TRẬN CHIẾN ĐẤU BÊN BỜ SÔNG BẾN HẢI

22/06/2024
Trong các cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc. Đã có nhiều trận đánh tiêu biểu của các đơn vị Quân đội nhân dân Việt Nam, góp phần làm nên những chiến thắng vĩ đại của dân tộc ta, dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Lịch sử Đoàn Nghi lễ quân đội - Đơn vị “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”, đã ghi lại một trận chiến đấu “Có một không hai” của một đơn vị “đặc biệt” làm nhiệm vụ “đặc biệt”. Trận chiến đấu không tiếng súng bên bờ sông Bến Hải ngày 20/7/1964. Nhân dịp kỷ niệm 60 năm, sự kiện đặc biệt đó, xin được ghi lại, để tri ân các thế hệ cán bộ, chiến sỹ đã xây lên truyền thống đơn vị anh hùng của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng.

Quang cảnh cuộc chiến đấu bên bờ sông Bến Hải ngày 20/7/1964

Ra đời trong hoàn cảnh đặc biệt, ngay sau ngày cuộc cách mạng tháng 8 thành công ở Thủ đô Hà Nội. Tại Trại bảo An Binh, doanh trại của quân đội Pháp (40 phố Hàng Bài ngày nay), có một đội nhạc kèn, lính khố xanh người Việt Nam, phục vụ nghi lễ cho Pháp. Chứng kiến khí thế cách mạng sục sôi của quân - dân Hà Nội, nghĩ đến thân phận của người làm thuê, của người dân mất nước. Anh em đã một lòng hướng về cách mạng, mong muốn được phục vụ đất nước, khi được Việt Minh yêu cầu. Mong được, ước thấy, anh em được thông báo có cán bộ Việt Minh tới nói chuyện. 8h sáng ngày 20/8/1945, đồng chí Vương Thừa Vũ, chỉ huy bộ đội Hà Nội và một số cán bộ cùng đi, đến gặp anh em đội nhạc kèn. Sau khi nói về thắng lợi của cuộc khởi nghĩa ở Hà Nội, về tình hình khó khăn của đất nước, nhiệm vụ của cách mạng, kêu gọi mọi người nêu cao lòng yêu nước, đoàn kết, đồng lòng, tham gia cách mạng. Đồng chí nói “Tôi biết tấm lòng của anh em đối với Tổ quốc và những hoạt động yêu nước của anh em mấy ngày qua. Giờ đây trong anh em ai cũng có thể đi làm cách mạng. Nhạc binh rất cần cho quân đội, cho đất nước. Anh em sẵn có lòng yêu nước, nếu đồng ý gia nhập hàng ngũ cách mạng, đội kèn sẽ được giữ nguyên và bắt đầu từ ngày hôm nay mang tên: Ban âm nhạc giải phóng quân. Giao cho quản liên phụ trách (sau này là nghệ sỹ nhân dân Đinh Ngọc Liên). Ngày 20 tháng 8 năm 1945 trở thành ngày khai sinh của Đoàn quân nhạc Việt Nam - Đoàn quân nhạc đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, nay là Đoàn nghi lễ quân đội.

          Ngay sau ngày được thành lập, 72 chiến sỹ quân nhạc đã tích cực tập luyện, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, phục vụ lễ tuyên ngôn độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, ngày 02/9/1945 tại Quảng trường Ba Đình. Khắc phục khó khăn về mọi mặt, vừa hoạt động, vừa phát triển lực lượng, hòa âm phối khí, tập luyện các bài ca cách mạng phục vụ nhân dân Thủ đô. Thực hiện lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, không sợ hy sinh, anh em trực tiếp tham gia chiến đấu trong 60 ngày đêm bảo vệ Thủ đô và trong các chiến dịch chống thực dân Pháp trong suốt 9 năm kháng chiến trường kỳ. Tại lễ mừng chiến thắng Điện Biên Phủ tại Mường Thanh, Điện Biên, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã chỉ đạo thành lập Đoàn Quân nhạc Quân đội nhân dân Việt Nam.

          Vừa xây dựng, phục vụ, chiến đấu, trưởng thành, Đoàn quân nhạc đã lớn mạnh không ngừng, cả về ý chí, bản lĩnh, lòng trung thành, chuyên môn nghệ thuật, thực hiện nhiệm vụ mới trong sự nghiệp chống Mỹ cứu nước.

