Về hưu đã trên chục năm nay, nhưng vừa qua, anh Nguyễn Vũ Thực (Đồn trưởng từ năm 2003 và Trung tá Cam), hai anh đã từng công tác nhiều năm liền ở Đồn biên phòng 501 thuộc địa bàn xã Tam Thanh, huyện Quan Sơn, Thanh Hóa mới có dịp về thăm đơn vị cũ. Nơi đây, đã gắn bó với hai người nhiều kỉ niệm buồn vui không thể nào quên. Ngày đó, Nguyễn Vũ Thực mang quân hàm Trung tá, Đồn trưởng còn Trần Xuân Cam, mang quân hàm Thiếu tá, Đội trưởng Đội vận động quần chúng. Trừ thời gian công tác ở những đơn vị khác, đời lính của hai anh đã gắn bó trên 2/3 thời gian và khi về nghỉ hưu cũng từ nơi đây. Đời binh nghiệp cũng đồng nghĩa với thuận lợi khó khăn, sướng khổ thời tuổi trẻ của hai người lính già luôn xoắn xuýt trong bước đường cùng đi. Họ thường gọi điện hỏi thăm sức khỏe, công việc; có lần hẹn hò đến thăm nhau để được tâm sự và ôn chuyện cũ cho hả lòng, nhất là những chuyện cùng thời đã từng gắn bó với địa bàn với người dân miền sơn cước. Rôm rả nhất vẫn là chuyện về đơn vị, đó là Đồn biên phòng 501. Đồn có nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới Tổ quốc thuộc hai xã: Tam Thanh và Tam Lư thuộc huyện Quan Sơn tỉnh Thanh Hóa, có chiều dài (chính diện) biên giới 25 km giáp với nước bạn Lào. Đây cũng là vùng làm ăn sinh sống của đồng bào dân tộc Thái. Đường từ trung tâm huyện lị về đồn dài gần 200 km và thường phải trèo đèo lội suối, địa hình hiểm trở, thêm vào đó là khí hậu thời tiết khắc nghiệt. Mùa mưa thì thác lũ xối xả ầm ào, mùa đông buốt giá như cắt da cắt thịt; ấy thế mà khi về với đời thường, mỗi lúc nhớ đơn vị cũ, nhớ đồng đội cũng như nhớ bà con dân bản đã từng gắn bó bao năm là trong lòng các anh cứ thấy bồi hồi da diết. Những lúc thế, tình cảm lại thôi thúc họ trở lại thăm nơi công tác như thăm chính nơi sinh ra mình vậy. Ai cũng coi đó là nhà. Câu khẩu hiệu thời ở Đồn, vừa là để tuyên truyền vừa là để động viên nhau đồng thời cũng là phương châm hành động: “ Đồn là nhà, biên giới là quê hương, đồng bào các dân tộc là anh em ruột thịt” luôn trong trái tim mỗi người cán bộ, chiến sỹ Biên phòng các thế hệ. Mỗi lần nhắc về đơn vị càng lay động con tim và thôi thúc họ cùng sắp xếp thời gian, công việc gia đình để lên thăm đơn vị cũ với những kí ức không thể nào quên. Và ngày trở lại “Chiến trường xưa”của họ được thực hiện. Con đường cùng mọi quang cảnh từ xuôi lên những ngày trước vốn quá gắn bó, từng trải mấy chục năm. Ngày đang còn công tác, thường các anh chẳng thèm để ý đến, bởì nó là hình ảnh quá quen thuộc, cũ kỹ nhưng lại rất gần gụi…ấy vậy mà mới có ngót chục năm về nghỉ, nay có dịp trở lại, để mắt ngắm nghía thì mọi cảnh quan nơi đây khác lạ, chẳng khác nào lạc vào một miền đất hoàn toàn xa lạ. Con đường ngày trước vòng vèo, cheo leo với nhiều khúc cua tay áo, đã được thay bằng con đường nhựa phẳng phiu do nhiều đoạn được nắn lại; vì vậy quãng đường về đồn rút ngắn cự li được hàng chục km. Bản làng rất đỗi thân thương cùng cuộc sống của đồng bào đã