Kỷ niệm sâu sắc nhất trong đời binh nghiệp của một vị tướng

16/12/2023
Đầu tháng 10 năm 2023 vừa qua, chúng tôi - những cán bộ, chiến sỹ từng sống, chiến đấu ở chiến trường Tây Nam Bộ trong những năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đã hẹn nhau về làng gốm Phù Lãng, huyện Quế Võ (Bắc Ninh) - quê hương của Đại tướng Phạm Văn Trà, mừng thọ ông vào tuổi 90.

Anh em chúng tôi phần lớn đều đã từng cùng nhau vào sinh ra tử, chia ngọt sẻ bùi với ông, giờ mỗi lần gặp lại nhau, câu chuyện bao giờ cũng cởi mở, chân tình, thấm đẫm tình cảm anh em, đồng đội.

Trong lúc mọi người đang vui câu chuyện, tôi quay sang hỏi ông:

-Anh Ba à! (Tên thân mật mà mọi người thường gọi ông là Ba Trà). Trong cuộc đời quân ngũ, từ một chiến sỹ, qua thử thách cam go, qua chiến đấu, học tập và rèn luyện, anh đã trở thành một cán bộ cấp cao của Quân đội, của Đảng. Anh đã trải qua bao chuyện vui, buồn… Vậy cho đến hôm nay, có kỷ niệm nào mà anh cho là sâu sắc nhất?

Nhấp một ngụm nước, đưa mắt nhìn về xa xăm, rồi ông chậm rãi nói:

-Kỷ niệm thì nhiều! Nhiều lắm! Nhưng có một kỷ niệm tôi không bao giờ quên. Đó là lần tôi bị thương trong trận đánh tiêu diệt gọn Tiểu đoàn 3, thuộc Sư đoàn 21 quân đội Ngụy Sài Gòn ở xã Long Phú, huyện Long Mỹ (Cần Thơ) vào cuối tháng 10 năm 1966.

Vào một đêm cuối tháng 10 năm 1966, Tiểu đoàn 309 (Trung đoàn U Minh) chúng tôi, sau khi tiêu diệt gọn Tiểu đoàn 3, Sư đoàn 21 của địch, thì trời vừa rạng sáng, đơn vị được lệnh lui quân. Anh Sáu Hà – Tiểu đoàn trưởng khi đó phân công tôi bám trụ lại để giải quyết thương binh, liệt sỹ rồi rút về sau.

Giải quyết xong mọi việc thì trời sáng bạch. Lúc này, địch ở các đồn lân cận bung ra phản kích. Máy bay, pháo từ căn cứ Vị Thanh, Hỏa Lựu thi nhau bắn phá dọc các tuyến lộ, tuyến kênh mà chúng cho là đường rút quân của ta. Một quả pháo địch nổ cách tôi chừng hơn chục mét, bùn đất phủ kín người. Tai tôi ù đặc. Chân bên phải đau nhói. Một mảnh đạn pháo đã làm mẻ một mảnh xương cổ chân khiến tôi không thể nào đi lại được. Người còn lại bên tôi lúc này là chiến sỹ liên lạc. Cậu ta cố dìu tôi ra giữa đồng, xa trục lộ và bờ kênh. Mặt trời đã lên cao, nắng nóng khiến vết thương của tôi đau nhức đến tận óc. “Không thể ở đây chết cả hai người”, tôi nghĩ như vậy rồi ra lệnh cho chiến sỹ liên lạc: Phải nhanh chóng rời khỏi đây về tiểu đoàn báo cáo tình hình rồi đêm đến trở lại đón tôi. Người chiến sỹ nhìn tôi ái ngại. Có lẽ cậu ta nghĩ không thể rời xa thủ trưởng của mình trong lúc này. Nhưng, trước thái độ kiên quyết của tôi, cậu ta xách khẩu AK lầm lũi bước đi, vừa đi vừa lấy tay gạt nước mắt.

Chờ cho cậu liên lạc khuất sau đám dừa nước, tối cắn rang cố lết thêm một quãng, tránh xa trục lộ và bờ kênh. Đang vào mùa khô, nắng nóng cộng với vết thương, làm tôi khát cháy cổ. Tôi lết đến một vũng nước, vốc lấy mấy ngụm cho đỡ khát, rồi lết tiếp, hướng về một ấp trước mặt.

