Câu mực

09/08/2024
Sau ngày 27/1/1973 tầu hải quân chúng tôi không phải đi sơ tán, dấu mình trong các eo, các hõm của Vịnh Hạ Long, Vịnh Lan Hạ, Cát Bà nữa, vì không còn máy bay Mỹ sục ngó, tìm kiếm bắn tên lửa vào tầu. Khi đó chúng tôi mới dám câu mực...

Không biết ngư dân ở các vùng biển khác câu mực như thế nào. Còn tôi và đồng đội trực tiếp câu mực ở Vịnh Hạ Long thì không thể “chuyên nghiệp” như ngư dân được.

Dạo đó là thời điểm cuối đông, đầu xuân. Trong vịnh, biển êm ả như mặt hồ. Tôi  thử dùng chiếc đĩa men Trung Quốc đặt nhẹ lên mặt biển. Mặt vịnh dềnh lên dềnh xuống, chiếc đĩa cũng lên xuống theo mà không chìm.

Tối đến biển đen thẫm, nhất là chỗ núi đá bao quanh. Gió biển rít qua vách núi như tiếng kêu của mụ phù thủy trong phim chuyện cổ tích. 

Thấy anh Mạc thủy  thủ trưởng gọi:

- Quân, Hòa chuẩn bị câu mực nhé! 

Anh gọi vọng xuống khoang máy:

- Cho xin bóng đèn 500 w. 

Anh Nguyễn Văn  Với cơ công ( người phụ trách điện ) thò đầu lên bảo: Thuyền trưởng, Máy trưởng đồng ý chưa? Ông là sếp của tôi hay sao mà ra lệnh thế?

Trên ca bin tầu, Máy trưởng Nguyễn Hữu Lâm thò đầu ra nói to:

- Thuyền trưởng đồng ý rồi! Câu đi!

Anh Với đưa tôi một bóng đèn to như bắp chuối kèm lời nói:

- Cẩn thận không vỡ!

Tôi cầm vào đui bóng đèn, thận trọng kéo dây điện theo. Thủy thủ Thuận đưa đầu  sào đo sâu đỏ trắng cho tôi. Tôi buộc bóng đèn vào đầu sào rồi đưa ra mạn tầu, chỉnh dây sao cho bóng đèn cách mặt nước khoảng 50cm. Tôi  thò một đầu sào ra biển. Đầu còn lại buộc chặt vào cọc bích. Anh Mạc khoát tay hô to:

- Cắm điện đi!

Rồi quay về phía 2 thủy thủ, anh nói:

- Chuẩn bị vợt, dao thớt làm mồi nhé!

Thuận vào bếp mang cái thớt và con dao ra. Tôi mở khoang mũi lấy vợt và dây câu, lưỡi câu ra. Những thứ này tầu nào cũng có. Cuộn cước dài cả trăm mét được cuốn vào cái ru lô hình trụ có vành hai đầu để dây cước khỏi tuột ra. Lưỡi câu là một chùm 3 lưỡi cong về ba phía. Đầu lưỡi được mài nhọn hoắt, có ngạnh vểnh lên trên để khi con mồi mắc vào lưỡi câu không tuột ra được.

Bóng đèn 500 w bừng sáng. Biển tối đen như giật mình tỉnh giấc. Những hòn đảo thâm nghiêm lặng lẽ đứng cả ngàn năm chợt choàng tỉnh.

Dễ đến 20 phút, dưới nước bắt đầu xuất hiện những chú cá lập lờ bơi xung quanh. Những chú mực ống bơi lùi. Thuận lao vợt xuống. Lũ cá không kịp bơi ra đã bị Thuận vớt lên, giãy giụa trong lưới. Thuận đổ cá ra boong tầu, tóm lấy, chặt chúng ra thành những khúc nhỏ khoảng 10 cm. Máu cá hồng đỏ nhạt chảy loang ra. Có con bị chặt ra rồi miệng vẫn ngáp ngáp. Tôi và Thuận  nhanh chóng mắc mồi vào lưỡi câu rồi quăng ra xa. Mấy đồng đội nhanh chóng đổ nửa chậu cá mồi xuống biển. Mùi tanh máu cá loang ra, dụ lũ mực, lũ cá tới. Tôi chăm chú nhìn vào phao trên giây câu. Thời kỳ này cá biển nhiều vô kể vì các cửa sông cửa biển bị Mỹ phong tỏa bằng thủy lôi. Máy bay Mỹ quần đảo suốt ngày đêm trên trời nên thuyền đánh cá của ngư dân không dám ra khơi. 

Chẳng phải chờ lâu, chú mực nang to hơn cái quạt nan dập dờn vẫy vây bơi đến. Một con rồi ba bốn con… Chúng bơi lượn lờ quanh mồi, quanh ngọn đèn. Ánh sáng đèn xuyên qua nước biển xanh còn thấy cả con đẻn( rắn biển) to, dài như chiếc đòn gánh đang uốn éo bơi tới. 

Bỗng bụp! Một con cá chuồn ăn đêm lao vọt lên mặt nước vút qua thành tầu, đập đầu vào thành khoang hàng nằm sõng soài, quay đơ, miệng ngáp ngáp. Thằng Thuận cười khanh khách:

- Mồi câu mực trời cho đây rồi! Nó nhanh tay xắt con cá ra thành nhiều khúc vứt vào cái chậu đựng mồi.