được đổi thay chẳng khác nào một giấc mơ. Cảnh vật, đường xá, kề bên là những cánh đồng lúa bát ngát, gió thổi rì rào. Các bản làng trong mây nơi cư trú của nhân dân các dân tộc, với những bước chân còn in dấu ngày trước mỗi lần các anh đến thăm rồi vận động đồng bào thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Chính Phủ, giờ đây những nơi này như khoác lên mình chiếc áo khổng lồ với những màu sắc tươi mới, do những ruộng lúa đang vào mùa trĩu quả xen lẫn những thửa ruộng trồng hoa, rau màu do bà con chuyển đổi cây trồng trông thật là bổ mắt. Địa bàn hai xã vùng cao biên giới Tam Thanh, Tam Lư cũng thay da đổi thịt với tốc độ chóng mặt. Ngắm nhìn quá khứ và hiện thực, hướng về tương lai mà lòng hai anh càng vui mừng khôn xiết. Càng ngắm, càng say càng cảm thấu sự biến đổi về mọi mặt của đồng bào, nhất là sự thay đổi về đường giao thông thuận lợi cùng những dãy trường học cao tầng của hai cấp tiểu học và trung học sơ sở Tam Thanh, Tam Lư ngay sát đường vào bản mới được xây khang trang, bề thế. Lũ trẻ tung tăng nhảy múa giờ ra chơi thật an lành hạnh phúc…Hai người lình già cảm như mình được trẻ lại và trong lòng lại rộn lên những kí ức sống động. Gặp lại những người dân nơi đây với tình cảm thân thiết, lạ lạ, quen quen. Ôn chuyện cũ, ai nấy càng nhớ tới và nhắc mãi tấm gương của Trung tá, Đồn trưởng Nguyễn Vũ Thực. Nhiều cháu, hồi ấy mới chỉ mươi tuổi, học lớp 3 lớp 4, nay đã trở thành những nam thanh nữ tú với thân hình vạm vỡ, nét mặt rạng ngời. Có cháu thông minh học giỏi, năng động, sáng tạo, kiến thức văn hóa cao, đỗ đạt các tấm bằng cử nhân sư phạm, cử nhân kinh tế, kĩ sư trồng trọt…Nhiều cháu có bằng Đại học nhưng không thoát ly công tác xa nhà, mà ở lại xây dựng quê hương. Có cháu đã trở thành cán bộ chủ chốt của xã. Vui nhất là khi về đầu bản, các anh được gặp lại các bậc trung niên, nhiều người quen cũ, cảm thấy thân thiết như người trong nhà đi công tác xa nay trở về. Mọi người cứ nhắc hoài đến cán bộ, chiến sỹ trong đơn vị và chú Thực cùng những ngày khó khăn gian khổ, đường đi vất vả chật vật, nhưng chú Thực đã lăn lội về xuôi đưa cây lúa nước lên dạy và hướng dẫn cho đồng bào canh tác hai vụ trong năm. Lúc vui vẻ, tay bắt mặt mừng, ai cũng nhớ lại cái cảnh: Đời sống của bản làng trước đó, gia đình nào cũng thiếu đói. Chính các cháu mới lớn lên, hiện đang làm việc tại địa phương cũng nhớ lại: Bản thân các cháu cũng như gia đình chỉ biết ăn củ mài, khoai sắn thay cơm. Khi các chú ở Đồn và chú Thực đưa giống lúa nước về đồng thời hướng dẫn cho dân bản biết canh tác, cấy cày thì cuộc sống của đồng bào như có phép lạ. Ai cũng nhắc tới công lao, tấm lòng vì đồng bào dân tộc thân yêu, vì sự bình yên của chủ quyền biên cương Tổ quốc mà các chú Bộ đội Biên phòng không nề hà, quản ngại gian lao vất vả. Những câu chuyện vui vẻ khơi kí ức cứ trào dâng. Chung quy nhất, ấn tượng nhất là ai ai cũng nhắc đến tấm gương thương dân, mẫn cán của Đồn trưởng Nguyễn Vũ Thực.