Chừng quá trưa, cơn đói và mệt đã khiến tôi lả đi. Đang suy nghĩ làm sao vượt qua hoàn cảnh hiểm nghèo này, thì tôi bỗng thấy từ trong ấp, một cậu bé theo bờ ruộng tiến về phía mình. Chờ cho cháu đến gần, tôi nhỏm dậy và gọi to. Cháu giật mình, khựng lại, rồi tiến thêm vài bước, nhìn chằm chằm vào tôi. Sau đó, cậu quay đầu đi như chạy về ấp.

Thấy cháu đi như “ma đuổi”, trong tôi hình thành hai khả năng. Trường hợp xấu, cháu sẽ báo cho lính đồn ra bắt tôi. Ngược lại, cháu sẽ trở thành “thần hộ mệnh” của tôi. Tôi kiểm tra lại khẩu súng ngắn, số đạn và quả lựu đạn đang đeo bên sườn, đề phòng bất trắc sẽ “tử chiến với địch”.

Thời gian nặng nề trôi qua. Khoảng ba tiếng sau, lúc mặt trời đã xế bóng, từ xa, thấy một mình cháu xuất hiện, ngang hông cắp một chiếc thúng nhỏ, tôi thở phào nhẹ nhõm. Lại gần cách tôi chừng chục bước, cháu khẽ khàng đặt chiếc thúng xuống vệ cỏ, nhìn tôi chốc lát rồi lẳng lặng quay về ấp. Cháu đi được một quãng xa, tôi bò lại và không tin vào mặt mình, trong thúng có một đĩa xôi to, nửa con gà luộc và một bình nước. Sự việc diễn ra như chuyện cổ tích: “Ông bụt hiện lên cứu người lành trong cơn hoạn nạn.” Tâm trạng tôi lúc này thật khó tả. Nước mắt tôi trào ra. Tôi cố gắng ăn mấy miếng rồi uống nước để lấy sức. Chiều tắt nắng, hoàng hôn buông trên đồng, rồi trời nhá nhem tối, cháu bé ban chiều đã cùng một phụ nữ ra dìu tôi về nhà. Đưa tôi vào nhà, người phụ nữ nói trong xúc động:

-Cán bộ xá lỗi cho, biết ông đau, chờ đợi, nhưng má con tôi không thể làm khác được: Lính “quốc gia” nhan nhản trong làng, ngoài ấp. Ban ngày đón ông làm sao che mắt chúng được.

Tôi cảm ơn cháu và chị đã cứu mạng, đồng thời mong chị đừng gọi tôi bằng ông.

Để tránh phiền hà, liên lụy cho gia đình chị, tôi bày tỏ ý nhờ chị giấu tôi ở một nơi nào đó, không ở trong nhà. Chị trả lời rành rọt và dứt khoát:

-Không được, ra khỏi nhà tôi bây giờ, anh sẽ bị lính bắt ngay. (Chị đã chuyển gọi tôi bằng anh). Tôi sẽ giấu anh trong buồng, trong hầm tránh đạn pháo. Nhà tôi nấu rượu, lính đồn vào ra mua rượu liên tục, nhưng anh đừng sợ, chúng vào đây không quan tâm đến mọi việc ngoài mấy xị rượu đâu. Vả lại, anh bị thương, biết đơn vị ở đâu mà tìm bây giờ.

Năm ngày ở nhà chị, tôi luôn trong tâm trạng nơm nớp lo lắng, không biết những ngày tới sẽ ra sao. Mặc dù chị chủ nhà hàng ngày vẫn rửa vết thương cho tôi, đắp vài thứ thuốc lặt vặt, nhưng đến ngày thứ sáu vết thương của tôi bị nhiễm trùng nặng. Vết thương đã có giòi. Thấy nằm ở đây bất tiện đủ điều, tôi nói với chị Sáu (mấy hôm ở trong nhà tôi nghe mọi người qua lại gọi cô Sáu) đưa tôi đi. Biết không thể giữ tôi lại, hơn nữa thấy vết thương của tôi ngày càng trầm trọng, chị Sáu nói như phân bua:

-Anh bỏ quá cho, bây giờ mà tìm bác sỹ làm thuốc cho anh, chắc vết thương sẽ ổn, nhưng khác nào gửi anh cho lính đồn. Vậy, giờ biết đưa anh đi đâu!

-Chị cứ đưa tôi đến nơi nào mà pháo hay máy bay phía bên kia đánh phá, đó là nơi có du kích; hoặc chị dò hỏi đơn vị U Minh ở chỗ nào thì nhiều người biết đấy! Chị miễn cưỡng cười:

-Tôi chịu mấy anh giải phóng! Bom đạn đầy trời, đơn vị không biết ở đâu mà cứ nằng nặc ra đi.

