Nhân dịp kỷ niệm 107 Cách mạng tháng Mười Nga (7/11/1917 - 7/11/2024 - lịch Việt Nam); tôi xin kể một chuyện nhỏ về tình cảm và tính cách của người dân Nga đối với chúng tôi.
Năm 1990 tôi và một số anh chị em đươc cơ quan cử đi tham quan và thực tập nghiệp vụ tại một nhà máy cơ khí ở Thủ đô Mát-xcơ-va, Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô Viết (Liên Xô). Tại thời điểm ấy Liên Xô có 15 nước cộng hòa, trong đó có nước Nga.
Chúng tôi đặt chân vào Mát-xcơ-va một ngày đầu mùa đông. Giây phút đầu tiên đầy phấn khởi và hồi hộp, nhưng tôi cũng trấn tĩnh rất nhanh để thực hiện cái tính tò mò của mình, đó là nhìn quang cảnh hành khách ra vào sân bay xem có gì lạ, để ghi vào nhật ký chuyến đi của riêng tôi. Tôi nhận ra điều gì cũng lạ, cũng khác Việt Nam. Tiếp theo chúng tôi được đón đưa về nơi ăn nghỉ tạm tại nhà một cán bộ Việt Nam đang công tác tại Liên Xô.
Mấy hôm sau đi ra phố vào cửa hàng mua bán, thấy thứ gì cũng hiếm và mua bán cũng khó, như vào cửa hàng ăn bình dân phải xếp hàng mua vé, sau đó xếp hàng lấy thức ăn, ra cửa hàng bách hóa mua vài cái đĩa để dùng trong bữa ăn không có, về hỏi mấy anh chị em đã sang đây lâu mới biết đó là đồ phân phối, không có bán tự do, muốn mua đĩa, thìa … thì đến “chợ trời” mua đồ cũ.
Ở Mat-xcơ-va được 20 ngày, tôi và anh Trần Quang Diệu đi xem Quảng trường Đỏ, thăm lăng Lê nin. Trên đường đi chúng tôi vào GUM - Trung tâm thương mại, mua sắm lớn nhất Mát-xcơ-va ngày ấy. GUM chiếm toàn bộ phía Đông của Quảng trường Đỏ, nhìn bề ngoài giống như một cung điện. Trung tâm thương mại-mua sắm GUM được xây dựng từ thế kỷ 19. Chúng tôi vào GUM để tìm mua cho mỗi người thêm một chiếc áo sơ mi, nhưng áo cũng không bán tự do, mọi người phải xếp hàng ghi tên, được phát một phiếu. Đến 16 giờ, tôi được phiếu số 497, anh Diệu cùng đi với tôi được số 498, tại thời điểm chúng tôi được nhận phiếu ghi số thứ tự, thì cửa hàng mới gọi đến số 163. Tôi bàn với anh Diệu số phiếu của mình thế này thì phải 2 ngày nữa mới đến lượt, ta mang phiếu về làm kỷ niệm… Tôi tự hỏi tại sao Liên Xô lại thế này. Theo sách vở nói về Liên Xô tôi đã đọc và phim ảnh mà tôi được xem thì Liên Xô trong tôi nó khác, nó to đẹp nó giàu có, vĩ đại lắm…Nhưng vì sao? và vì sao? Liên xô lại khó khăn đến mức này?… Câu hỏi ấy cứ bám tôi trong những ngày tháng ở Mat-xcơ-va và còn theo tôi nhiều năm sau ở Việt Nam…
Tôi được anh Nguyễn VănTuyên đón về ở chung một phòng. Anh Tuyên là người cùng cơ quan đã sang đây lao động được 2 năm theo hiệp định Hợp tác lao động giữa hai nước Việt Nam và Liên xô. Anh Tuyên làm công nhân ở nhà máy sản xuất xe ô tô Zin.