Năm 1989 đồng chí Nguyễn Vũ Thực được điều động về nhận công tác ở Đồn 501, với chức vụ: Đồn trưởng. Nhận nhiệm vụ ở biên giới vùng cao, khác hẳn với công tác ở vùng biển. Ngày đầu chưa nắm chắc mọi tình hình anh cũng hơi lo lo, nhưng nghĩ đến lời căn dặn của thủ trưởng: “Về đơn vị mới, đây là môi trường thử thách và phấn đấu của người cán bộ. Công việc mới khó khăn mới, nếu vượt qua và thành công sẽ là cơ sở đánh giá bản lĩnh cũng như trí tuệ của người cán bộ chỉ huy”. Thấm nhuần lời của người chỉ huy trưởng, anh càng xác định trách nhiệm cho bản thân. Trước tiên, là chủ động bàn bạc công việc với Ban chỉ huy Đồn để thống nhất nhận thức và hành động. Anh tự vạch thời gian biểu và công việc cần làm cho mình để thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao. Công việc ngày đầu rất cần thiết và quan trọng, là: đến thăm hỏi cấp ủy và chính quyền địa phương cùng nhân dân trong địa bàn. Được các đồng chí trong chỉ huy trao đổi và qua nắm thực tế địa bàn, anh rất băn khoăn khi thấy đời sống đồng bào nơi đây quá khó khăn, trẻ em đi chân đất, thiếu quần áo mặc, người già thì ốm yếu, già trước tuổi. Có những cụ mới chỉ có năm sáu mươi tuổi mà già cứ như bảy tám mươi vậy. Bữa ăn hàng ngày của dân chủ yếu là củ sắn, củ mài. Tình trạng phát nương làm rẫy tràn lan, rừng đầu nguồn bị cạn kiệt, ruộng đồng hoang hóa. Trăn trở với những khó khăn của nhân dân ở địa bàn, đồng chí Thực đã bàn bạc cùng với cấp ủy, chỉ huy đơn vị tìm cách quyết tâm xóa đói giảm nghèo cho họ. Qua một thời gian tìm tòi, nghiên cứu, đồng chí Thực xác định: Để giải quyết nạn đói trong địa bàn chính là nhờ mở rộng diện tích ruộng nước và trồng cây lúa nước hai vụ. Sau khi thống nhất với cấp ủy, chỉ huy đơn vị, đồng chí trực tiếp đến gặp cán bộ lãnh đạo hai xã bàn cách đưa cây lúa nước hai vụ từ dưới xuôi lên. Lúc đầu các lãnh đạo chủ chốt hai xã cũng chưa tin và còn chần chừ, sau vì những việc làm và những tấm gương của cán bộ, chiến sỹ ở đồn từ ngày về đóng quân đến giờ ở đây đã làm cho họ nhớ lại và tin tưởng, ủng hộ. “Cứ nhất trí và ủng hộ cái cán bộ đồn, làm trước hết để trải nghiệm và biết đâu lại thành công thì thật là hạnh phúc…” Nghĩ như vậy và cuối cùng ý kiến đề xuất của cán bộ đồn mà trực tiếp là đồng chí Thực đã được các đồng chí lãnh đạo hai xã đồng tình hưởng ứng. Sau mới rõ: thì ra đây cũng là nỗi băn khoăn mà cán bộ lãnh đạo địa phương canh cánh nhiều năm qua. Sau khi khảo sát ruộng nước và chất đất trong địa bàn, đồng chí Thực đã không quản đường xa đi lại khó khăn, cùng một số cán bộ hai xã Tam Thanh, Tam Lư xuống trạm giống huyện Thọ Xuân đã đưa về được 150kg thóc giống các loại NN8, NN5, CR203 và chọn 5 gia đình ở bản Phe (Tam Thanh), 6 gia đình ở bản Sại (Tam Lư) làm thử. Về đơn vị, đồng chí lấy một số cán bộ chiến sĩ thạo nghề nông, hiểu biết kỹ thuật canh tác cùng với mình đến các gia đình được chọn trồng lúa rồi cùng trực tiếp giúp đỡ toàn bộ các khâu, từ gieo mạ cấy lúa đến chăm bón và thu hoạch. Thấy bộ đội trồng lúa nước, nhân dân đến xem rất đông. Giống lúa mới được cấy đúng thời vụ, đủ nước đủ phân lại được chăm bón đúng quy trình kỹ thuật đã cho kết quả khả quan. Năng suất cao chưa từng thấy ở vùng cao này, từ 200-250 kg/sào (tăng gấp 3-4 lần giống lúa cũ). Tuy vậy cũng còn có người cho rằng sở dĩ đạt năng suất cao như vậy là vì “trời cho” hay “gặp may” mà họ chưa thực sự tin tưởng vào cách làm ăn và giống lúa mới. Trước băn khoăn, nghi ngại của địa phương và một số dân chúng, đồng chí Thực vẫn kiên trì tham mưu cho địa phương quyết tâm nhân rộng diện tích canh tác lúa hai vụ, đồng thời về bàn bạc cùng với đơn vị xin trên một chuyến xe ca. Được cấp trên quan tâm tạo điều kiện, đồng chí đã mời thêm một số gia đình cơ sở và già làng, trưởng bản có uy tín đi về Hà