CHÚNG TÔI NHẬN NHIỆM VỤ ĐI TRƯỚC VỀ TIẾP QUẢN HÀ NỘI

09/10/2024
.

Nói đến ngày 10/10/1954 quân ta về tiếp quản Thủ đô, nhiều người chỉ nhắc đến Đại đoàn quân tiên phong, tức Đại đoàn 308. Nhưng có một đơn vị được cử đi trước vào tiếp quản một số cơ sở trọng yếu chuẩn bị đón đại quân ta về Hà Nội, thường ít được nhắc đến. Đó là Trung đoàn 57, Đại đoàn 304 - Trung đoàn trưởng thành từ “Chi đội Đội Cung” của nhân dân Nghệ Tĩnh trong khởi nghĩa Tháng 8 năm 1945 và là Trung đoàn chủ lực đầu tiên của Liên khu 4. Đại tá Hoàng Bảo và Đại tá Trần Quốc Hanh, nguyên là cán bộ tuyên huấn của Trung đoàn 57 ngày ấy, nay đều là hội viên CCB Hà Nội, đã sôi nổi kể lại…

Trung đoàn 57, Đại đoàn 304 chúng tôi từ Điện Biên Phủ vừa về đến Thọ Xuân, Thanh Hóa bỗng được lệnh hành quân cấp tốc lên đồng bằng Bắc Bộ để tuyên truyền thắng lợi, liên tục tiến công địch. Trung tuần tháng 6/1954, chúng tôi đã vượt đường số 6 vào đất Sơn Tây, diệt các đồn địch ở Chi Quan, Hòa Lạc, bức rút hàng loạt vị trí địch trên đường số 21, tỉnh Hà Đông (cũ) và phục kích đánh địch trên đường số 6. Tiểu đoàn 346 của trung đoàn đánh lui trận vây càn lớn của 2 tiểu đoàn địch có xe tăng, xe bọc thép và máy bay yểm trợ vào các thôn Đại Đồng, Gia Hòa, Bách Lộc ngay sát đường số 11, hành lang giữa Sơn Tây và Hà Nội...

Quân địch ngày càng hoang mang khiếp sợ. Ta càng thừa thắng xông lên tiến công giải phóng từng vùng rộng lớn. Hàng ngàn lính ngụy đã tan rã mang súng ra hàng, hoặc bỏ trốn về nhà. Chưa đầy 1 tháng, Trung đoàn 57 chúng tôi đã giải phóng phần lớn đất đai và dân cư phía Tây và Tây Nam hai tỉnh Sơn Tây và Hà Nội. Vùng giải phóng được mở rộng gần sát thị xã Hà Đông và ngoại thành Hà Nội.

Chúng tôi đang chuẩn bị tiếp tục tiến công các đồn bốt địch dọc đường số 11 thì được tin: Ta đã giành thắng lợi tại Hội nghị Giơnevơ, Hiệp định Giơnevơ đã được ký ngày 21/7/1954, hai bên sẽ ngừng bắn vào lúc 0 giờ ngày 1/8/1954 trên toàn Đông Dương.

Theo Hiệp định Giơnevơ, quân Pháp còn lại ở Sơn Tây được phép rút về Hà Nội để tiếp tục chuyển xuống Hải Phòng, trước khi rút vào miền Nam. Ngày 19/8/1954, Tiểu đoàn 418 của Trung đoàn 57 tiến vào giải phóng thị xã Sơn Tây; tiểu đoàn 265 vào tiếp quản thị trấn Phùng. Trung đoàn 57 chúng tôi bắt tay ngay vào thực hành chế độ quân quản để giữ gìn ANCT, TTATXH xã hội, bảo vệ an toàn các cơ quan, nhà máy, đảm bảo cuộc sống ổn định cho nhân dân.

Đầu tháng 9/1954, Trung đoàn 57 được lệnh bàn giao nhiệm vụ ở thị xã Sơn Tây và thị trấn Phùng cho đơn vị khác. Toàn trung đoàn về trú quân tại các thôn, xóm quanh vùng Chúc Sơn, huyện Chương Mỹ, tỉnh Hà Đông (cũ) để chuẩn bị mọi mặt, với nhiệm vụ đi trước vào tiếp quản Thủ đô Hà Nội.

