Ra trận

13/10/2024
.

Tình cờ, trong chuyến tác nghiệp ở miền Tây Nghệ An, tôi gặp một doanh nhân tên là Trần Chính. Câu chuyện với ông trong một cuộc rượu đêm đã làm tôi rung động. Đó là chuyện về thời thơ ấu gian khổ của Trần Chính, chuyện Trần Chính viết đơn bằng máu tình nguyện đi chiến đấu; chuyện những trận đánh khốc liệt... Đoạn viết dưới đây tái hiện những ngày đầu quân ngũ trong quãng thời gian Trần Chính tham gia chiến đấu bên đất bạn Lào…

“Vượt biên” Mường Xén

Tháng 2 năm 1973, kết thúc huấn luyện, tôi giấu mọi người, lấy kim chích đầu ngón tay lấy máu viết đơn xin đi chiến đấu. Rất tiếc là nhiều năm sau này, tôi trở lại Huyện đội Quỳ Hợp tìm nhưng do chiến tranh và thời gian, cơ quan không lưu giữ được, lá đơn ấy bị thất lạc mất. Tôi cũng không còn nhớ rành rẽ nội dung huyết tâm thư, chỉ chắc chắn là giọng văn học trò cộng với mấy khẩu hiệu cửa miệng của tân binh lúc đó, đề đạt nguyện vọng được ra chiến trường, trực tiếp cầm súng chiến đấu với kẻ thù. Cả đơn vị và Huyện đoàn phát động một đợt học tập noi gương binh nhất Trần Văn Chính. Người ta đua nhau chép bức huyết thư, mang đọc ở những kỳ cuộc tập thể, chỗ đông người.

Nguyện vọng của tôi trong lá đơn viết bằng máu ấy được cấp trên chấp thuận. Một ngày đầu tháng 3 năm 1973, tôi được lệnh hành quân từ Huyện đội Quỳ Hợp xuống Tỉnh đội Nghệ An nhận nhiệm vụ.

Ở Tỉnh đội Nghệ An 3 đêm 2 ngày thì tôi nhận lệnh hành quân đi chiến trường. Khi viết đơn xin đi chiến đấu, tôi cũng chỉ nghĩ đơn giản chiến trường ác liệt đang ở phía Nam (chiến trường B) và xác định tâm thế sẵn sàng “đi B”. Nhưng lệnh điều động sang chiến trường nước bạn Lào (chiến trường C) khiến tôi khá bất ngờ.

Từ Nam Đàn, đại đội tôi hành quân bằng xe Gaz 53, theo Quốc lộ 7 đi Mường Xén (thuộc huyện Kỳ Sơn, Nghệ An). Chặng đường này dài 250 km, nhưng đi bằng ô tô, chạy qua các huyện Yên Thành, Đô Lương, Anh Sơn, Con Cuông, Tương Dương, Kỳ Sơn nên chúng tôi vượt qua dễ dàng. Từ Mường Xén bắt đầu qua biên giới Việt – Lào, hành quân bộ xuyên rừng trên đất Lào để tới Mường Mộc - hậu cứ của d.43B đứng chân ở đó. Mường Mộc là thị trấn Huyện lỵ của huyện Morkmay, tỉnh Xiêng Khoảng (Lào). Morkmay nằm ở phía Đông Nam Xiêng Khoảng, phía Đông Bắc giáp tỉnh Nghệ An (Việt Nam); phía Nam giáp tỉnh Borikhamxay. Các mặt còn lại của Morkmay đều tiếp giáp các huyện cùng tỉnh: Phía Bắc giáp huyện Nong Hét, phía Tây Bắc giáp huyện Khoune, phía Tây Nam giáp huyện Phathom. Hành trình 5 ngày đường này mới thật sự là những thử thách đầu tiên và ấn tượng khó quên đối với cánh lính trẻ chúng tôi.

Mường Xén khi ấy là địa danh gần như xa nhất của tỉnh Nghệ An. Ở đây có điểm trung chuyển tải lương của ta sang tiếp tế cho quân tình nguyện ở Lào theo lộ 7B, men theo dãy Trường Sơn vượt dốc O Hòa đổ sang Lào.