Để giúp tôi quen dần với sinh hoạt của người Nga. Trong tháng đầu cứ 3 ngày anh Tuyên lại gọi tôi đi chợ mua thức ăn một lần. Gọi là đi chợ nhưng thực tế là đi đến các cửa hàng lương thực, thực phẩm (ta thường gọi là cửa hàng mậu dịch) do nhà nước quản lý, để mua những thứ cần thiết như gạo, rau xanh, khoai tây, táo, muối, hạt tiêu, thịt lợn, thịt gà, thịt cừu…Các sản phẩm nông nghiệp này cũng chỉ bán cho mỗi người một số nhất định như thịt băm (thịt lợn sống băm nhỏ) mỗi người chỉ được mua 2 khoanh tròn như khoanh giò, mỗi khoanh một lạng, gạo chỉ bán cho mỗi người một túi 5 kg…
Anh Tuyên dẫn tôi đến cửa hàng thực phẩm và bảo tôi vào xếp hàng mua thịt, còn anh ra đón ô tô buýt đến của hàng khác để mua gạo.
Mùa đông ở nước Nga tuyết rơi trắng đường, ngày nào cũng phải có người, xe dọn tuyết mở lối đi. Tôi vội đẩy cửa vào trong nhà thấy đã có khoảng gần 50 người xếp hàng đôi, chờ mua thịt. Lúc này là 8 giờ 30 cửa hàng thông báo khoảng 9 giờ 30 mới có thịt về. Hôm nay cũng chỉ có một loại đó là thịt băm, bán cho mỗi người 2 khoanh.
Trong khi xếp hàng chờ đợi, phần lớn người Nga đều lặng lẽ đọc sách hoặc báo mà họ mang theo, nên lúc này đứng ở giữa chợ mà tôi thấy yên lặng như ở trong thư viện, một không khí lạ thường. Tôi tự nhủ văn hóa, tinh thần Nga thật đặc biệt.
Phải gần 10 giờ mới có xe ô tô chở hàng đến giao cho nhân viên ở đây. Khi chị mậu dịch viên mở cửa bán hàng thì một ông người Nga đang xếp hàng ở phía trên đi xuống cuối hàng gặp và hỏi tôi:“Anh người nước nào ?”. Bị hỏi bất ngờ nên tôi chưa kịp trả lời (vì vốn tiếng Nga của tôi rất có hạn), mặt khác còn ngắm ông này để suy đoán các câu hỏi tiếp theo thì một người Nga đứng gần đó trả lời thay “Việt Nam”. Nghe hai tiếng Việt Nam nhiều người quay lại nhìn tôi… Ông bạn Nga nắm tay tôi, kéo tôi ra khỏi hàng, dẫn tôi lên gặp chị “mậu dịch” và đề nghị bán cho tôi 4 khoanh thịt (vượt tiêu chuẩn 2 khoanh). Một sự bất ngờ, tôi chỉ còn biết làm theo và cảm ơn. Khi về nhà tôi kể lại chuyện này cho anh em biết, mọi người nói với tôi họ cũng thường gặp “sự cố đẹp như vậy”.
Để hiểu thêm tình cảm của người Nga đối với người Việt Nam đang sống và làm việc trên đất Nga, tuần sau tôi đề nghị anh Tuyên dẫn tôi đi mua thực phẩm ở một cửa hàng khác. Anh Tuyên đồng ý và đưa tôi đến một của hàng cách chỗ chúng tôi ở tới 4 ga tầu điện ngầm và 2 bến xe ô tô buýt. Ở đây tôi và anh Tuyên cũng được người Nga “ưu tiên không phải xếp hàng và việc mua bán thuận tiện” như lần trước …
Ở cuối thập kỷ 80 và đầu thập kỷ 90 của thế kỷ 20 ở Liên Xô trong đó có nước Nga kinh tế bị suy giảm nghiêm trọng. Về chính trị có nhiều thay đổi, song qua thực tế tôi thấy tình cảm của người dân Liên xô với nhân dân Việt Nam vẫn rất trân trọng quý mến biết bao.
Đã 34 năm qua, kỷ niệm trên tôi không quên, khi có điều kiện tôi kể lại cho gia đình và bạn bè cùng nghe, để cùng nhớ về tình hữu nghị Việt - Xô tươi đẹp trong đó có người dân Nga.
LÊ QUANG LÂM