Ngày 26 tháng 4 năm 1975, đơn vị tôi tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh trong đội hình Sư đoàn 6, Quân đoàn 4. Trước đó, từ ngày 9 đến 20/4/1975 chúng tôi đã chiến đấu, góp phần đánh tan Sư đoàn 18 Ngụy, đang cố thủ tại cứ điểm Xuân Lộc, Long Khánh. Đây là cứ điểm phòng ngự cuối cùng để bảo vệ Sài Gòn. Do đó, quân Mỹ – Ngụy tập trung về đây lực lượng rất mạnh, với những trang bị vũ khí hiện đại nhất, chúng sử dụng cả bom CBU 55 là loại bom cháy, có sức huỷ diệt rất cao. Nhiều đơn vị bộ binh, pháo binh, thiết giáp... quân số lên đến hơn 12.000 tên, trong đó Sư đoàn 18 Ngụy là đơn vị chủ lực. Chuẩn tướng Lê Minh Đảo – Sư đoàn trưởng Sư đoàn 18 Ngụy đã từng tuyên bố: “Quyết tử thủ để giữ cứ điểm Xuân Lộc, bảo vệ Sài Gòn”. Trải qua 13 ngày đêm chiên đấu vô cùng ác liệt, quân ta đã tiêu diệt và phá huỷ phần lớn lực lượng của địch, rạng sáng ngày 20/4 tướng Ngụy Lê Minh Đảo cùng số tàn binh phải tháo chạy. Tỉnh Long Khánh được giải phóng hoàn toàn. Tối ngày 21/4, Tổng thống Ngụy quyền Sài Gòn Nguyễn Văn Thiệu đã phải tuyên bố từ chức.
Được tham gia chiến dịch mang tên Bác, anh em trong đơn vị rất hào hứng và phấn khởi. Mặc dù mới bị tổn thất lực lượng trong chiến đấu vừa qua, khi được lệnh chuẩn bị cho chiến dịch, quyết tâm của đơn vị rất cao. Một số đồng chí mới bị thương trước đó vẫn hăng hái xin được tham gia chiến dịch này.
Lần đầu tiên chúng tôi được hành quân chiến đấu bằng xe ô tô quân sự. Mệnh lệnh của cấp trên: Chuẩn bị đủ 6 cơ số đạn, quân trang mang gọn nhẹ. Trên đường hành tiến gặp địch là nổ súng ngay. Quyết tâm tiêu diệt và làm tan rã nhanh chóng các đơn vị ngụy quân, ngụy quyền. Mệnh lệnh cũng nói rõ: trên đường hành quân chiến đấu, những đồng chí bị thương hay hy sinh sẽ có bộ phận đi sau giải quyết, còn đơn vị cứ tiếp tục tiến thẳng đến mục tiêu cuối cùng. Những thân cây chuối to được cưa ra, xếp chồng lên nhau sát vào thành xe ô tô để làm bệ súng. Đội hình của cánh quân kéo dài nhiều km, có đủ các binh chủng: Thiết giáp, Pháo binh, Bộ binh … từ tỉnh Long Khánh, theo Quốc lộ 1, vừa hành quân đi, vừa chiến đấu, tiến thẳng vào Sài Gòn.
Diễn biến của chiến dịch này luôn in đậm trong ký ức chúng tôi. Khí thế hào hùng của đoàn quân quyết chiến, quyết thắng đang tiến thẳng vào sào huyệt của chế độ ngụy quyền, tay sai bán nước. Nhiều nơi quân ngụy đã bỏ chạy. Súng ống, dày, mũ, quần áo... chúng vứt đầy đường. Khi chiếc xe tăng T54 dẫn đầu đội hình của chúng tôi đi đến khu vực Hố Nai thì bị trúng đạn của địch, từ tháp chuông nhà thờ bắn xuống. Đoàn quân đột ngột bị chựng lại. Mệnh lệnh của cấp trên: Phải truy kích, bắt sống hoặc tiêu diệt ngay kẻ vừa bắn vào xe tăng, chú ý không được bắn vào tượng Đức Chúa trong nhà thờ. Đoàn quân đang tạm dừng trên đường, giữa khu vực dân cư ở phố Hố Nai thì có lựu đạn từ phía nhà dân ném tới, với những lời lẽ kích động. Tiếng loa điện của chỉ huy phát ra: Quân giải phóng chỉ tiêu diệt những kẻ nào ngoan cố chống lại, nhân dân hãy bình tĩnh, không nên nghe theo những lời xúi giục của chúng. Tiếp đó, những loạt súng AK, súng 12ly8 đồng loạt bắn chỉ thiên cảnh cáo. Đoàn quân tiếp tục hành tiến.
