Có một hội viên khả kính

16/02/2024
Sau 34 năm thành lập và đi vào hoạt động, Hội CCB Thủ đô có gần 28 vạn hội viên, trong đó có gần 500 cấp Tướng, hơn 15.000 cán bộ cấp cao. Nhưng có lẽ không ít hội viên của Hội biết về một hội viên đó là cụ Thích Thanh Tứ, một phật tử trú tại chùa Quán Sứ, phường Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm, một chức sắc cấp cao: “ Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam”.

         Dù đã hơn một thập kỷ do tuổi cao, bệnh nặng, cụ đã từ biệt cõi tạm về nơi vĩnh hằng an giấc ngàn thu, nhưng cụ đã để lại những kỷ niệm khó quên của một hội viên. 

          Nhớ lại ngày 10/3/1990, Thành ủy, UBND thành phố Hà Nội ra quyết định thành lập Hội CCB Thành phố; ngày 15/3/1990 Chủ tịch lâm thời Hà Kế Tấn họp Ban Chấp hành bàn nhiệm vụ và chương trình hành động đã xác định nhiệm vụ chính trị trung tâm hàng đầu là chủ động phối hợp với Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị Thành phố tuyên truyền vận động đoàn kết các tầng lớp nhân dân tạo sức mạnh bảo vệ Đảng, chế độ và thành quả cách mạng, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn và an sinh xã hội, cùng các lực lượng chức năng đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu chống phá của thù trong, giặc ngoài.

          Nhiệm vụ quan trọng trước mắt là tập trung xây dựng tổ chức cơ sở Hội rộng khắp trên các địa bàn dân cư, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc ít người; đẩy mạnh tuyên truyền vận động phát triển hội viên, trước hết là những CCB cấp tướng, cán bộ cao cấp, các tri thức, nhà khoa học, các tín đồ tôn giáo…nên chỉ một thời gian ngắn các cơ sở Hội đã nhận hàng vạn lá đơn xin nhập Hội. Trong đó có một lá đơn của một phật tử là Thích Thanh Tứ. Nhận được tin này, Chủ tịch lâm thời Hà Kế Tấn tỏ ra rất vui bởi một CCB là chức sắc cao cấp của Giáo hội Phật giáo xin gia nhập Hội sẽ là động lực lan tỏa nhanh khích lệ đông đảo CCB xin gia nhập Hội, nhất là những CCB là cán bộ cấp cao nên đã chỉ đạo Hội cơ sở tổ chức lễ kết nạp thật trọng thể và tuyên truyền nhanh đến các vùng miền của Thành phố.

 Trở thành hội viên, cụ Tứ tỏ ra rất vui. Tăng ni phật tử các chùa trên địa bàn cũng phấn khởi. Bằng những lời nói và việc làm, cụ luôn gắn bó với tổ chức Hội và đề xuất với Hội những việc cần làm đó là Hội tuyên truyền, vận động đông đảo hội viên cùng người thân và người dân khi đến các nhà chùa hoạt động tâm linh với cái tâm sáng, lòng thành thắp hương niệm phật mong cho gia đình có cuộc sống bình an hạnh phúc và làm những việc có ích cho xã hội, không vì động cơ mong được ban phát lợi lộc… bởi đã từng có không ít những người kinh doanh buôn bán đến nhà chùa để cầu mong làm ăn phát đạt một vốn bốn lời nhanh chóng giàu lên. Có những người lao động đến nhà chùa mong xin được việc làm nhẹ nhàng lương cao để có cuộc sống ổn định, thậm chí có cả những học sinh đến chùa chỉ cầu mong học hành giỏi giang thi đỗ thành tài với những mong muốn lợi ích riêng như trên; nhà chùa không thể đáp ứng được mà chỉ khuyên rằng hãy tu thân tích đức, tu chí làm ăn sẽ đạt được ước vọng.

   Cụ cũng thường xuyên động viên các nhà chùa cần hưởng ứng các cuộc vận động của Hội CCB đóng góp xây dựng quỹ từ thiện để giúp những hội viên nghèo, những thương bệnh binh cũng như những người dân cuộc sống còn nhiều khó khăn. Có nguồn vốn để lao động sản xuất xóa nghèo ổn định cuộc sống gắn với việc làm nhân đạo của các nhà chùa mở rộng vòng tay đón nhận những trẻ mồ côi không nơi nương tựa, những trẻ khuyết tật cô đơn, những trẻ sơ sinh bị bỏ rơi, nuôi dưỡng các cháu khôn lớn được học hành chăm ngoan. Nhiều cháu đã trở thành lao động có ích, có cháu đỗ đạt thành tài đi làm việc nước nhưng vẫn nhớ về nơi tổ ấm tình thương, coi những tăng ni phật tử là những mẹ hiền trân quý.

 Với những việc làm trên có nhiều hội viên ở khắp vùng miền trên địa bàn thành phố Hà Nội đặt câu hỏi: Hội viên Thích Thanh Tứ là bộ đội, dân quân du kích trực tiếp cầm súng đánh giặc hay là cơ sở cách mạng bảo vệ cán bộ lãnh đạo hoạt động bí mật trong lòng địch những năm chiến tranh? Cụ đã trả lời rằng: Cuối năm 1946 Thực dân Pháp trở lại xâm lược Việt Nam. Đêm 19/12/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến, hưởng ứng lời kêu gọi trên, các tăng ni phật tử phần lớn ở tuổi mười tám đôi mươi đã xin nhà chùa được nhập ngũ trực tiếp cầm súng chống quân xâm lược, được nhà chùa đồng ý thế là được “Cởi áo cà sa khoắc chiến bào/ Tuốt gươm bòng súng diệt binh đao/ Ra đi quyết rửa thù non nước/ Vì nghĩa quên thân hiến máu đào”.

Đến cuối thập kỷ 1990, thế kỷ 20, phong trào xã hội chủ nghĩa bước vào thời kỳ thoái trào, Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu sụp đổ, Chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam đứng trước thách thức cực kỳ nghiêm trọng.

Hội CCB Việt Nam được thành lập để cùng toàn dân bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ, bảo vệ thành quả cách mạng. Là một CCB, một lính Cụ Hồ, tôi đã làm đơn xin gia nhập Hội và trở thành hội viên, niềm hạnh phúc lớn trong cuộc đời tôi.

TRỊNH THANH VÂN