          Tháng 6 năm 1964, Bộ Tổng tham mưu, giao nhiệm vụ cho Đoàn quân nhạc, đi phục vụ các lực lượng vũ trang và nhân dân các tỉnh, ở các địa bàn trọng điểm của Quân khu 4. Sau khi phục vụ tại các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, đoàn đến Vĩnh Linh. Ngày 19 tháng 7 năm 1964, đoàn được triệu tập về Hồ Xá nhận nhiệm vụ mới. Trực tiếp đồng chí Trần Đồng, Bí thư đặc khu ủy Vĩnh Linh tiếp và giao nhiệm vụ. Sau khi thăm hỏi sức khỏe anh em, trong những ngày đi phục vụ và thông báo, ngày 20/7/1964 là ngày kỷ niệm lần thứ 10, Hiệp định Giơ - Ne -Vơ, sự kiện lịch sử đánh dấu kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Pháp. Nhưng đối với kẻ thù Mỹ - Ngụy, chúng coi đây là “Ngày Quốc hận”, ngày mai 20/7 chúng sẽ tổ chức cuộc mít tinh quy mô lớn, ngay bên bờ nam sông Bến Hải, đầu cầu Hiền Lương, kêu gọi nhân dân phá hoại, Hiệp định đã ký kết. Đồng chí nói rõ chủ trương đấu tranh của ta trong việc phá buổi lễ, kêu gọi đồng bào hướng về với cách mạng với Bác Hồ. Dự kiến ban đầu của ta là dùng hệ thống loa truyền thanh, kêu gọi đồng bào bên bờ Nam tẩy chay cuộc mít tinh của chúng. Nhưng hệ thống loa của ta ít, công suất nhỏ so với số lượng, công suất loa bên bờ Nam của địch lại ngược gió, nên khó thành công. Quyết định của trên dùng quân nhạc, với sức mạnh của dân nhạc, nơi bố trí sát bờ sông, qua loa tăng âm, với những giai điệu hùng tráng sẽ đi rất xa. Bộ đội quân nhạc mặc trang phục đẹp, bố trí gần địa điểm tổ chức mít tinh của địch, đứng bên bờ Nam, nhân dân sẽ nhìn rất rõ, lại sẵn có tình cảm thiết tha đối với miền Bắc, thu hút đồng bào bỏ cuộc mít tinh chạy ra bờ sông xem quân nhạc cách mạng biểu diễn. Đây là phương án tối ưu nhất. Đồng chí Bí thư Vĩnh Linh cũng nói “Phương án có dự kiến tình huống bị thất bại, địch có thể nổ súng vào đội hình quân nhạc. Các đồng chí cần xác định cho anh em cuộc đấu tranh ngày mai, thực sự là một trận chiến đấu quyết liệt với kẻ thù, giữa một bên là những người chỉ dùng kèn trống và âm thanh làm vũ khí với một bên là quân địch được trang bị súng đạn đến tận răng. Có thể có hy sinh đổ máu, nhưng toàn đoàn các đồng chí có thể yên tâm và vững vàng xuất quân, Bộ Tổng tham mưu đã có phương án, đáp trả khi chúng liều nổ súng. Chúc các đồng chí chiến thắng”.

          Ngay sau khi nhận nhiệm vụ, đồng chí Bí thư Chi bộ triệu tập cuộc họp Chi ủy. Đồng chí Đinh Thế Hùng, Phó Bí thư Đảng ủy Đoàn vừa từ Hà Nội vào, dự cuộc họp của Chi ủy chuẩn bị nội dung họp Chi bộ, bàn phương án, chủ trương biện pháp lãnh đạo trận đánh ngày mai. Tối 19/7 Chi bộ họp nhất trí cao với chủ trương, phương án của Chi ủy và hạ quyết tâm, dù có phải hy sinh cũng quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ, cùng tiếng kèn đánh bại ý đồ của địch, động viên đồng bào miền Nam, hướng về với cách mạng, đấu tranh cho sự nghiệp giải phóng đất nước.

          Sau cuộc họp Chi bộ, toàn bộ cán bộ, chiến sỹ nhạc công họp nghe phổ biến kế hoạch, mục đích, ý nghĩa của trận đánh. Đồng chí Văn Tiến, nhạc trưởng phổ biến phương án chiến đấu, lực lượng được tổ chức thành hai thê đội.