Nội và đến một số vùng đồng bằng tham quan cách trồng cây lúa nước. Sau chuyến đi này các già làng, trưởng bản đã vận động được hơn 50% số hộ gia đình định canh trồng cây lúa nước hai vụ. Kết quả thu hoạch vụ lúa thứ hai cũng cho năng suất rất cao, cùng với sự vận động tuyên truyền của Đồn biên phòng và các già làng, trưởng bản đã hoàn toàn xóa tan hoài nghi của những gia đình thiếu tin tưởng. Vụ sau đó toàn bộ số diện tích có năng suất cao. Từ chỗ thiếu ăn quanh năm, đến nay hai xã đã cơ bản đủ lương thực, nhiều hộ dư dật lương thực. Những vùng đất trống, đồi trọc là hậu quả của việc chặt phá rừng đốt rẫy làm nương, đồng chí Thực cùng với đơn vị vận động nhân dân trồng được 120 ha quế, 256 ha luồng và những cây có giá trị kinh tế cao. Thay đổi dần nếp nghĩ, cách làm ăn của đồng bào hai xã vùng cao Tam Thanh, Tam Lư là thành tích chung của đơn vị, nhưng vai trò đầu tàu gương mẫu, miệng nói tay làm của đồn trưởng Nguyễn Vũ Thực có ý nghĩa quyết định. Năm 1996 đồng chí Thực được tặng danh hiệu chiến sĩ thi đua, năm 1997, 1998 đồng chí tiếp tục được tặng danh hiệu Chiến sĩ Quyết thắng. Bây giờ, tuy đã về nghỉ tại quê, nhưng có điều kiện anh vẫn cùng một số anh em trong đơn vị cũ lại “hành quân” về thăm đồn và thăm dân bản ở hai xã mà ngày trước mình đã gắn bó như con dân của họ. Có cơm ngon áo đẹp, bản làng thay đổi, các cháu được học hành đầy đủ, cuộc sống kinh tế được cải thiện nâng cao, mọi người mọi nhà rất phấn khởi, đời sống đủ đầy, không ai không nhớ đến công lao tấm lòng hết mình vì đồng bào của chú Thực. Người người yên tâm và tự hào về quê hương, hơn thế càng tích cực tham gia phong trào thi đua vì chủ quyền an nình biên giới của Tổ quốc ngày càng vững mạnh. Trong niềm vui chung, càng quý trọng và tin tưởng về tình yêu thương dạt dào và sự tin yêu mãnh liệt của đồng bào dân tộc đối với người lính Biên phòng luôn kiên cường trụ bám nơi phên dậu của Tổ quốc đã đem lại sự bình yên cho nhân dân. Một niềm vui và cũng là một bất ngờ lớn đối với hai người lính già, nhất là đối với đồng chí Thực, là: Ngay hôm vừa mới đặt chân đến đầu bản, trong khi mọi người đang tíu tít tay bắt mặt mừng trò truyện, thì có một cháu gái với dáng hình nhỏ nhắn, khuôn mặt thanh tú, xinh đẹp đến chào chú Thực và chú Cam. Miệng nhanh nhảu:
- Chắc hai chú chẳng còn nhớ cháu nữa đâu, nhưng cháu còn nhớ các chú đấy. Trong khi hai chú còn ngớ ra, thì cháu lại tự giới thiệu:
- Cháu là con gái thứ hai của ông bà Cầm- Dinh ở bản Hía đây. Vừa nói xong, thì cụ Vóc, đang chuyện trò rôm rả với hai cán bộ Cựu chiến binh đã đỡ lời luôn:
- Các anh nhớ cháu sao được, cháu nó tên là Hiền con gái của ông bà Cầm- Dinh, hiện cháu phụ trách nhà truyền thống của xã Tam Thanh đấy. Nghe cụ Vóc nói xong, cháu Hiền lại tiếp chuyện:
- Cháu dành cho hai chú, nhưng cho chú Thực thì đúng hơn một bất ngờ nhé. Nói vậy cháu từ tốn mời hai chú vào thăm Nhà truyền thống. Sau khi nói qua về cơ chế hoạt động hàng tháng, hàng quý … cháu mời hai chú Biên phòng đến xem, vừa nói tay cháu vừa chỉ lên tấm ảnh được treo trang trọng. Tấm ảnh có khuôn hình cỡ 40x50 cm, trong khung là chân dung chú Thực. Phía dưới có dòng tít với chữ in hoa: Đồng chí Trung tá, Đồn trưởng Đồn 501 NGUYỄN VŨ THỰC, người có công đưa cây lúa nước lên biên giới sinh sôi no ấm cho dân bản.
Ngắm nhìn khuôn hình, hai người lình già không kìm nén nổi sự cảm động, nhất là đồng chí Thực. Trong lòng anh ngập tràn niềm vui sướng, tự hào. Anh thầm nghĩ : Việc này là nguồn động viên, khích lệ vô giá, quý hơn nhiều thang thuốc bổ cho người già mà anh là người như vậy. Qua đây, anh càng không quên cảm ơn sự động viên, quan tâm của Đảng và chính quyền hai xã cũng như tình cảm của cháu Hiền đã dành cho cán bộ chiến sỹ trong đơn vị Đồn 501, trong đó có anh.
LÊ MINH TÝ