Cần nhận thức rõ nền kinh tế thị trường ở Việt Nam

21/09/2024
Nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là thành quả lý luận và tổng kết thực tiễn của Đảng ta, là mô hình phát triển đặc thù của Việt Nam, phù hợp với điều kiện của giai đoạn quá độ lên chủ nghĩa xã hội và đặc điểm đất nước....

        Sau khi Bộ Thương mại Mỹ công bố về việc tiếp tục chưa công nhận quy chế kinh tế thị trường ở Việt Nam, nhiều trang mạng phản động đã đưa ra luận điệu sai trái, xuyên tạc đường lối phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam, cho rằng: Bộ Thương mại Mỹ chưa công nhận quy chế kinh tế thị trường ở Việt Nam “là do ảnh hưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với hệ thống tư pháp”, đồng nhất kinh tế thị trường với chế độ tư bản chủ nghĩa; đồng thời có những bài viết “thổi phồng” gây tâm lý hoài nghi, dao động, thiếu niềm tin trong một bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước ta!

         Cần phải khẳng định rằng, không thể đồng nhất kinh tế thị trường với chế độ tư bản chủ nghĩa. Cả lý luận và thực tiễn đã chứng minh, kinh tế thị trường xuất hiện trước khi chủ nghĩa tư bản ra đời, và nó tồn tại, phát triển cả sau chủ nghĩa tư bản. Kinh tế hàng hóa (giai đoạn thấp của kinh tế thị trường) cũng đã phát triển trong lòng xã hội phong kiến. Như vậy kinh tế thị trường là thành tựu chung của nhân loại, chủ nghĩa tư bản không phải là kẻ sáng tạo ra kinh tế thị trường. Hơn nữa, trong quản lý và điều hành đất nước, bất cứ quốc - dân tộc nào cũng lựa chọn và có quyền lựa chọn một mô hình quản lý, phát triển kinh tế - xã hội phù hợp với đặc điểm của đất nước mình. Hầu hết các nước Tây Âu và Bắc Mỹ lựa chọn mô hình kinh tế thị trường tự do; một số nước Tây - Bắc Âu lại lựa chọn mô hình kinh tế thị trường xã hội; mô hình kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa mà Trung Quốc lựa chọn xây dựng là chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc. Ở Việt Nam để phù hợp với hoàn cảnh, đặc điểm đất nước, tại Đại hội IX (năm 2001), Đảng ta chính thức đưa ra khái niệm kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, coi đó là mô hình tổng quát, là đường lối chiến lược nhất quán của Việt Nam trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Đây là mô hình mới trong lịch sử phát triển kinh tế và cũng là kết quả tìm tòi về lý luận, tổng kết thực tiễn của Đảng ta, mô hình phát triển đặc thù của Việt Nam. Cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: “Đưa ra quan niệm phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là một đột phá lý luận rất cơ bản và sáng tạo của Đảng ta, là thành quả lý luận quan trọng qua 35 năm thực hiện đường lối đổi mới, xuất phát từ thực tiễn Việt Nam và tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm của thế giới”.

         Liên quan đến kết luận của Bộ Thương mại Hoa Kỳ, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng nêu rõ: “Chúng tôi thất vọng về việc Bộ Thương mại Hoa Kỳ tiếp tục xác định Việt Nam là nền kinh tế phi thị trường. Mặc dù ghi nhận nhiều chuyển biến tích cực của nền kinh tế Việt Nam trong thời gian qua, quyết định này không phản ánh đầy đủ những nỗ lực và thành tựu to lớn của Việt Nam trong xây dựng và phát triển nền kinh tế thị trường đã được cộng đồng quốc tế ghi nhận”. Như vậy, việc chưa công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường của Bộ Thương mại Mỹ không hề liên quan đến cái gọi là “do ảnh hưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với hệ thống tư pháp” như các luận điệu chống phá của các thế lực thù địch! Thực tiễn đã chứng minh, gần 40 năm đổi mới, phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử; đất nước chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay. Việc phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta trong thời kỳ quá độ là tất yếu, và là thực tế hiện hữu ở nước ta. Trên thực tế, đến nay, đã có 72 quốc gia đã công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường. Các tổ chức quốc tế đều ghi nhận những bước tiến vượt bậc của kinh tế Việt Nam; đồng thời, Việt Nam đã tham gia nhiều Hiệp định thương mại tự do (FTA) chất lượng cao, khẳng định Việt Nam có đầy đủ cơ sở để được công nhận là nền kinh tế thị trường trong nền kinh tế tự do của thế giới.

         Nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là thành quả lý luận và tổng kết thực tiễn của Đảng ta, là mô hình phát triển đặc thù của Việt Nam, phù hợp với điều kiện của giai đoạn quá độ lên chủ nghĩa xã hội và đặc điểm đất nước. Rất nhiều quốc gia trên thế giới đã công nhận thực tế này và chắc chắn Hoa Kỳ trong tương lai sẽ phải công nhận nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta bởi căn cứ theo các tiêu chí cụ thể của luật pháp Mỹ, việc công nhận nền kinh tế thị trường đối với Việt Nam là thực tế khách quan và công bằng!

KHÔI NGUYÊN