Được về tiếp quản Hà Nội, giải phóng Thủ đô là một vinh dự lớn, một hạnh phúc bất ngờ đối với Trung đoàn 57 chúng tôi. Là những cán bộ tuyên huấn, chúng tôi được giao nhiệm vụ chuẩn bị tài liệu, triển khai học tập nhanh trong toàn đơn vị. Nội dung học tập chủ yếu quán triệt nhiệm vụ, chủ trương chính sách và kỷ luật khi vào tiếp quản Thủ đô. Đặc biệt phải nghiêm túc thảo luận kỹ để thực hiện tốt “Mấy lời căn dặn các đơn vị bộ đội vào thành” của Bác Hồ, trong đó Bác đã nhấn mạnh: “Chớ tự kiêu tự mãn, chớ xa xỉ, tham ô lãng phí. Chớ rượu chè, cờ bạc, trai gái, hút thuốc phiện... Phải kính trọng nhân dân, giúp đỡ nhân dân, đoàn kết với nhân dân...Phải giữ vững tính chất trong sạch của người chiến sĩ cách mạng...Phải thực hiện cần, kiệm, liêm, chính. Phải làm đúng 10 điều kỷ luật. Phải luôn luôn cảnh giác và thực hiện tự phê bình và phê bình để tiến bộ không ngừng”. Chúng tôi chuẩn bị tư tưởng cho bộ đội khi vào tiếp quản Thủ đô phải thường xuyên đề cao cảnh giác, đấu tranh chống tư tưởng hoà bình hưởng lạc, không để “những viên đạn bọc đường” bắn gục những chiến sĩ cách mạng từng dày dạn trong chiến đấu...

Ngày 2/10/1954, Trung đoàn 57 được cử một số cán bộ, chiến sĩ mặc thường phục đi cùng đoàn cán bộ hành chính của ta gồm hơn 200 người do đồng chí Trần Danh Tuyên làm trưởng đoàn, vào thành phố Hà Nội chuẩn bị trước các điều kiện cho ngày quân ta tiếp quản Thủ đô.

Chiều ngày 8/10/1954, chúng tôi được lệnh hành quân tiến về Hà Nội. Từ Chúc Sơn, cả trung đoàn đội ngũ chỉnh tề, hành quân hàng ba trên đường số 6. Lúc này, thị xã Hà Đông đã được Trung đoàn 9, Đại đoàn 304 tiếp quản từ trước. Khi Trung đoàn 57 hành quân đến thị xã Hà Đông, hai bên đường phố đã là cả rừng người, tưng bừng cờ hoa chào đón. Trong hàng quân bỗng nổi lên một giọng ca khe khẽ: “Có đoàn người lên đóng trên rừng sâu. Đêm nay mơ tiến về Hà Nội...”. Đó là lời mở đầu bài hát “Ngày về” của nhạc sĩ Lương Ngọc Trác, phổ thơ Chính Hữu, được viết từ năm 1947. Chúng tôi: Hoàng Bảo và Quốc Hanh đều là những chàng trai Hà Nội, từng trải qua 60 ngày đêm khói lửa ở Hà Nội những ngày đầu kháng chiến. Chúng tôi đều đã cất cao giọng hát của bài ca này qua nhiều chiến dịch: “Nhớ đêm ra đi đất trời bốc lửa/ Cả đô thành nghi ngút cháy sau lưng... Hẹn một ngày về!”. Và hôm nay chúng tôi đã về Hà Nội thực sự trong cảnh “Súng chuốt gươm lau, mắt ngời sáng quắc/ A ha! Nhà xiêu mái sập, xác oan cừu ngập lối chân đi!” (bài hát “Ngày về”).

Đến Phùng Khoang, trinh sát của ta báo về: Quân Pháp đang dàn hàng ngang một đoàn xe tăng, xe bọc thép ở Cầu Mới, gần Ngã Tư Sở. Tình hình có vẻ gay cấn. Trung đoàn trưởng Nguyễn Cận lệnh cho bộ đội dừng lại, chuyển sang đội hình chiến đấu. Đồng thời báo cáo lên cấp trên và cử cán bộ đi bắt liên lạc với cán bộ ta trong Ban Liên hiệp đình chiến để nắm tình hình, cùng phối hợp xử trí. Khi cán bộ ta trong Ban Liên hiệp phản đối, phía Pháp vội thanh minh rằng đó là họ làm theo “nghi thức” đón tiếp và bàn giao của quân đội Pháp. Theo yêu cầu của ta, họ đã phải cho rút hết số xe tăng, xe bọc thép ra khỏi khu vực tiếp xúc.

