khói lửa, đất Quảng Nam “Trung dũng kiên cường đi đầu diệt Mỹ”. Đất Quảng Ngãi anh hùng còn ghi dấu tội ác tày trời của lính Mỹ trong vụ thảm sát những người dân vô tội ở Mỹ Lai, Sơn Mỹ. Những nơi đã đi vào huyền thoại trong kháng chiến chống thực dân, xâm lược của dân tộc ta. Qua Tam Quan Bình Định, nhớ một bài thơ đã học năm nào. Em bé miền Nam ơi, miền Nam quê em đã giải phóng rồi. Nhất định ngày trở về quê hương em sẽ lại “Ngửa đầu uống ừng ực, từng hớp nước dừa ngon”… Tôi đã qua “Khu Năm rằng rặc khúc ruột miền Trung”. Đây thành phố Nha Trang xinh đẹp, đây chiến khu Cà Đú, chiến khu Bác Ái anh hùng của quê hương Ninh Thuận. Tôi đi trên con đường giải phóng của miền đất cực Nam Trung bộ, của “Miền Đông gian lao mà anh dũng”… và đến Sài Gòn.

Trên đường Nam tiến, tôi gặp anh tôi trong đoàn quân chiến thắng. Khuôn mặt mọi người như còn sạm màu thuốc súng và bụi đường trường, nhưng ai cũng hân hoan. Song một người anh yêu quý của tôi cũng như nhiều người khác đã không trở về. Anh ngã xuống trong cuộc tiến công giải phóng Xuân Lộc trước ngày 30 tháng 4, khi còn cách sào huyệt quân thù gần trăm cây số. Trong số những “Vọng phu không hoá đá” có chị tôi. Giữa thành phố mới giải phóng, chúng tôi cảm thấy thật hãnh diện, tự hào, nhưng cũng thật tiếc khi mình không được có mặt trong đoàn quân tiến về với niềm hạnh phúc của người chiến thắng. Những khuôn mặt trẻ măng, mép còn lún phún lông tơ, trên ve áo là đôi quân hàm binh Nhì mà có người chào là “Ông tướng”. Vâng, tướng là đúng quá đi rồi, người chiến thắng phải là tướng chứ. Bỗng dưng tôi thấy nhớ quê hương da diết. Tôi nhớ gia đình, nhớ tất cả những người thân. Tôi hình dung ra niềm vui của họ hàng khi anh tôi còn sống trở về, và tôi cũng biết bác tôi, chị tôi, cháu tôi vẫn mãi mãi chờ đợi người anh đã nằm lại trên mảnh đất miền Nam này. Tôi nhớ bạn bè, thế là mình đã may mắn hơn các bạn khi được đứng giữa thành phố Sài Gòn.

Khắp nơi trong khu vực đóng quân còn ngổn ngang súng đạn, đồ dùng, trang phục của quân địch. Vừa lao động củng cố doanh trại, vừa học tập chính trị, học chính sách đối với vùng giải phóng và tiếp tục ôn tập văn hoá để chuẩn bị vào học lớp kỹ thuật sửa chữa máy bay… Công việc cứ cuốn hút chúng tôi và thời gian trôi đi trong niềm hạnh phúc.

Mùa xuân này, tôi lại thấy nao nao trong lòng. Để đất nước có tự do độc lập hôm nay, cả dân tộc ta đã phải trải qua cuộc trường kỳ kháng chiến 30 năm kể từ sau Cách mạng tháng Tám 1945. Có hàng triệu người con ưu tú đã chiến đấu và hy sinh anh dũng. Có thế hệ các anh tôi gác bút nghiên lên đường ra trận. Tôi nhớ người Trung đội trưởng cũ ngày huấn luyện tân binh vẫn nói rằng: Đúng là không ai muốn chiến tranh, nhưng khi Tổ quốc còn kẻ thù xâm lược, thì mỗi thanh niên phải thấy rõ nghĩa vụ và trách nhiệm của mình. Anh mơ ước ngày chiến thắng, nhất định sẽ về thi đại học.

Mới đó mà đã mấy mươi năm…

Quách Thành

CCB khu Giáp Nhất, Nhân Chính, Thanh Xuân