Đơn vị tôi được lệnh xuống xe, truy quét bọn địch đang trà trộn trong dân. Khoảng 9 giờ sáng ngày 29/4 đạn pháo của quân ngụy, từ căn cứ Nước Trong bắn trúng khu vực đơn vị tôi đang làm nhiệm vụ. Đồng chí Phạm Văn Hòa (quê ở tỉnh Hà Tây), Trung đội trưởng, Đại đội 11 bị đạn pháo bắn trúng giữa ngực, hy sinh, một số đồng chí khác bị thương. Đau xót vô cùng, căm giận bọn địch ngoan cố, các đại đội tản ra hai bên đường truy lùng bọn chúng. Bộ phận trinh sát đã phát hiện thấy một mụ mặc áo choàng đen, đang ngồi bên chiếc đàn piano trong nhà thờ, không phải đánh đàn mà mụ ta gõ moocs, chỉ điểm vị trí của quân ta cho quân ngụy bắn pháo vào. Kẻ chỉ điểm bị bắt, tiếng đạn pháo của quân địch cũng im bặt. Chúng tôi lại lên xe tiếp tục hành tiến. Trên đường đi, đã có rất nhiều người dân (có cả người ngoại quốc) đứng hai bên đường vẫy tay chào mừng. Họ tung hoa, thuốc lá, bánh kẹo, trái cây lên xe cho quân giải phóng. Đến gần ngã ba Xa lộ – Biên Hòa, một đồng chí phóng viên đi cùng đoàn, đứng cao lên để quay phim đã bị đạn địch bắn trúng, ngã xuống hy sinh! Đồng chí ấy hy sinh khi ngày chiến thắng đã cận kề. Người phóng viên chiến trường phải đương đầu với hiểm nguy không kém gì những chiến sĩ bộ binh chúng tôi. Đau xót và cảm phục trước sự hy sinh dũng cảm của anh.
Ngày 30/4 Trung đoàn 4 trong đội hình của Sư doàn 6 đã đánh chiếm và tiếp quản Bộ tư lệnh Quân đoàn 3 Ngụy; sân bay Biên Hòa và nhiều cơ quan đầu não của địch ở thành phố Biên Hòa, góp phần kết thúc thắng lợi chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng miền Nam. Đơn vị tôi được lệnh vào chiếm giữ sân bay Biên Hòa.
Đêm 30 tháng 4, cùng với quân và dân cả nước, anh em chúng tôi hát mừng chiến thắng, hòa chung câu hát: “ Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thằng” đang phát trên đài Tiếng nói Việt Nam.
Trong không khí mừng vui ấy, chúng tôi nghẹn ngào, thương nhớ những anh em, đồng đội đã hy sinh!
50 năm trôi qua, trong hòa bình, tự do – Đất nước ta đã xây dựng, phát triển, lớn mạnh không ngừng, nhân dân đã có cuộc sống ấm no, hạnh phúc …Có được thành quả đó, đã phải đánh đổi bằng xương máu của hàng triệu người con ưu tú của đất nước, của đồng bào, chiến sĩ … Chúng ta đời đời ghi ơn sự hy sinh đó và không được phép lãng quên giai đoạn khốc liệt nhất của lịch sử nước nhà.
Chào mừng kỷ niệm 50 năm ngày chiến thắng 30/4/1975, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước; tôi xin gửi lời chúc tới các đồng đội, thân nhân các liệt sĩ, các bạn gần xa: luôn vui, khỏe, mọi điều tốt đẹp, an lành, hạnh phúc.
KIỀU VĨNH LỘC