Dốc o Hòa

Dốc o Hòa là một con dốc rất cao, vắt qua một quèn núi hiểm trở, là một cao điểm mà con đường vận lương lúc đó buộc phải đi qua để sang đất Lào. Đường lên dốc rất hẹp và gần như dựng đứng, len lỏi qua các hờm đá lởm chởm, mới nhìn qua, người yếu bóng vía đã thấy sởn gai ốc. Trời nắng còn đỡ, mưa rừng đổ xuống là đất dưới chân trơn nhẫy, nhóp nhép giữa các viên đá sắc lạnh trồi lên. Những lúc ấy, đi giày dép thì không bám được, mà chân trần thì không toạc da, sứt móng mới là lạ. Đường lên khó là vậy, đường xuống còn trần ai gấp trăm lần. Hình như tạo hóa bày ra con dốc này để thử thách lòng người. Dân công, bộ đội qua đây đều coi con dốc này là bài thi sát hạch về thể lực, sự khéo léo và lòng kiên trì… Nhưng sự hiểm trở và gieo neo khi vượt dốc không hẳn là điều đáng nói mà cái tên của dốc mới là gây cho người qua đây niềm xúc động thật mãnh liệt. Chuyện kể lại là trong tốp dân công vận lương ở chặng này (thường mỗi tốp 3 người, mỗi người gánh 35 – 45 kg hàng) có một o tên Hòa nổi tiếng về sức dẻo dai và tinh thần đồng đội. Trong khi một số chị em vượt dốc phải san bớt hàng hóa để đủ sức gánh qua (theo cách nói bây giờ gọi là “san tải, hạ tải”) thì sau khi gánh phần của mình xong, o Hòa quay lại gánh giúp bạn. Một chuyến, hai chuyến, ba chuyến…o Hòa liên tục lên xuống con dốc khủng khiếp, gánh hàng thay bạn mà không nghỉ. Đến chuyến thứ tư thì sức o đã kiệt, o Hòa gục xuống tắt thở ngay đỉnh dốc trong tiếng thét xé lòng của đồng đội. Sau này mọi người thường truyền tụng rằng vì gắng sức kéo dài gánh hàng lên dốc nên o Hòa bị đứt ruột mà chết (?). Đồng đội chôn cất o Hòa ngay ở nơi o hy sinh. Và từ đó con dốc mang tên dốc o Hòa. Mỗi khi qua đây, mọi người lại nhắc đến hành động quên mình của o Hòa để xốc lại tinh thần cho chính mình. Riêng tôi, khi vượt dốc o Hòa sang chiến trường năm ấy, ngoài sự cảm phục, trân quý người nữ dân công anh hùng, trong lòng tôi còn dấy lên niềm tự hào, niềm tin vào những đồng đội quân tình nguyện...

Lính sợ...vắt

Một đêm mưa rả rích, cả tiểu đội đã ngủ im. Chợt anh bạn ở chiếc võng phía trong chỗ tôi đập đập vào mái tăng của tôi thì thào:

-Chính ơi, cứu tao với!

-Mày sao thế? Sốt à?

-Không. Chóng mặt, mệt lắm. Mà quần tao…ướt hết rồi.

Tôi bật cái đèn pin đã bịt giấy đen chỉ chừa một lỗ chiếu sáng bằng đầu ngón tay, vạch đùi anh bạn ra. Trời ơi, mấy con vắt no máu đã rơi đâu mất, để lại mấy nốt tròn tròn phía trong bẹn người lính, máu vẫn ri rỉ đùn ra. Mất nhiều máu, anh bạn bị tụt huyết áp, sây sẩm, mặt hốc hác lo lắng. Tôi phì cười, trấn an:

-Đừng lo. Để tao mần cho. Mà lúc đụng phỉ mày không sợ, sao lại sợ con vắt bé tý thế?

