Dù mới nhập ngũ được hơn 1 tháng, nhưng mọi sinh hoạt, tác phong của từng chiến sỹ đang dần đi vào nề nếp. Hàng ngày, từ việc huấn luyện đội ngũ, tập bắn súng, ném lựu đạn… đến những việc cụ thể như gấp quần áo, chăn màn… đều được cán bộ phân đội hướng dẫn rất cụ thể, tỷ mỷ. Điều đáng chú ý là đại đội duy trì rất đều đặn buổi sinh hoạt văn hóa, văn nghệ tối thứ 6 hàng tuần. Buổi sinh hoạt này do chi đoàn thanh niên của đại đội đảm nhiệm.
Ban đầu những buổi sinh hoạt văn hóa, văn nghệ của đại đội diễn ra tẻ nhạt, đơn điệu, do chiến sỹ trong đại đội phần lớn là người dân tộc nên anh em còn e dè thiếu mạnh dạn. Nhưng được sự động viên khích lệ của cán bộ, nhất là Bí thư chi đoàn Nguyễn Văn Tiến nên buổi sinh hoạt dần trở nên sôi nổi, hấp dẫn hơn. Có chiến sỹ còn thổi kèn lá hoặc thổi khèn H Mông rất điệu nghệ, khiến cả hội trường dậy lên tiếng vỗ tay, hò reo từng chập.
Như thường lệ, vào tối thứ 6 hôm đó, chi đoàn tổ chức buổi sinh hoạt văn hóa, văn nghệ. Sau phần ca hát, ngâm thơ, đến phần đọc báo. Hôm đó, Bí thư chi đoàn Nguyễn Văn Tiến đọc một bài báo viết về câu chuyện tình yêu của một đôi trai gái người H Mông. Câu chuyện viết rằng: “Ở bản Lùng Vai, có một đôi trai gái yêu nhau. Chàng trai là Giàng Xeo Sình và cô gái là Giàng Vần Chấn. Hàng đêm Sình đến đứng dưới sàn nhà Chấn rồi dùng que chọc lên sàn – nơi Sình cho là chỗ nằm của Chấn để ra ám hiệu rủ Chấn đi chơi. Bởi vài ngày sau thì Giàng Xeo Sình lên đường nhập ngũ. Giọng của Tiến trầm bổng theo mạch chuyện, đôi khi còn khoa chân múa tay làm cho câu chuyện trở nên hấp dẫn khiến cả hội trường im phăng phắc. Kết thúc câu chuyện trong tiếng vỗ tay rần rần, có cậu hứng chí nói thật to “Nếu phải tớ hôm đó tớ sẽ hôn cô bạn ấy thật nhiều thì mới bõ những ngày xa cách sắp tới chứ cầm tay thôi thì nhạt quá”. Cả hội trường lại vang lên tiếng hò reo, náo nhiệt.
Trong lúc đang vui như vậy thì có hai chiến sỹ là Vàng A Nua và Sùng Mí Sáu với thái độ không vui, lầm lũi bỏ ra ngoài. Mọi người nhìn nhau không hiểu lý do gì. Có người nói: “Sao mà ý thức tổ chức kỷ luật kém vậy!”
Trước tình hình như vậy, tôi hỏi Bí thư chi đoàn – Tại sao hai cậu đó lại tự ý bỏ ra ngoài vậy?
– Tôi cũng chưa hiểu tại sao. Từ khi nhập ngũ đến nay, hai cậu ý chấp hành rất nghiêm điều lệnh, nội quy, quy định của đơn vị. Mấy ngày trước, được phép của chỉ huy đại đội, Vàng A Nua đã vượt 20 cây số đường rừng về nhà mua hạt cải mèo cho đơn vị rồi trở về doanh trại vào buổi tối trong ngày. Khi lên, cậu ấy còn mang theo cả chiếc khèn nữa cơ mà!
Phải chấn chỉnh ngay những hiện tượng như vậy để sớm đưa bộ đội vào nề nếp. Với suy nghĩ như vậy, hôm sau tôi cho gọi Nua và Sáu lên làm việc:
- Tại sao hai đồng chí lại tự ý giữa chừng bỏ buổi sinh hoạt văn hóa, văn nghệ?
Cả hai ngồi im không nói gì. Để xua đi không khí căng thẳng, tôi thay đổi cách xưng hô:
- Các em cứ nói, có khúc mắc gì cùng nhau giải quyết!
Trước thái độ thân thiện của tôi, cậu Nua nói với giọng tiếng Kinh chưa sõi:
- Thưa… báo cáo… mình thấy báo viết sai nhiều lắm.
Em thấy sai chỗ nào? Tôi hỏi.
- Sai nhiều mà! Người H Mông mình có ở nhà sàn đâu mà báo viết hàng đêm thằng con trai lấy que chọc lên làm ám hiệu cho đứa con gái rủ đi chơi!
Dừng một lát Nua nói tiếp:
- Người H Mông mình cùng họ là anh em; đã là anh em thì không lấy nhau được đâu! Báo viết hai đứa cùng họ Giàng mà lấy nhau là sai!
Thì ra là vậy. Trước thái độ thân mật, gần gũi và khích lệ của tôi, Nua và Sáu còn kể cho tôi nghe nhiều tập quán khá thú vị của người H Mông. Chẳng hạn, như chuyện tìm hiểu nhau của nam nữ thanh niên người H Mông. Sáu bảo rằng: Ngày xuân, trai gái thanh niên người H Mông ăn mặc lộng lẫy rủ nhau đi hội xuân (tất nhiên là những chàng trai, cô gái chưa có vợ, có chồng). Mỗi cô gái đem theo một quả Pao (quả Pao được khâu lại từ vải vụn tròn như quả bóng nhỏ). Đến điểm vui xuân, cô gái nhìn thấy chàng trai nào ưng ý là ném quả Pao về phía người đó. Thông qua cử chỉ, ánh mắt, nụ cười, nếu người con trai chấp thuận thì sau đó hàng đêm, người con trai đến nhà cô gái. Cô gái ở trong nhà nhận được tín hiệu sẽ tiến đến nói chuyện thì thầm với chàng trai ở phía ngoài qua tấm vách…
Thấy tôi chăm chú lắng nghe hai chiến sỹ phấn khởi hẳn lên. Tôi mời hai cậu uống nước rồi nói: Tôi rất thích những câu chuyện mà hai em kể nhưng để dịp khác tiếp tục nhé. Bây giờ anh nhắc hai em thế này:
- Dù bài báo có thể viết chưa đúng, nhưng hai em tự ý bỏ ra ngoài khi chưa được sự đồng ý của chỉ huy là sai, có gì phải phản ảnh với chỉ huy. Hai em phải nhớ, bây giờ mình đã là quân nhân rồi, mình phải chấp hành mọi nội quy, quy định và điều lệnh của quân đội. Từ nay, làm gì các em phải báo cáo và phải có sự đồng ý của chỉ huy nghe chưa!
Cả hai ngượng nghịu gật đầu: - Vâng ạ!
Từ câu chuyện trên, tôi có thêm hiểu biết về đời sống văn hóa của một dân tộc và đó cũng là một bài học thực tiễn về công tác chính trị - tư tưởng trong chiến đấu, trong quản lý và rèn luyện bộ đội ở đơn vị cơ sở, nhất là đơn vị huấn luyện chiến sỹ mới. Và nó luôn là một trong những bài học có giá trị đối với tôi trong chỉ huy chiến đấu và công tác ở cương vị cao hơn những năm sau này.
BÙI ANH ĐỨC
Ghi theo lời kể của Thượng tá, CCB DƯƠNG VĂN CẢNH