Nỗi đau không thể nguôi ngoai

07/03/2024
Đã hơn 45 năm trôi qua kể từ khi xẩy ra cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc, có biết bao nhiêu câu chuyện đẫm nước mắt đã đi vào ký ức khó có thể phai mờ.
Câu chuyện tình của một chiến sỹ đồn biên phòng Pò Hèn và cô mậu dịch viên xinh đẹp cùng sát cánh bên nhau trong những ngày chiến đấu gian khổ và đã dâng hiến trọn tuổi thanh xuân của mình cho Tổ quốc.

Điều đau đớn của đôi trai gái sắp đến ngày vu quy nhưng lại không trở thành hiện thực. Nhưng, cuối cùng, họ vẫn được trở về bên nhau trong một mái nhà ấm áp yêu thương, nhờ “sáng kiến” của bạn bè, đồng đội và sự ủng hộ của hai bên gia đình, họ hàng …

Đó là một câu chuyện tựa thiên tình sử đầy bi tráng của đôi trai gái yêu nhau đã kiên cường chiến đấu và anh dũng hy sinh trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc ngày 17 tháng 2 năm 1979.

Tôi nhìn những tấm hình mà trái tim se thắt lại. Tôi đã khóc. Tôi khóc vì sự chia lìa đôi lứa bởi cuộc chiến tranh phi nghĩa do kẻ địch gây ra. Tôi khóc bởi một ước mơ hạnh phúc đơn sơ, nhỏ nhoi của con người vẫn không thể biến thành hiện thực. Tôi khóc bởi ngày vu quy của lứa đôi chìm đi trong tiếng nấc nghẹn ngào của người thân hai bên gia đình, họ hàng, bạn bè, đồng đội.

Trời hỡi, có nỗi đau nào trên trái đất này hơn thế này không?

Chia sẻ về cuộc tình đẫm nước mắt này, CCB Hoàng Như Lý (quê Móng Cái- Quảng Ninh) là người bạn gần gũi, thân thiết của 2 liệt sĩ cho biết: Trước khi xảy ra cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc, Bùi Văn Lượng, chiến sĩ đồn biên phòng Pò Hèn và cô mậu dịch viên xinh đẹp Hoàng Thị Hồng Chiêm (cũng đang công tác tại địa bàn) đã trao gửi trái tim cho nhau, được hai bên gia đình, bạn bè, đồng đội hết lòng ủng hộ, vun đắp tình yêu, chờ ngày kết tóc xe tơ…

Thế nhưng, cuộc đời đâu biết trước được chữ ngờ. Tờ mờ sáng ngày 17- 2-1979, kẻ địch đã ồ ạt tấn công đồng loạt trên toàn tuyến biên giới phía Bắc, từ Phong Thổ (Lai Châu) đến Móng Cái (Quảng Ninh) với chiều dài hơn 1400 km, gây ra chết chóc, đau thương cho những người dân Việt Nam lương thiện đang sinh sống, làm ăn nơi vùng biên ải.

Trên hướng Quảng Ninh, các đơn vị bộ đội địa phương, dân quân tự vệ phối hợp với đồn biên phòng Pò Hèn đã kiên cường chiến đấu bảo vệ vững chắc từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc.

Cô mậu dịch viên Hoàng Thị Hồng Chiêm tham gia lực lượng dân quân tự vệ tại chỗ, vừa làm nhiệm vụ tiếp đạn, tải lương vừa trực tiếp cầm súng chiến đấu bảo vệ biên giới.

Và, trong một cuộc tấn công bằng hỏa lực pháo, súng cối của kẻ thù, Bùi Văn Lượng đã anh dũng hy sinh. Cô dân quân tự vệ Hoàng Thị Hồng Chiêm cũng bị thương rất nặng và đã trút hơi thở cuối cùng ngay sau đó, bên cạnh người yêu.
Họ đã sống, chiến đấu, hy sinh để bảo vệ tình yêu lứa đôi, vì sự bình yên của quê hương, đất nước. Trong suy nghĩ của tôi, họ xứng đáng là những người anh hùng.