          - Thê đội 1 gồm 40 đồng chí bố trí ở tuyến trước, ngay sát bờ sông, do nhạc trưởng Văn Tiến chỉ huy, Chi ủy đi cùng có các đồng chí: Trương Đình Bảng, Đỗ Bình, Nguyễn Hòa.

          - Thê đội 2 gồm 20 đồng chí, bố trí kín đáo ngay ở phía sau, do nhạc phó Trần Ngọc My chỉ huy, Chi ủy đi cùng đồng chí Đoàn Bá, Chính trị viên đội.

          - Phương án hiệp đồng khi tiếng kèn của Thê đội 1 nổi lên, nếu địch nổ súng vào đội hình, Thê đội 2 cho hòa tấu tiếp sức ngay không để đứt đoạn; nhạc trưởng hy sinh, nhạc phó chỉ huy thay. Nếu sau bản hòa tấn thứ nhất, địch không phản ứng gì, thì thê đội 2, tràn lên nhập vào thê đội 1, cùng thực hiện theo kế hoạch. Chương trình biểu diễn gồm các bài: Giải phóng miền Nam; tiếng súng Nam Bộ; Nam Bộ kháng chiến; Tiểu đoàn 307; Bình Trị Thiên khói lửa; Tiếng gọi Thanh niên; Diệt Phát xít; Lên đàng…

          Tất cả anh em sau khi nghe toàn bộ kế hoạch trận đánh, ai cũng hào hứng, phấn khởi hứa quyết tâm, dù tình huống nào cũng quyết dành thắng lợi. Sáng sớm ngày 20 tháng 7 năm 1964, cả đoàn lên xe hành quân vào thẳng đầu cầu hiền lương, tập kết trong doanh trại đơn vị công an vũ trang làm nhiệm vụ ở bờ Bắc sông Bến Hải với tư thế tự tin của người ra trận. Đồng chí sỹ quan chỉ huy đơn vị công an vũ trang cung cấp thêm cho đoàn những tin tức mới nhất về ngày lễ của địch bên bờ Nam và thống nhất một lần nữa với đoàn về kế hoạch.

          Nhìn sang bờ Nam, địch đã dựng ở đây một lễ đài rất công phu, cao hàng chục mét, trang trí màu sắc lòe loẹt. Một băng khẩu hiệu dài hơn 10 m, cao 4 m sơn màu vàng, ghi dòng chữ màu đỏ “20 tháng 7 là ngày quốc hận” đặt sát bờ sông. Những chùm loa phóng thanh công suất lớn gắn trên các cột cao chôm dày bên bờ sông. Chúng huy động cả xe tăng, pháo lớn, bố trí chĩa nòng sang bờ Bắc, uy hiếp chúng ta. 6 giờ sáng hàng trăm xe tải lèn chặt hàng chục nghìn đồng bào từ Đông Hà, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, nối đuôi nhau đến địa điểm mít tinh. Tiếng hò hét xua đuổi tập trung nhân dân đến lễ đài của cảnh sát ngụy rối ít không ngớt.

          Được lệnh của chỉ huy, thê đội 1 quân nhạc tiến ra, bố trí đội hình dọc bờ sông đối diện với lễ đài của địch, nhanh chóng ngồi thành đội hình biểu diễn. Vừa thấy đội hình quân nhạc uy nghi trong bộ lễ phục màu trắng với những chiếc kèn đồng sáng loáng, từng lớp sóng người từ sân lễ đài ùa chạy ra bờ sông, giơ mũ nón vẫy sang chào đón bộ đội ta, mặc cho tiếng gào thét giữ trật tự của bọn cảnh sát ngụy. Tận mắt nhìn thấy, tình cảm của đồng bào miền Nam, anh em quân nhạc không nén nổi xúc động, chỉ chờ lệnh là “Phát hỏa”.

