Đó là cuối năm 1976, khi đang hoạt động ở vùng Ô Môn (Cần Thơ), Trung đoàn 2, trong đó có Tiểu đoàn 5 chúng tôi được lệnh di chuyển đến vùng tứ giác Long Xuyên làm nhiệm vụ bảo vệ biên giới, đồng thời làm kinh tế.
Tiểu đoàn chúng tôi đóng quân dọc theo kênh Tám Ngàn thuộc xã Châu Lăng, huyện Trị Tôn, tỉnh An Giang. Đây là vùng đất trũng nằm ở phía Tây Nam tứ giác Long Xuyên. Đất ở vùng này nhiễm phèn rất nặng. Nước ở những con mương luôn có màu nâu đen, bốc mùi tanh nồng.
Sau gần một tháng xây dựng lán trại, ổn định nơi ăn ở, công việc của cán bộ, chiến sỹ trong tiểu đoàn là đào các kênh, mương từ giữa cánh đồng nối với con kênh Tám Ngàn. Do chiến tranh nên hàng ngàn héc ta đất nơi đây đã bị bỏ hoang, lau sậy, cỏ dại mọc um tùm. Kênh Tám Ngàn từ lâu đã trở thành con kênh “chết”, cỏ dại mọc kín mặt nước.
Thời tiết đang vào cuối mùa khô, nên nắng nóng rất gay gắt. Dưới cái nắng chói chang, hơi nóng từ mặt đất bốc lên hầm hập, nhưng từng tốp chiến sỹ vẫn cần mẫn đào mương, người nào người ấy ướt đẫm mồ hôi. Chỉ sau hơn một tháng, hàng chục con mương từ nội đồng nối với kênh Tám Ngàn với tổng chiều dài hàng chục km đã hoàn thành, tạo thành hệ thống thoát nước tương đối hoàn chỉnh.
Công việc tiếp theo của các đại đội là phát cây, dọn cỏ, làm sạch đất trên đồng để khi mưa xuống là gieo sạ lúa. Thời kỳ này, cấp trên đã tăng cường cho sư đoàn một số kỹ sư trẻ từ miền Bắc vào. Tiểu đoàn 5 chúng tôi được tăng cường một người. Đó là kỹ sư trồng trọt Đặng Thị Oanh.
Oanh năm đó mới 25 tuổi. Quê Oanh ở huyện Gia Lâm, ngoại thành Hà Nội. Ra trường, Oanh được điều về Ty Nông nghiệp tỉnh Thái Bình. Công tác ở đó được ba năm rồi được điều về đây. Oanh có khuôn mặt trái xoan, má lúm đồng tiền, nước da trắng; đặc biệt là cô rất có duyên khi nói chuyện. Vì thế, cô trở thành bông hoa rực rỡ trong “làng lính” chúng tôi. Oanh được bố trí ở chung lán với hai nữ “anh nuôi” của tiểu đoàn bộ.
Tháng 6, Nam Bộ đã vào mùa mưa. Xen giữa những cơn mưa ào ạt, đứt quãng là trời lại nắng gay gắt. Dẫu sao, trên đồng đã săm sắp nước, đủ điều kiện để gieo hạt.
Trong buổi họp cán bộ các phân đội của tiểu đoàn để phổ biến kế hoạch gieo sạ lúa; sau khi phổ biến thời gian, kỹ thuật, mật độ gieo hạt… Tiều đoàn trưởng Bảy Hồng đề nghị mọi người cho ý kiến. Thấy không ai nói gì, Bảy Hồng quay về phía Oanh:
- Cô Oanh có ý kiến gì không?
Oanh khép nép đứng dậy:
- Kính thưa các thủ trưởng! Em không có ý kiến gì về kế hoạch mà thủ trưởng Hồng vừa phổ biến… Nhưng em chỉ băn khoăn về thời gian gieo hạt ạ!
- Cô nói rõ xem nào! Bảy Hồng sẵng giọng.
- Thưa thủ trưởng, trước khi được điều về tiểu đoàn công tác, em có tìm hiểu một số tài liệu về khí hậu, thời tiết, thổ nhưỡng của vùng Tứ giác Long Xuyên này. Độ PH trong đất ở vùng này rất cao, trong khi đất chưa được thau chua, rửa phèn mà gieo hạt xuống, em e rằng lúa sẽ không phát triển được. Em đề nghị thủ trưởng cân nhắc ạ!