Tôi lấy quả găng rừng và quả ớt gió mà lúc nào tôi cũng “thủ” trong túi, bấu nát rồi dí vào chỗ con vắt còn sót lại khiến nó rời ra. Những nốt đang chảy máu, tôi dùng đầu tăm gẩy mấy hạt thuốc tím (Pemanganát ka li – KMnO4) đựng trong cái lọ Peniceline, chấm vào, máu ngừng chảy tắp lự. Xong xuôi, tôi mở túi cóc ba lô, xé một viên kẹo bạc hà chống lạnh (thứ này quân nhu phát cho bộ đội đi chiến trường) nhét vào mồm anh bạn, vỗ vỗ vào lưng anh ta:

-Ngủ đi. Sáng mai dậy là khỏe thôi!

Những “ngón” này tôi học lỏm được ở bố tôi từ khi còn ở nhà, hay phải đi rừng. Bố tôi vốn là y tá giỏi (y tá thời Pháp) mà.

Một thứ đáng sợ hơn cả trên đường đi là luôn phải cảnh giác cao độ đề phòng bị thổ phỉ phục kích. Khi ấy tỉnh Xiêng Khoảng đã được bộ đội Pa thét Lào giải phóng nhưng cơ sở chính quyền cũng như quân đội chưa được củng cố kịp thời, chưa đủ sức ngăn chặn quân phỉ Vàng Pao đến quấy nhiễu, phá phách. Hầu hết địa bàn đều trong tình trạng “ngày Pa thét, đêm phỉ”. Rất may trong suốt chặng hành quân gần tuần lễ về hậu cứ d.43B ở Mường Mộc, chúng tôi không trạm trán phỉ lần nào.

Núi rừng Xiêng Khoảng

Ngày 12 tháng 3 năm 1973 chúng tôi tới hậu cứ của d.43B ở sườn núi Pu Ka Tằng, Mường Mộc trong một cánh rừng già cách xa huyện lỵ. Tiếng là hậu cứ nhưng không tập trung một chỗ mà các điểm đóng quân của các đại đội tản mát ra xung quanh căn cứ d bộ khoảng vài km. Phiên hiệu là Tiểu đoàn nhưng quân số d.43B có tới 7 đại đội – tương ứng với một Trung đoàn thiếu. Khi chúng tôi tới, dân cư ở đây vốn đã thưa thớt lại càng tan tác do chiến tranh, phỉ tàn phá. Điểm đóng quân vốn là cánh rừng già nguyên sinh có tên là Pu Ka Tằng. Trong chiến tranh, địa bàn tỉnh Xiêng Khoảng bị ném bom nặng nề, đặc biệt là khu vực Cánh Đồng Chum bị máy bay Mỹ rải bom dày đặc. Địa bàn tác chiến chính của chúng tôi là Xiêng Khoảng, tập trung ở khu vực Mường Mộc, Cánh Đồng Chum rồi vươn tới các huyện bên cạnh như Long Chẹng, tỉnh Borikhamxay, tỉnh Khăm Muộn…

Trong chiến tranh Việt Nam, người ta ít nói tới địa danh Xiêng Khoảng mà thường nhắc nhiều đến Cánh Đồng Chum và những trận đánh ác liệt ở đây. Sở dĩ như vậy vì thuật ngữ Cánh Đồng Chum thường để chỉ cả vùng đồng bằng Xiêng Khoảng chứ không phải chỉ riêng địa danh này. Vì vậy quân tình nguyện Việt Nam chúng tôi nói đến Cánh Đồng Chum là nói tới cả một vùng tác chiến rộng lớn của núi rừng Xiêng Khoảng.

Trận đầu đối mặt phỉ Vàng Pao

Nhiệm vụ chính của đơn vị tôi là chiến đấu với quân phỉ ở Xiêng Khoảng và các vùng phụ cận, Long Chẹng được mệnh danh là “Thủ phủ Vàng Pao” ở Thượng Lào. Bộ đội Pa thét Lào và quân tình nguyện Việt Nam thì ví Long Chẹng như một “Điện Biên Phủ thu nhỏ” giữa núi rừng Xiêng Khoảng hiểm trở.