          Khi tên chuẩn tướng Nguyễn Chánh Thi, Tư lệnh vùng chiến thuật 1 ngụy vừa bước ra lễ đài khai mạc buổi lễ. Lập tức tiếng giới thiệu của nhạc công Phạm Sanh Duyên qua máy tăng âm phát vang sang bờ Nam: “Kính thưa đồng bào, trong không khí tưng bừng của nhân dân ta kỷ niệm 10 năm thắng lợi Hiệp định Giơ-ne-vơ, đoàn quân nhạc Quân đội nhân dân Việt Nam rất vui mừng được vào biểu diễn phục vụ bà con vùng giới tuyến…” giai điệu hùng tráng của bài Giải phóng Miền Nam, vang vọng khắp cả vùng giới tuyến, có sức lôi cuốn, hấp dẫn lạ thường, như một lời hiệu triệu. Gần như tất cả đồng bào có mặt lúc đó, đã ùa ra phía bờ sông để được nghe tiếng nhạc thân thương của Tổ quốc, để được thấy anh bộ đội Cụ Hồ, suốt hơn 10 năm qua mới được nhìn thấy. Bất lực trước sự đột biến của tình hình, lính cảnh sát ngụy giăng tay nhau từng hàng xô cản đồng bào trở lên. Nhưng chúng không thể cản nổi, khi trái tim và tấm lòng của đồng bào đã hướng về Cụ Hồ, hướng về miền Bắc xã hội chủ nghĩa… Thấy quân địch không có phản ứng gì manh động, Thê đội 2 lập tức tràn lên nhập vào thê đội 1, tăng cường thêm lực lượng, tiếng kèn như được cộng hưởng càng vang xa, vang lớn, và các tác phẩm: Tiểu đoàn 307, Nam Bộ kháng chiến, Tiếng súng Nam Bộ v.v…” với tinh thần quyết chiến, quyết thắng, những chiến sỹ quân nhạc như những mãnh hổ, lao vào trận, găm những ngọn lê sắc nhọn vào tim kẻ thù. Nhạc trưởng Văn Tiến chỉ huy như bốc lửa. Chiếc đũa chỉ huy của anh như là cờ lệnh của người chỉ huy pháo binh, mỗi lần đưa lên, hạ xuống là từng loạt đạn pháo vọt ra khỏi nòng. Những âm thanh hào hùng như từng đợt sóng xung kích tuôn ra ào ạt về phía quân thù. Sức mạnh của quần chúng như dòng thác lũ cuốn trôi những hàng rào cảnh sát ngụy. Sự thất bại không thể cứu vãn nổi đã thực sự đến với bè lũ ngụy quân, ngụy quyền. Cả khu vực lễ đài vắng tanh, trống hoắc, Nguyễn Chánh Thi, tên tướng đầy quyền uy, một thời ngang dọc vùng giới tuyến, bất lực, lầm lũi lên xe cút thẳng về phía Nam. Cuộc mít tinh và âm mưu chính trị “Rửa thù quốc hận” của địch bị bóp chết ngay từ lúc chưa khai diễn. Sung sướng đến trào nước mắt. Trận chiến đấu bằng âm thanh của quân nhạc QĐND Việt Nam đã giành thắng lợi vẻ vang. Tin chiến thắng được điện báo ngay về Bộ Tư lệnh Quân khu 4 và Bộ Tổng Tham mưu. Đoàn được Bộ Tư lệnh Quân khu 4 trân trọng trao tặng lá cờ thêu dòng chữ “Hết lòng phục vụ”. Đồng chí Chính ủy quân khu khẳng định “Âm thanh là vũ khí sắc bén trong đấu tranh, một lần nữa được chứng minh và thể hiện trên mảnh đất địa đầu của Quân khu 4”.

          60 năm đã qua, những người trực tiếp tham gia trận đánh “Đặc biệt này” không còn, đã ra đi theo quy luật tự nhiên. Nhưng chiến công, sẽ còn lưu danh mãi mãi, ghi vào lịch sử của dân tộc, góp phần xây dựng, tô thắm truyền thống của Quân đội nhân dân Anh hùng. Để lại cho thế hệ cán bộ, chiến sỹ Đoàn nghi lễ Quân đội, hôm nay và mai sau, truyền thống “Trung thành vô hạn, đoàn kết một lòng, chính quy mẫu mực, vì Tổ quốc, vì nhân dân phục vụ” tiếp tục xây dựng đơn vị ngày càng vững mạnh toàn diện, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ phục vụ nghi lễ của Đảng, nhà nước, quân đội trong tình hình mới.

Một số hình ảnh Đoàn Nghi lễ Quân đội phục vụ các ngày Lễ lớn của Đảng, Nhà nước và đón tiếp các đoàn khách quốc tế.

Nguyễn Xuân Hà

(Theo cuốn lịch sử Đoàn Nghi lễ Quân đội)