PHÒNG, CHỐNG “DIỄN BIẾN HÒA BÌNH”: Không thể dung thứ cho hành động khủng bố

17/01/2024
Ngày 16/1/2024, 100 bị cáo trong nhóm khủng bố tấn công trụ sở xã Ea Ktur và Ea Tiêu ngày 11/6/2023 khiến 9 người tử vong đã bị đem ra xét xử theo quy định của pháp luật.

          Lợi dụng sự kiện này, các thế lực thù địch trong và ngoài nước đã xuyên tạc bản chất vụ án, phát tán nhiều bài viết nhằm xuyên tạc chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước, kích động người dân chống đối chính quyền, gây mất an ninh chính trị trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên. Do đó, mọi người cần nắm rõ những thông tin chính thống liên quan đến vụ án này.

          Trước tiên, cần khẳng định rằng, việc một số đối tượng người dân tộc thiểu số dùng vũ khí tấn công vào trụ sở UBND xã Ea Tiêu và xã Ea Ktur thuộc huyện Cư Kuin ngày 11/6/2023 vừa qua là hành động khủng bố có tổ chức, phi nhân tính và không thể biện minh bằng bất cứ lý do nào. Các đối tượng đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, dùng vũ khí tấn công vào trụ sở UBND xã Ea Tiêu và xã Ea Ktur khiến 9 cán bộ và người dân thiệt mạng, nhiều người khác bị thương. Cơ quan điều tra xác định, trong 100 bị cáo bị đem ra xét xử có nhiều người dân tộc thiểu số ở tỉnh Đăk Lăk, bị nhóm phản động, lưu vong ở Mỹ kích động, lôi kéo, dụ dỗ tham gia tổ chức phản động. Sau đó, những thành phần cốt cán trong nước đã nghe theo sự chỉ đạo của nhóm khủng bố ở nước ngoài tiếp tục lôi kéo, đe dọa, cưỡng ép một số thành viên khác thành lập nhóm vũ trang lấy tên “Lính Đềga” để hoạt động khủng bố, phá hoại vào ngày 11/6/2023. Mục tiêu cuối cùng của chúng là tấn công vũ trang, lật đổ chính quyền nhằm gây sự chú ý trong và ngoài nước, tiến tới thành lập Nhà nước Đềga tại Tây Nguyên. Cơ quan điều tra xác định, đây là vụ án có tính chất đặc biệt nghiêm trọng, xâm hại đến tính mạng, sức khỏe của cán bộ, người dân, phá hủy tài sản của cơ quan, tổ chức, cá nhân trên địa bàn Tây Nguyên, mục đích nhằm lật đổ chính quyền nhân dân. Tuy nhiên, vai trò của từng bị cáo trong vụ án này không giống nhau, một số người dân tộc thiểu do lạc hậu, bị cưỡng ép hoặc nghe theo những thông tin tuyên truyền sai sự thật của những kẻ cầm đầu nên đã bị động thực hiện hành vi khủng bố. Đa phần trong số họ đều ăn năn hối cải, thành khẩn khai báo để nhận được sự khoan hồng của pháp luật. Tuy vậy, một số kẻ ngoài cuộc vẫn cố tình bịa đặt ra cái gọi là “chính quyền đàn áp dân tộc thiểu số”, “chính quyền cướp đất của dân nên mới dẫn tới vụ việc phản kháng trên”. Đây là những luận điệu xuyên tạc, đánh tráo bản chất vụ việc của các thế lực thù địch!

          Cần phải thấy rằng, trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta luôn khẳng định vấn đề dân tộc, công tác dân tộc và đoàn kết các dân tộc có vị trí chiến lược quan trọng của cách mạng Việt Nam. Phát triển quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin về vấn đề dân tộc trong hoàn cảnh cụ thể ở Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định nguyên tắc và nội dung cơ bản của chủ trương và chính sách dân tộc là “Bình đẳng, đoàn kết, tương trợ, giúp đỡ nhau cùng phát triển”. Trải qua các thời kỳ cách mạng, Đảng ta đã luôn quan tâm xây dựng, củng cố, phát triển khối đại đoàn kết dân tộc và đề ra chủ trương, chính sách phù hợp với từng thời kỳ cụ thể của cách mạng, từng bước phát triển và hoàn chỉnh đường lối, quan điểm về vấn đề dân tộc. Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách đầu tư trực tiếp cho đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó nhà nước đã đầu tư hàng nghìn tỷ đồng vào khu vực Tây Nguyên, nhất là giai đoạn 2021 - 2025; nhiều dự án về đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số; bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch; chăm sóc sức khỏe nhân dân, nâng cao thể trạng, tầm vóc người dân tộc thiểu số các tỉnh Tây Nguyên đã và đang đem lại kết quả tích cực. Đây là một thực tế mà nhiều tổ chức quốc tế, nhiều nước trên thế giới và đông đảo nhân dân cả nước và đồng bào các dân tộc thiểu số đều ghi nhận và đánh giá cao. Hoàn toàn không có cái gọi là “chính quyền đàn áp dân tộc thiểu số”, “chính quyền cướp đất của dân nên mới dẫn tới vụ việc phản kháng trên”!

          Bản chất của vụ khủng bố xảy ra tại huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk đang được cơ quan chức năng làm sáng tỏ tại phiên tòa, 100 kẻ vi phạm pháp luật sẽ phải đối diện với luật pháp, bà con dân tộc Tây Nguyên và nhân dân cả nước. Do đó, chúng ta cần tin tưởng vào sự nghiêm minh của pháp luật, tuyệt đối không tin vào những luận điệu sai trái, thù địch xuyên tạc bản chất vụ án!

KHÔI NGUYÊN