Vốn là cán bộ chỉ huy có uy tín trong chiến đấu nhưng rất nóng tính, Bẩy Hồng coi kế hoạch gieo sạ lúa của trung đoàn là mệnh lệnh nên cũng rất khó chịu trước những ý kiến của Oanh. Vả lại trong suy nghĩ của anh, Oanh là người mới ra trường còn rất sách vở. Nghĩ vậy, anh cắt ngang lời nói của Oanh:
- Thôi…thôi, tôi biết rồi, thời gian, kế hoạch gieo sạ lúa đã được chỉ huy trung đoàn cân nhắc kỹ rồi! Đó là mệnh lệnh không bàn chùn nữa. Chiều nay, các đại đội cho người lên tiểu đoàn nhận thóc giống về ngâm ủ để sang tuần bắt đầu gieo sạ.
Và thế là, chỉ sau đó ít ngày, hơn 5 tấn thóc giống đã được gieo sạ trên diện tích hơn 30 ha. Hạt gieo xuống lại gặp cơn mưa đầu mùa nên nẩy mầm rất khỏe. Chỉ hơn một tuần sau cả cánh đồng lúa lên xanh mơn mởn. Cán bộ, chiến sỹ trong tiểu đoàn rất phấn khởi.
Thế nhưng, sau mấy ngày nắng rát, lúa trên đồng chuyển dần từ màu xanh sang màu vàng, rồi héo úa. Nhìn cánh đồng lúa khô héo ai cũng xót xa.
Sau khi cùng cán bộ kỹ thuật đi kiểm tra khắp cánh đồng, Bẩy Hồng triệu tập cuộc họp BCH tiểu đoàn để rút kinh nghiệm. Cuộc họp có Oanh tham dự. Tại cuộc họp, Bảy Hồng nhận khuyết điểm là chủ quan, không tiếp thu ý kiến đóng góp của cán bộ kỹ thuật. Vả lại, anh quan niệm về thời gian gieo hạt là trung đoàn đã tính kỹ rồi. Cuối cùng, Bảy Hồng đề nghị Oanh có ý kiến. Vẫn giọng nói nhỏ nhẹ và khiêm tốn, cô nói:
- Kính thưa các thủ trưởng, lúa chết trong đợt gieo sạ vừa qua, em cũng có phần trách nhiệm. Vì em chưa mạnh dạn, kiên nhẫn thuyết phục các thủ trưởng tiểu đoàn về thời gian gieo hạt.
Các thủ trưởng biết đấy, sở dĩ lúa chết là khi mưa xuống, phèn trong đất sì lên, sau đó lại có nắng liên tiếp, phèn bó vào thân cây lúa khiến nó chết.
Ý kiến của Oanh khiến Bẩy Hồng nhẹ lòng, anh hỏi:
- Vậy theo cô, ta nên làm gì bây giờ?.
- Thưa thủ trưởng, theo em, trước mắt ta tiếp tục đào mương nội đồng, khơi thông dòng chảy, để khi mưa xuống, phèn sẽ theo nước chảy vào mương rồi ra kênh xáng. Khi nước bắt đầu rút vào cuối mùa mưa, ta bắt đầu gieo hạt. Nhân đây, em xin đề nghị với thủ trưởng Hồng lên trung đoàn xin cấp giống lúa IR8. Vì đây là loại lúa chịu hạn, chịu phèn và chỉ ba tháng là thu hoạch thôi ạ!
Bảy Hồng chăm chú ghi chép. Trước khi kết thúc buổi họp, thay mặt Ban chỉ huy tiểu đoàn, anh nói:
- Xin cảm ơn cô Oanh. Căn cứ vào trình độ, năng lực và tinh thần trách nhiệm, BCH tiểu đoàn quyết định giao cho cô Oanh là tổ trưởng tổ khoa học kỹ thuật, làm chức năng tham mưu cho Ban chỉ huy tiểu đoàn trong sản xuất lúa.
Mối quan hệ giữa Bảy Hồng và Oanh ngày càng trở nên gần gũi và thân thiện. Mỗi lần lên trung đoàn giao ban về tình hình sản xuất, Bảy Hồng đều kêu Oanh đi cùng. Một lần Bẩy Hồng lên cơn sốt do vết thương tái phát, Oanh tỏ ra rất lo lắng. Cô đã cùng y tá của tiểu đoàn đạp xe hàng chục cây số đến chợ để mua đồ về nấu cháo cho anh. Được chăm sóc chu đáo nên Bẩy Hồng rất cảm động.