Căn cứ Long Chẹng dày đặc lô cốt, có sân bay chiến đấu gồm hàng trăm máy bay phản lực và máy bay trực thăng đủ loại, đều sử dụng phi công là người Lào. Tổn thất mà quân phỉ Vàng Pao gây ra đối với lực lượng quân tình nguyện Việt Nam không nhỏ, trong đó có đơn vị của tôi.

Trận đầu tiên tôi tham gia trong đội hình của d.43 là trận đánh căn cứ của phỉ Vàng Pao ở bản Chiêng Sa Lỳ ngày 8 tháng 4 năm 1973 - sau khi có mặt ở Mường Mộc chưa đầy một tháng.

Căn cứ Chiêng Sa Lỳ có sân bay dã chiến và hệ thống kho tàng chứa hàng hóa phục vụ quân Vàng Pao cho khu vực lân cận. Tại đây có một đại đội quân phỉ (Đại đội PS 25 của phỉ) chốt giữ. Do chuẩn bị kỹ lưỡng, địa điểm tác chiến khá thuận lợi, thêm nữa quân địch chốt ở đây ỷ thế vào hệ thống bố phòng chắc chắn của căn cứ nên ít tập luyện, chủ quan nên trận này ta thắng lợi giòn giã. 9 giờ 30 phút sáng bộ đội bắt đầu nổ súng, bọn phỉ hoảng loạn hô hét nhau thất thanh:

-Nha lả lia, nha lả lia! (cộng sản đỏ).

Rồi chúng co cụm vào lô cốt và các ụ pháo, ném lựu đạn, bắn vung vãi ra tứ phía.

Đám tàn quân chạy thoát ra, nhảy xuống sông Đôn Viêng định bơi sang bờ bên kìa liền bị quân ta dập đạn cối xuống tiêu diệt hết. Đến 12 giờ trưa, quân ta làm chủ toàn bộ căn cứ, kết thúc trận đánh, phía ta gần như không có thương vong.

Sau khi tiến vào được vào trung tâm căn cứ, mũi của tôi tỏa vào các khu vực dân cư xung quanh căn cứ tìm những tên phỉ lẩn  trốn. Nghe có tiếng người kêu khóc ở phía một ngôi nhà lụp sụp, tôi thận trọng tiến vào. Đến nơi, không có tên phỉ nào, một cụ già người Lào gầy guộc, yếu ớt, mặt hoảng loạn đến thất thần, không chạy được cứ ôm lấy cột nhà, kêu lạc cả giọng:

-Lục ơi lục. Tai tà.i…(Con ơi. Chết chết).

Thấy tôi cầm súng tiến vào, cụ già quá khiếp đảm, gào không thành tiếng. Đây là hậu quả của việc quân phỉ tuyên truyền rằng “quân cộng sản sẽ giết chết người dân!”. Tôi vội lắc đầu, cầm tay cụ và động viên bằng thứ tiếng Lào học vội, chưa sõi. Đại ý:

-Bọ pén nhăng, Bọ tai lẹo! (Không việc gì, không chết đâu).

Chúng tôi bàn giao căn cứ và tù binh cùng chiến lợi phẩm cho bộ đội Pa thét rồi rút quân về hậu cứ. Khi đó phương châm phối hợp với bộ đội Pa thét của quân tình nguyện là “Ta trước – bạn sau; ta trong – bạn ngoài; đánh xong ta bàn giao địa bàn cho bạn”.

Trận đầu tiên tham gia đánh phỉ thắng lợi tuy giúp tôi phấn khởi, tự tin hơn nhưng thật lòng trong tôi dấy lên nhiều băn khoăn, day dứt. Hình ảnh cụ già run rẩy gào khóc xin tha mạng; cảnh lính phỉ vứt vũ khí, chết trong các tư thế chui rúc, trốn chạy, nhất là cả bầy lính phỉ chết do đạn cối bầm dập dưới nước sông cứ ám ảnh tôi mãi. Vì đất nước người lính buộc phải cầm súng nhưng trước những mất mát của đồng loại, sự tang thương của chiến tranh không ai không day dứt…

THÁI HÀ