Mải nhìn con cá lao lên boong tầu, tôi không để ý chiếc phao câu đã biến mất. Sợi dây cước căng ra, thít vào tay. Tôi hô:

- Cá cắn câu rồi! và nhanh tay thu sợi dây cước. Con mực lưng màu chấm đỏ, bụng trắng phau đang vẫy vẫy các xúc tu ( râu ) hòng thoát khỏi lưỡi câu. “Thoát sao được, sao dại thế! Ai bảo mày tham ăn?”- Tôi thầm nghĩ trong vui sướng. 

Lưỡi câu chùm này đã mắc vào miệng con mồi thì dù là mực hay cá nhám, cá heo đều không thể thoát, trừ khi dây cước đứt. 

Con mực giãy giãy tuyệt vọng, to dần lên theo dây câu tôi đang thu. Khi kéo đến gần mặt nước, thằng Thuận cúi xuống lấy vợt, vớt lên. Trên boong tầu, con mực xõa hết râu, nằm sóng xoài to như cái mẹt. Lão Mạc gỡ lưỡi câu ra, ném nó vào xô nói gọn lỏn:

- Khi nào được dăm con thì bảo thằng Long thợ máy chuẩn bị pha rượu!

Cứ thế, chỉ sau hơn một giờ câu, chúng tôi đã câu được bẩy tám con mực nang và hơn hai chục con mực ống. Đầy phè 2 cái xô to. Tôi gọi mấy lính trẻ ra mổ mực. Lão Mạc phân công đứa thì nổi lửa, đứa thì làm muối chấm, đứa chuẩn bị chén uống rượu.

Tôi rạch một đường dọc bụng con mực, lôi ra túi mực ném tùm xuống biển. Lũ cá lao tới đớp.

          Anh Với thu dây, treo bóng đèn lên cột ăng ten cho chúng tôi có ánh sáng mổ mực. Chỉ một loáng đã mổ xong hai xô mực. Riêng mực ống chúng tôi không mổ để cả túi mật luộc vì theo kinh nghiệm luộc cả mực sẽ ngon, ngọt hơn. 

Mươi phút sau toàn tầu đã ngồi hết lên mặt hầm hàng. Mười sáu Chiến sĩ con người chia làm 3 nhóm, chẳng bát đũa gì, bốc bằng tay, nhai nhồm nhoàm, tợp chén rượu. Tôi nghĩ rằng chắc không đầu bếp quốc tế nào có thể làm món mực luộc ngon như lũ lính thủy chúng tôi. Mực dầy như lát cà bát nén ròn trắng phau được thái ẩu, thái vội to như ngón tay cái. Mấy đĩa muối trộn dấm Trung Quốc thơm lừng, phía trên là ớt bột đỏ au. Chiến sĩ Thuận lấy ra lọ dưa chuột muối, đổ vào bát cho có chất rau. Cho thêm tý đường trắng, thìa con mỳ chính. Có lẽ chỉ lính tầu chúng tôi mới được ăn mỳ chính vì thời đó mỳ chính rất hiếm. Mực chấm muối ớt đưa vào miệng nhai thật khoái. Cái ngọt của mực tươi, cái đậm của muối, vị cay của ớt, vị chua của dấm làm “bộ nhá” của lính làm việc cấp tập. Thêm hớp rượu làm chúng tôi lâng lâng. Lúc ấy cảm giác thật thanh bình, chẳng ai nghĩ đến chiến tranh, đến con tầu lầm lũi đè sóng trong đêm chở hàng vào miền Nam. Chẳng ai nghĩ đến tiếng máy bay Mỹ gầm rú trên trời chỉ mấy ngày trước. Họ chỉ biết mực tươi luộc ngay ngọt, ròn tuyệt vời. Mấy chai rượu nút lá chuối nhanh chóng hạ độ cao. Anh Lâm đập nhẹ vào vai thằng Long, nháy mắt. Thằng Long hiểu ý biến xuống hầm máy rồi ngoi lên với chiếc can 3 lít đựng chất lỏng trong vắt. Thuyền trưởng trừng mắt:

- Lại lấy trộm cồn lau máy pha rượu đấy hả? 

Long gãi tai phân trần:

- Đấy là rượu chúng em mới mua ở Cát Bà khi lên bờ mua rau. 

Chính trị viên tranh thủ:

- Cồn để lau máy, không được lấy uống. Vì phạm kỷ luật đấy! 

Lũ lính thủy chúng tôi đều biết, cồn trên tầu chẳng bao giờ hết, chỉ có rượu là hết. Huấn thị, chấn chỉnh là của các sếp, nhất là Chính trị viên.

 Bữa tối chỉ chấm dứt khi 5 con mực nang luộc và hơn chục con mực ống vơi trơ lòng đĩa. Mấy vỏ chai nút lá chuối nằm tơ hơ bên boong tàu. Mặt các thủy thủ đỏ găng. Mực trên biển không bao giờ hết và những tối câu mực của chúng tôi cũng không bao giờ dứt. Cuộc đời lính thủy lúc bình yên thật là vui thật là sướng. Anh Lâm đẹp trai hứng chí lôi đàn ghi ta ra bập bùng bài hát "Lướt sóng ra khơi " của nhạc sỹ Thế Dương. Chúng tôi nghiêng ngả hát theo:

Dạt dào biển mênh mông, sóng vỗ dọc thân tầu.

Đoàn ta ra khơi tiếng máy reo vang, lòng rộn ràng tiếng hát yêu thương.

Nhìn bầu trời trong xanh tay súng ta sẵn sàng.

Chiến đấu hy sinh lập nhiều chiến công huy hoàng…

Hình ảnh tầu Hải quân làm nhiệm vụ bảo vệ biển đảo thời kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Ảnh : TL.

 

TỐNG HỒNG QUÂN