Lợi dụng việc cơ quan chức năng đang đẩy nhanh tiến độ điều tra, đưa một số “đại án” có liên quan đến sai phạm của một số tổ chức, cán bộ của nhà nước ra xét xử như sai phạm tại Công ty Việt Á, Tập đoàn FLC, Tân Hoàng Minh, Vạn Thịnh Phát, Sở Y tế Quảng Ninh và Công ty AIC…, mới đây, một số kẻ nhân danh “dân chủ” đã phát tán nhiều bài viết nhằm hạ thấp, xuyên tạc công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng, Nhà nước ta.
Một số bài viết đã cho rằng “tham nhũng ở Việt Nam là bản chất của chế độ”, “Đảng Cộng sản Việt Nam không thể phòng, chống tham nhũng”. Từ những lập luận đó, chúng cố tình gán ghép những sai phạm, tội lỗi của một số đảng viên vi phạm với bản chất của chế độ và đòi hỏi phải thay đổi chế độ để công tác phòng, chống tham nhũng có hiệu quả hơn. Không phải ngẫu nhiên mà các thế lực thù địch đưa ra các quan điểm trên, chung quy lại chúng muốn hạ thấp tính hiệu quả của công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực để phủ nhận vị trí cầm quyền, vai trò lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước ta. Bởi vì công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là một trong những nhiệm vụ quan trọng mà Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên. Hơn nữa, chúng muốn “đổ lỗi” cho Đảng vì không thể ngăn chặn sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một số cán bộ, đảng viên. Từ đó, chúng muốn “trong đánh ra, ngoài đánh vào” để tác động làm cho cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân mất niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng dẫn tới “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” theo mục đích của chúng.
Cần phải thấy rằng tham nhũng, tiêu cực của một bộ phận cán bộ, công chức nhà nước là một hiện tượng mang tính lịch sử, nó xuất hiện ở mọi chế độ xã hội chứ không riêng gì ở các nước xã hội chủ nghĩa như Việt Nam. Nếu như cán bộ, công chức nhà nước không có bản lĩnh, đạo đức, liêm chính, thiếu tu dưỡng, rèn luyện thì sẽ dễ dàng rơi vào suy thoái, tiêu cực mà một hình thức của nó là tham nhũng. Trong những năm gần đây, nhận thấy nguy cơ lan rộng của tham nhũng, tiêu cực trong một bộ phận cán bộ, đảng viên, công tác phòng, chống tham nhũng đã được Đảng xác định là vấn đề cấp bách, có nguy cơ ảnh hưởng đến sự tồn vong của chế độ và niềm tin của nhân dân đối với Đảng. Chính vì vậy, Đảng đã ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị, kết luận đối với công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Đồng thời Đảng đã lãnh đạo, chỉ đạo Quốc hội, Chính phủ cụ thể hóa nghị quyết, chỉ thị của Đảng thành chính sách, pháp luật của Nhà nước, góp phần đấu tranh đẩy lùi tình trạng tham nhũng, tiêu cực. Bên cạnh đó, Đảng, Nhà nước đã có nhiều quyết sách tiếp tục hoàn thiện và thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các giải pháp phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực, nhất là các quy định về công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình trong hoạt động của các cơ quan, tổ chức, đơn vị; kiểm soát có hiệu quả tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn; cải cách hành chính, đổi mới công tác quản lý; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức các cấp có đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Với quyết tâm chính trị đó của Đảng, Nhà nước, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã không có ngoại lệ, không có vùng cấm, bước đầu khắc phục được tình trạng “trên nóng, dưới lạnh” trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; số vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực được phát hiện, xử lý ngày càng tăng, kể cả những trường hợp tham nhũng, tiêu cực trong các cơ quan chống tham nhũng, tiêu cực. Nhiều cán bộ cấp cao của Đảng, Nhà nước, Quân đội, Công an… mắc phải tham nhũng, tiêu cực đã phải trả giá trước pháp luật mà diễn biến việc xét xử các đại án đang diễn ra trong những ngày qua là một minh chứng sinh động.
Kiên định con đường đã chọn, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý điều hành của Nhà nước,công tác phòng,chống tham nhũng, tiêu cực ở nước ta đã và sẽ đạt được kết quả như mong đợi, lấy lại niềm tin của nhân dân đối với đội ngũ cán bộ, đảng viên và dập tắt âm mưu của các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề tham nhũng, tiêu cực để chống phá!
MINH PHƯƠNG