Không thể đổ lỗi sai phạm của cá nhân cho tập thể

15/04/2024
Thời gian qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở nước ta đã đạt được những kết quả rất quan trọng. Với tinh thần “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai và không chịu sức ép của bất kỳ cá nhân nào”; một bộ phận cán bộ, đảng viên, trong đó có không ít cán bộ cấp cao đã bị xử lý, kỷ luật, thậm chí đưa ra xét xử nghiêm minh trước pháp luật.

Lợi dụng vấn đề trên, một số kẻ cơ hội, thù địch đã cố tình xuyên tạc, lợi dụng “cá nhân” để bôi nhọ “tập thể”, đồng thời tung ra nhiều luận điệu sai trái trên không gian mạng chống phá công tác cán bộ và công tác phòng, chống tham nhũng của Đảng, Nhà nước ta!

Đối với công tác cán bộ, một số luận điệu xuyên tạc đã lợi dụng sai phạm của cá nhân để đánh đồng thành bản chất của bộ máy công quyền, năng lực, trình độ của những cán bộ đứng đầu, làm giảm sút niềm tin của nhân dân đối với cán bộ và bộ máy nhà nước. Từ sai phạm của cá nhân, họ đổ lỗi cho Đảng, cho Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta. Rõ ràng họ đã lấy cái đơn nhất để đổ lỗi cho cái chung, lấy “một người” để suy đoán ra cả tập thể. Đây là những lập luận thiếu khách quan và mang tính thù địch sẵn có của các âm mưu xuyên tạc, chống phá Đảng, Nhà nước. Hiện nay, công cuộc đổi mới của đất nước là chưa có tiền lệ nên chắc chắn không thể tránh khỏi những thiếu sót, vấp váp, nhất là trong công tác lãnh đạo, quản lý của đội ngũ cán bộ lãnh đạo các cấp. Trong đội ngũ đông đảo cán bộ, đảng viên, nhất là những cán bộ đứng đầu ban, bộ, ngành trung ương cũng sẽ không tránh khỏi việc có những người mắc phải những khuyết điểm, thiết sót, sai lầm. Để hạn chế những khuyết điểm, thiết sót, sai lầm từ nguyên nhân chủ quan của cán bộ; Đảng, Nhà nước ta đã có những chế tài mạnh mẽ để quản lý, giáo dục, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên vi phạm. Hơn nữa, mỗi cán bộ, đảng viên trong bộ máy nhà nước đều phải trải qua quá trình phấn đấu rèn luyện để đạt được những tiêu chí, tiêu chuẩn về phẩm chất đạo đức, trình độ, năng lực nhất định. Đồng thời công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII, XIII); các quy định cụ thể về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên; Quy định số 37-QĐ/TW, ngày 25/10/2021 của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XIII) về những điều đảng viên không được làm… là những nỗ lực của Đảng, Nhà nước nhằm ngăn ngừa, giảm thiểu những thiếu sót, hạn chế của đội ngũ cán bộ nói chung, lãnh đạo các cấp nói riêng.

Đối với công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng của Đảng, Nhà nước ta, các thế lực thù địch cho rằng “Chế độ một đảng cầm quyền độc tài đã đẻ ra tham nhũng và Đảng Cộng sản Việt Nam đã thất bại trước những kẻ tham nhũng”. Điều này hoàn toàn phi lý và phản ánh sai lệch công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng của Đảng, Nhà nước ta thời gian qua. Hiện nay, công tác phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam đã trở thành phong trào, thành xu hướng không thể đảo ngược được đông đảo nhân dân và các nước, các tổ chức lớn trên thế giới ghi nhận. Chỉ tính trong 10 năm qua (2012-2022); cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật hơn 2.700 tổ chức đảng, gần 168 nghìn đảng viên, trong đó có hơn 7.390 đảng viên bị kỷ luật do tham nhũng. Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, ủy ban kiểm tra Trung ương đã kỷ luật hơn 170 cán bộ cấp cao diện Trung ương quản lý, trong đó có 33 Ủy viên, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, hơn 50 sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang. Riêng từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng đến nay, đã kỷ luật 50 cán bộ diện Trung ương quản lý, trong đó có 8 Ủy viên, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, 20 sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang. Công tác điều tra, truy tố, xét xử được chỉ đạo quyết liệt, “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai”, tạo bước đột phá trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Những nỗ lực và quyết tâm trong phòng, chống tham nhũng của Việt Nam đã được quốc tế ghi nhận và đánh giá tích cực; đồng thời đã lấy lại niềm tin của đông đảo nhân dân đối với công tác “phòng chống giặc nội xâm” của Đảng.

Như vậy, việc bịa đặt, lợi dụng “cá nhân” để bôi nhọ “tập thể”, xuyên tạc công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng của Đảng, Nhà nước ta là rất đáng lên án. Mỗi công dân cần tỉnh táo, nhận diện đúng bản chất, không tin theo những luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch, đồng thời cần chủ động bác bỏ các luận điệu sai trái cho rằng đấu tranh phòng, chống tham nhũng, xử lý cán bộ, đảng viên sai phạm là “đấu đá nội bộ”, “phe cánh”!

QUỐC TUẤN