BÂY GIỜ CHÁU Ở ĐÂU?

11/07/2025
.

Tháng Chín năm 1975, trước khi vào ôn tập văn hoá để học sĩ quan, chúng tôi có mười ngày đi rừng lấy củi. Ngày đó, các bếp ăn đun nấu bằng củi là chủ yếu. Củi được khai thác, thu nhặt từ những nơi dân địa phương khai hoang theo chủ trương của Nhà nước.

Lần đó do ở rừng dài ngày, nên chúng tôi phải ở trọ trong nhà dân một xã miền núi thuộc huyện Cam Ranh. Tôi cùng Thế được ở trong một gia đình có ba mẹ con, là người Quảng Trị phiêu dạt vào trong cuộc chiến. Người mẹ khoảng chừng năm mươi tuổi và hai cô con gái. Tôi chỉ biết cô chị qua lời cô em là “chị cháu đi thi tốt nghiệp tú tài” (Vì trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 đã phải dừng thi), còn không biết mặt, dù đã ở đó cả tuần. Cô em lúc đó mới tám tuổi, học hết lớp hai, còn gọi chúng tôi là chú bộ đội. Sau giải phóng, cái gì cũng thiếu, nhưng có lẽ thiếu thốn nhiều nhất là lương thực. Riêng bộ đội, theo tiêu chuẩn vẫn đủ hơn và chưa phải ăn độn. Đi rừng, chúng tôi còn được cấp cả mì tôm để thay canh. Nhìn bữa cơm hai mẹ con ăn chủ yếu là sắn khô. Mẹ thì thế nhưng còn cháu Hải, mới tám tuổi mà phải ăn toàn sắn, chúng tôi không cầm lòng. Tôi bàn với Thế lấy cơm về nhà và đề nghị bà mẹ cho chúng tôi ăn cùng. Thế là, cứ đến bữa, tôi và Thế có cơ hội nhường cơm cho cháu Hải, cho mẹ. Lần đầu tiên từ khi xa nhà, chúng tôi được sống trong không khí gia đình, với người dân vùng mới giải phóng. Hàng ngày sau giờ đi rừng, cả đơn vị thường giúp các gia đình quét dọn, vệ sinh ngõ xóm, nấu cơm, gánh nước... Bà mẹ chủ nhà rất quý chúng tôi. Thấy những những người lính trẻ xa quê, mẹ động lòng trắc ẩn hay mẹ thông cảm với những người lính vừa qua khói lửa của cuộc chiến tranh. Tuy chưa giúp được gì cho Cách mạng, song tôi biết những người dân nơi đây luôn ủng hộ cho giải phóng và tạo điều kiện tốt nhất cho chúng tôi hoàn thành nhiệm vụ.

Tôi nhớ buổi tối nào cũng có một người đã từng đi lính Ngụy, nhưng do yếu sức khoẻ nên được ra quân vẫn sang hỏi nhiều điều. Anh ta hỏi về miền Bắc, về chủ nghĩa xã hội. Lúc ấy, hiểu đến đâu, chúng tôi nói đến đấy. Anh ta là người yêu văn chương, cũng thuộc nhiều thơ kháng chiến chống Pháp. Anh cho tôi mượn đọc những bài thơ tiền chiến mà có những bài bấy giờ ở miền Bắc chưa được phổ biến. Sau đó, riêng tôi còn phải kể chuyện cổ tích cho cháu Hải nghe trước khi cháu đi ngủ. Mấy hôm sau, vết thương ở chân do đá bóng sưng tấy nên tôi không đi lao động được. Thấy tôi được nghỉ ở nhà, Hải rủ một lũ con nít đến nghe kể chuyện. Thế là có bao nhiêu “vốn liếng” tích lũy được trong quá trình học và đọc sách tôi phải sử dụng hết. Những câu chuyện cổ tích tôi nhớ và cả những câu chuyện không nhớ hết được tôi “sáng tác” trong khi kể cũng không làm thỏa nỗi khát khao của bọn trẻ. Đứng đầu lũ trẻ là cháu Hải luôn hãnh diện vì ở nhà mình có chú bộ đội nhớ nhiều truyện cổ tích. Cả một ngày ở nhà, trừ lúc ăn cơm, tôi phải kể chuyện theo yêu cầu. Cứ kết thúc mỗi câu chuyện, có lời kết đại loại như là “ở hiền thì gặp lành”, “ác giả ác báo”, “tham thì thâm”, “gieo gió ắt gặp bão”… luôn được các cháu vỗ tay ủng hộ. Thế nhưng câu chuyện “cóc kiện trời” với câu kết “hễ cóc kêu thì trời mưa” thì bọn trẻ cho rằng tôi nói xạo, con cóc không thể bắt ông trời làm mưa được. Tôi giải thích với lũ trẻ rằng đó là truyện kể, còn không có trời. Con cóc kêu là vì nó nhạy cảm với sự thay đổi thời tiết. Kinh nghiệm dân gian hễ thấy cóc kêu là trời sắp mưa nên sáng tác ra câu chuyện đó vẫn làm bọn trẻ không chịu. “Chú nói không có trời, vậy thì Chúa ở đâu? Chú ra ngoài nhìn kìa, trên đó là trời đó, trên trời có Chúa trời, chú mà nói thế là có tội với Chúa, với ông trời đó…”. Tôi biết hàng ngày cháu vẫn đọc kinh trước khi đi ngủ và mỗi buổi sáng thức dậy. Thế là đến lượt tôi chịu, tôi nói rằng, vậy thì kết thúc ở đây, bao giờ lớn lên, các cháu sẽ hiểu lời chú nói. Sau đó bọn trẻ không còn muốn nghe tôi kể chuyện nữa. Trong mắt bọn trẻ bấy giờ, tôi là một kẻ không ngoan đạo…

Kết thúc những ngày lao động trở về đơn vị, mấy tháng sau có dịp quay lại nhà nhưng tôi không gặp Hải. Cháu đã vào năm học mới và đi học xa nhà. Chúng tôi cũng bắt đầu những tháng ngày học tập, ra trường, về đơn vị công tác. Mấy chục năm rồi tôi không có cơ hội về nơi đó nữa. Không biết gia đình có còn ở đó? Bỗng dưng tôi mong có một ngày được gặp lại.

Bây giờ cháu ở đâu?

Quách Thành

CCB khu Giáp Nhất, Thanh Xuân