Sau khi nắm được tình hình, từ Phùng Khoang, trung đoàn trưởng Nguyễn Cận quyết định Trung đoàn 57 chia thành ba cánh quân theo bốn hướng tiến vào Hà Nội: Tiểu đoàn 346 do tiểu đoàn trưởng Hoàng Bình chỉ huy, đưa hai đại đội tiến tới Ngã Tư Sở tiếp xúc với quân đội Pháp vào tiếp quản sân bay Bạch Mai, nhà thương Cống Vọng (tức Bệnh viện Bạch Mai) ga Hàng Cỏ, nhà Đấu Xảo (nay là Cung văn hóa Hữu Nghị), nhà giam Hỏa Lò... Còn một đại đội rẽ phải tiếp quản khu vực các đồn địch ở Mai Động, Vĩnh Tuy, cửa ngõ Đông Nam Hà Nội... Tiểu đoàn 265 do chính trị viên tiểu đoàn Lâm Phúc chỉ huy, rẽ theo đường Mễ Trì đi Yên Hòa vào làng Cót để chuẩn bị sáng ngày 9 tiếp quản khu vực Cầu Giấy, Quần Ngựa, Kim Mã... Tiểu đoàn 418 do tiểu đoàn trưởng Nguyễn Cầm chỉ huy, cùng trung đoàn bộ hành quan theo đường Mễ Trì sang Dịch Vọng, Nghĩa Đô, vào vùng Bưởi, Trích Sài để triển khai tiếp quản từ Nhà máy da Thụy Khuê đến Trường Bưởi (nay là Trường Chu Văn An), tới đồn Nhật Tân và các trạm lẻ của quân Pháp ở cửa Ô Yên Phụ - Sở Chỉ huy trung đoàn 57 đặt tại làng Yên Thái (Bưởi).

Ở hướng Ngã Tư Sở, quân Pháp đón quân ta bằng một đại đội lính  châu Phi, do hai sĩ quan Pháp chỉ huy. Sau khi số xe tăng và xe bọc thép phải rút hết, phương tiện phục vụ cho quân Pháp có 3 chiếc xe tải, nhưng trên chiếc xe thứ ba vẫn gắn một khẩu trọng liên với nguyên một băng đạn, chúc nòng về phía quân ta. Tiểu đoàn trưởng Hoàng Bình vốn giỏi tiếng Pháp, anh kịch liệt phản đối cho rằng phía Pháp không tuân thủ theo Hiệp định hoà bình. Những viên sĩ quan Pháp im lặng, nhưng cũng phải cho bỏ khẩu trọng biên trên xe đi.

Quân ta súng trong tay, dưới sự hướng dẫn của các sĩ quan Việt – Pháp trong Ban Liên hiệp đình chiến, lần lượt đến thay thế lính Pháp đang đứng gác ở từng vị trí, thuộc 23 vọng gác và các cơ sở trống rỗng của sân bay Bạch Mai. Việc ký kết biên bản bàn giao được thực hiện trong một ngôi nhà chứa máy bay khá rộng. Có khá đông phóng viên nước ngoài chứng kiến cuộc bàn giao này. Họ đều tỏ vẻ ngạc nhiên khi thấy người chỉ huy tiểu đoàn của ta giao tiếp bằng tiếng Pháp rất thành thạo. Họ liên tục chụp ảnh các chiến sĩ ta có những chiếc mũ nan tre trên đầu, chân đi dép lốp và khẩu súng nắm chắc trên tay.

          Ở hướng Vĩnh Tuy, khi bộ đội ta vượt đường số 1 ở đoạn làng Sét thì gặp 4 xe tăng và xe bọc thép chở đầy lính Pháp từ Hà Nội đang đi xuống Văn Điển. Sĩ quan liên lạc của ta đến thông báo cho chúng biết việc ta đi nhận bàn giao ở đồn Vĩnh Tuy. Chúng có vẻ ngỡ ngàng, nhưng sau cũng phải lui quân, nhường đường cho các chiến sĩ Tiểu đoàn 346 đi.