Mặc dù chiến tranh đã lùi xa nhưng những mất mát, đau thương không dễ xóa nhòa. Hàng ngàn người lính trẻ chưa một lần được yêu đã ngã xuống vì độc lập tự do của Tổ quốc. Họ đã ra đi nhẹ nhàng, thanh thản, bởi họ hiểu rất rõ giá trị thiêng liêng cao cả của sự hy sinh đem lại sự bình yên cho đất nước.

Người chiến sĩ  đồn biên phòng Pò Hèn  Bùi Văn Lượng và cô mậu dịch viên xinh đẹp Hoàng Thị Hồng Chiêm nằm trong số các liệt sĩ đã “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”. Đám cưới của hai liệt sĩ diễn ra trong bối cảnh đặc biệt, sau 38 năm kể từ lúc hy sinh trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc (tháng 2 năm 1979).

“Tôi từng hứa với hai bạn, ngày cưới sẽ về dự, đưa đón dâu. Thế mà…” - CCB Hoàng Như Lý nghẹn ngào, hai mắt đỏ hoe. Anh cho biết thêm: “ Hồi đó, các đồng chí chỉ huy đồn biên phòng Pò Hèn cũng đã có kế hoạch cử cán bộ và chi đoàn sau Tết Nguyên đán về dự đám cưới của đôi bạn trẻ. Nhưng ngày ấy đã không thành hiện thực, thật đau lòng”.

Cho đến một ngày, tôi quyết định đi tìm và kết nối hai gia đình của liệt sĩ Lượng - Chiêm lại với nhau và lên kế hoạch tổ chức cho họ một đám cưới. Gia đình hai bên cũng đồng tình ủng hộ”, ông Lý nói.

Tháng 8/2017, đám cưới của hai liệt sĩ diễn ra trong khung cảnh đặc biệt. Cha của liệt sĩ Bùi Văn Lượng đại diện cho phía nhà trai, còn phía nhà gái do em của liệt sĩ Hồng Chiêm đại diện. Do điều kiện đường sá xa xôi nên lễ ăn hỏi, lễ cưới được gộp làm một.

Hành trình đón dâu khởi hành vào lúc sáng sớm, từ thành phố Hạ Long (quê của chú rể) ra thành phố Móng Cái (quê của cô dâu). Gia đình liệt sĩ Bùi Văn Lượng mang theo di ảnh đến nhà liệt sĩ Hồng Chiêm làm lễ xin dâu.

Toàn bộ nghi lễ xin dâu, cưới hỏi  được chuẩn bị trang trọng, chu đáo, hệt như đám cưới có cô dâu chú rể. Bạn bè của cô dâu mặc áo dài đỡ tráp ăn hỏi. Hôn lễ do ông Lý làm chủ hôn ngay tại ngôi nhà tình nghĩa do địa phương xây tặng, làm nơi thờ cúng liệt sĩ Hồng Chiêm.

Sau lễ xin dâu, gia đình nhà trai gửi lại bức di ảnh của liệt sĩ Bùi Văn Lượng cho nhà gái và xin rước di ảnh liệt sĩ Hồng Chiêm về thành phố Hạ Long. 

Thế là 38 năm sau ngày mất, 2 liệt sĩ Lượng - Chiêm mới được về bên nhau trong một mái nhà  ấm áp yêu thương, trước sự chứng kiến của hai bên gia đình, họ hàng, bạn bè, đồng đội cùng bà con lối xóm.

Đám cưới đặc biệt của 2 liệt sĩ Bùi Văn Lượng – Hoàng Thị Hồng Chiêm đã để lại trong lòng tôi rất nhiều cảm xúc khó tả. Đây là một việc làm có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, thể hiện tấm lòng tri ân của những người đang sống đối với các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì Tổ quốc.

TRẦN NGUYÊN TRUNG