Thế rồi chị khẩn trương chuẩn bị. Chị nhờ thêm người thân cáng tôi đi mờ sáng hôm sau. Vì chị nấu rượu nên quen khá nhiều lính đồn; lại lấy lý do đưa người nhà bệnh nặng đi viện, nên tôi đã qua các trạm kiểm soát của địch dễ dàng và đến vùng du kích an toàn. Tạm biệt gia đình chị Sáu – người đã cứu mạng, nuôi giấu khi gặp hoạn nạn, tôi không cầm nổi lòng mình. Tôi thầm cầu mong trời phật phù hộ chị Sáu và các con chị như đã phù hộ tôi. Tôi hứa sẽ có dịp trở lại để tạ ơn mẹ con chị.

Việc tôi đột ngột trở về tiều đoàn đã khiến mọi người ngỡ ngàng và xúc động. Bởi ngay đêm hôm đó, cậu liên lạc cùng hai chiến sỹ trinh sát trở lại tìm tôi nhưng không thấy. Mọi người cho rằng tôi đã hy sinh hoặc đã bị địch bắt. Anh Sáu Hà ôm chầm lấy tôi, nước mắt giàn giụa. Ngay sau đó, tôi được đưa về Bệnh xá của Quân khu (mãi tận U Minh Thượng) để điều trị.

Ra viện tôi trở về đơn vị, tiếp tục chỉ huy chiến đấu. Vì chiến dịch nối tiếp chiến dịch nên mãi tới sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, tôi mới có dịp trở lại Long Phú, huyện Long Mỹ (Cần Thơ) tìm chị. Nhưng bà con nơi đây cho hay, gia đình chị đã đi vùng kinh tế mới ở Sóc Trăng hay Bạc Liêu gì đó!

-Thế sau này anh có tìm được gia đình chị Sáu không? Tôi hỏi. Nhấp một ngụm nước, anh tiếp tục kể:

-Do công việc níu kéo, tôi không có thời gian đi tìm chị Sáu nên đã nhờ Tỉnh đội Sóc Trăng, Cần Thơ và Bạc Liêu tìm giúp. Mãi đến tháng 7 năm 2006 – tức tròn 40 năm sau, tôi đã tìm được chị và gia đình qua tin tức của anh em ở Tỉnh đội Sóc Trăng.

Theo địa chỉ mà các anh Tỉnh đội Sóc Trăng cho biết, tôi tìm đến ấp Ngã Năm thuộc xã Vĩnh Qưới, huyện Thanh Trị, Sóc Trăng - nơi gia đình chị Sáu đang cư trú.

Sau phút ngỡ ngàng, khi nhận ra tôi, chị nghẹn ngào: - Ủa anh Ba! Lâu quá rồi. Bấy lâu sao không thấy anh quay trở lại thăm mẹ con em? Mà sao anh biết em ở đây hay vậy? Tôi nghẹn lại không nói được lời nào. Tôi nắm bàn tay gầy guộc của chị mà trong tôi dấy lên một nỗi niềm khó tả. Chị đã già đi nhiều quá! Trên khuôn mặt trái xoan dám nắng của chị đã xuất hiện những nếp nhăn nơi khóe mắt. Nhìn tay chị run run cầm bình nước rót vào cốc mời tôi, tôi bỗng nhớ chính bàn tay này đã cẩn thận rửa, băng bó vết thương cho tôi dưới ánh đèn dầu trong buồng nhà chị năm nào…

Những năm sau đó, nhờ sự quan tâm của chính quyền địa phương, cộng với sự giúp đỡ của đơn vị tôi, nên chị đã cất được ngôi nhà mới, mua thêm ít công ruộng và dụng cụ sản xuất, nên đời sống khá ổn định.

-Thế cậu bé năm xưa giờ thế nào hả anh? Tôi hỏi.

- Cậu bé năm xưa ấy à? Cậu ta là Tư Gương, vào du kích từ năm 12 tuổi, sau đó vào bộ đội chiến đấu, đến năm 1986 thì nghỉ hưu. Giờ vợ con cậu ta đang sản xuất, kinh doanh ở Phú Quốc (Kiên Giang). Vậy là từ ngày tôi bị thương đến naBÙI ANH ĐỨCy đã 57 năm rồi. Thời gian trôi nhanh quá!

BÙI ANH ĐỨC

Theo lời kể của Đại tướng Phạm Văn Trà, nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.