Tháng 9 năm đó, tiểu đoàn bắt đầu gieo sạ lần thứ 2. Lần này lúa lên xanh tốt. Giống lúa IR8 có vẻ phù hợp với đồng đất nơi đây. Nhờ mưa thuận gió hòa, lại được bón thúc một đợt phân đạm nên lúa lên xanh tốt và đẻ nhánh rất khỏe. Một lần cùng cán bộ và tổ trưởng kỹ thuật đi kiểm tra đồng ruộng để chuẩn bị gặt lúa, Bảy Hồng nói với Oanh:
- Thu hoạch xong, anh để nghị trung đoàn cấp giống lúa này để gieo trồng vụ sau em ạ!
Oanh nói ngay:
- Ô hay! Thế anh không thấy bốn ha lúa ở giữa đồng em sẽ cho gặt riêng để lấy hạt làm giống cho vụ sau à! Mình chủ động được giống anh ạ!
Bẩy Hồng mỉm cười:
- Em đúng là cô gái biết lo xa!
- Thế mà có lúc “người ta” không thèm nghe ý kiến đóng góp đấy!
Oanh lườm Bảy Hồng một cái rồi mỉm cười quay mặt đi. Đôi má cô ửng hồng.
Khi những cơn gió chướng thổi triền miên trên cánh đồng vàng rộm lúa chín, đơn vị vào mùa thu hoạch. Tiểu đoàn vui như ngày hội. Có những đêm, dưới ánh trăng vằng vặc, từng tốp chiến sỹ vừa đập lúa vừa hát vọng cổ thật thơ mộng.
Vụ mùa năm đó, tiểu đoàn thu hoạch được hơn 11 tấn thóc. Tuy năng suất chưa cao nhưng ai cũng rất mừng. Vào thời điểm đó, sau chiến tranh, kinh tế đất nước vô cùng khó khăn, một số nơi đã xảy ra tình trạng thiếu đói, Vì vậy, một cân thóc của người lính làm ra lúc này ở vùng đất chua phèn có ý nghĩa biết nhường nào.
Tình hình sản xuất của tiểu đoàn đang đi vào thế ổn định. Mọi thứ chuẩn bị cho sản xuất vụ sau đã hoàn tất thì tháng 10 năm 1977, bọn phản động Pôn pốt- Iêng xari đã hung hãn tràn qua biên giới tàn phá, giết hại đồng bào ta dọc các tỉnh biên giới từ Tây Ninh- Long An- An Giang đến Kiên Giang. Đặc biệt, chúng giết hại gần 3000 người dân vô tội (chủ yếu là phụ nữ và trẻ em) tại chùa Ba Chúc huyện Tri tôn- An Giang.
Trung đoàn 2 trong đó có Tiểu đoàn 5 chúng tôi cùng với các đơn vi thuộc Quân khu 9 một lần nữa lại cầm súng chiến đấu tiêu diệt bọn diệt chủng Pôn pốt, bảo vệ lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc. Trong trận đánh địch ở đồi Tức Dục, tiểu đoàn trưởng Bẩy Hồng đã bị thương khá nặng. Anh được đưa về bệnh xá của sư đoàn cứu chữa. Cán bộ và chiến sỹ trong tiểu đoàn, nhất là Oanh, rất lo cho anh. Cô đến bệnh viện để chăm sóc anh. Bẩy Hồng nằm viện được hai ngày thì má và em gái của anh từ Sóc Trăng lên thăm. Nhìn thấy con trai tỉnh táo, lại được chăm sóc tận tình nên bà bớt lo lắng. Nói với con gái lấy trái cây ra mời mọi người, bà quay sang phía Oanh hỏi nhỏ
- Cháu là Oanh?
- Dạ! Sao bác biết tên cháu?
- À, chả là bữa trước trong thư gửi về gia đình thằng Bảy nó nhắc đến cháu nhiều lắm! Xem ra thằng nhỏ rất thương cháu.
- Dạ! Có gì đâu ạ! Cháu chỉ thấy anh nhà mình bướng bỉnh lắm ạ; suốt ngày chê cháu thôi!
Nói rồi, Oanh đưa bàn tay lên trán Bẩy Hồng đang nằm trên giường bệnh xoa nhẹ. Bà nắm tay Oanh âu yếm nhìn cô rồi nhìn sang Bẩy Hồng, trong lòng dậy lên niềm hạnh phúc chứa chan.
Tháng 10 năm 2023
BÙI ANH ĐỨC