          Đêm ngày 8/10/1954, Tiểu đoàn 265 hành quân đến làng Cót. Nhiệm vụ của Tiểu đoàn phải tiếp quản toàn bộ các trạm gác của địch từ Cửa Nam kéo dài đến ngã ba Nhổn. Đoạn đường dài chừng 6 ki lô mét, có 6 trạm gác của quân Pháp. Chúng tôi lo nhất có sự đụng độ, sẽ gây căng thẳng. Sau khi bàn tính, cả ba đồng chí trong Ban chỉ huy Tiểu đoàn 265 cùng tới gặp, trao đổi với các sĩ quan Pháp về cách tiếp quản. Nhưng đoạn đường thì dài, ta chỉ đi bộ, còn quân Pháp lại ngồi trên xe quân sự. Cuối cùng theo lời mời, chúng tôi lên xe Pháp cùng đi. Lúc đầu trên xe chỉ cắm cờ Pháp. Chúng tôi không tán thành, yêu cầu phải cắm cả cờ của ta và của Pháp. Phía Pháp phải đồng ý để quân ta ngồi bên phải xe, cắm cờ đỏ sao vàng. Quân Pháp ngồi bên trái xe, cắm cờ Pháp. Suốt chặng đường, chúng tôi bố trí mỗi trạm gác 8 chiến sĩ tiếp quản. Mỗi đội có một cán bộ tiểu đội vác cờ, theo sau là hai chiến sĩ có súng tiểu liên và các đồng chí khác, đội ngũ chỉnh tề. Tại mỗi trạm gác, khi bộ đội ta đến thay thế, quân Pháp lại lặng lẽ rút đi. Pháp rút tới đâu, là đất của mình tới đó.

          Khi đến Cầu Giấy là đồn chính ngay cửa ô. Tại đây có hai lính da đen khoác súng tiểu liên đứng gác. Trong sân đồn, hai chiếc xe tăng quay nòng pháo ra phía cổng, đang rú máy. Đồng chí Lâm Phúc cầm hai bông hoa, cắm lên nòng súng hai tên lính da đen, nói: “Chiến tranh đã kết thúc. Mừng các bạn sắp được đoàn tụ cùng gia đình!”. Hai tên lính da đen đều đứng nghiêm chào, miệng cười hớn hở...

          Một đại uý Pháp cùng một tiểu đội lính bước ra cổng đồn. Viên đại uý giơ tay lên mũ chào và tự giới thiệu là đồn trưởng. Đồng chí Lâm Phúc cũng chào đáp lại, tự giới thiệu là sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam, được phái đến nhận sự bàn giao của quân đội Pháp. Song anh cũng nghiêm nét mặt, hỏi: “Tại sao đón khách, các anh lại cho xe tăng gầm rú, khói bốc mù mịt?”. Viên sĩ quan Pháp vội thanh minh: Đó là “nghi thức” của quân đội Pháp khi đón khách!” Nhưng viên sĩ quan Pháp cũng phải ra lệnh cho hai chiếc xe tăng rút theo hướng đi của quân đội

Pháp.

          Đúng 8 giờ sáng ngày 9/10, trạm gác cuối cùng của quân Pháp ở Cửa Nam, ta đã tiếp quản xong. Nhiệm vụ của Tiểu đoàn 265 ở hướng Cầu Giấy đã hoàn thành. Đến 9 giờ sáng, các đơn vị bộ binh cơ giới của Đại đoàn 308 đã qua Ô Cầu Giấy, rầm rập tiến vào Thủ đô Hà Nội.

        Ở hướng Bưởi, Tiểu đoàn 418 với nhiệm vụ tiếp quản các căn cứ đồn binh và cơ sở quân sự của Pháp đã diễn ra khá nhanh chóng và thuận lợi. Do đó, Tiểu đoàn 418 được vinh dự cử Đại đội 60 do Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Cầm chỉ huy, đại diện cho Trung đoàn 57 đến sân vận động Măng Gianh (tức sân vận động Cột Cờ) cùng trung đoàn 102 của Đại đoàn 308 chuẩn bị quảng trường mít tinh, làm lễ kéo lá quốc kỳ lên cột cờ Hà Nội, trong giờ phút lịch sử sau 8 năm kháng chiến chống thực dân xâm lược Pháp.

      Đến 12 giờ trưa ngày 9/10/1954, việc đi trước tiếp quản những khu vực chính đã xong. Trung đoàn 57 chúng tôi ở các hướng được sự đùm bọc, giúp đỡ của nhân dân Hà Nội đều vào vị trí sẵn sàng chiến đấu, sẵn sàng bảo vệ an toàn và an ninh trật tự cho ngày hôm sau, ngày 10/10/1954, đại quân ta chính thức tiến vào Giải phóng Thủ đô Hà Nội.

XUÂN MAI

Viết theo lời kể của Đại tá Hoàng Bảo, Đại tá Trần Quốc Hanh,

hội viên CCB Hà Nội.