PHÒNG CHỐNG “TỰ DIỄN BIẾN”, “TỰ CHUYỂN HÓA”: Nỗi đau Việt Á

17/01/2024
Những ngày đầu năm 2024, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đưa ra xét xử sơ thẩm vụ án xảy ra tại Công ty Việt Á. Trước đó Tòa án quân sự Thủ đô đã xét xử những người là quân nhân và một số bị cáo liên quan trong vụ án này, trong đó có Phan Quốc Việt, Chủ tịch Công ty Việt Á.

Đây là một vụ đại án thuộc diện Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo. Với quy mô, phạm vi ảnh hưởng rất lớn, liên quan đến nhiều Bộ, ngành, địa phương, với hàng trăm bị cáo và những người liên quan, còn bị hại thì không thể thống kê được. Hậu quả thì đặc biệt nghiêm trọng, cả ở mức thiệt hại về kinh tế, tài chính, lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, đặc biệt là sự tổn thất, mất mát lớn đội ngũ cán bộ các cấp. Do đã có sự phân cấp xét xử cho các Tòa án địa phương nên số bị cáo đưa ra xét xử sơ thẩm tại Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội và Tòa án quân sự Thủ đô là 44 bị cáo, với 6 nhóm tội danh, trong đó nổi bật là tội “vi phạm quy định về đấu thầu”, “lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, “đưa hối lộ” và “nhận hối lộ”

Cũng như đại án “Chuyến bay giải cứu”, vụ “Việt Á” cũng xảy ra trong bối cảnh đại dịch Covid-19 hoành hành dữ dội trên toàn thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. Cả nước, cả hệ thống chính trị phải tập trung gồng mình chống dịch với tinh thần “chống dịch như chống giặc”. Do đã có một quá trình thực hiện thủ tục điều tra, xác minh và các thủ tục tố tụng một cách công phu, cẩn trọng, bài bản và đã rút được những kinh nghiệm từ phiên tòa xét xử vụ án “Chuyến bay giải cứu”, nên cáo trạng của Viện kiểm sát nhân dân đã xác định chính xác tội danh,  tính chất, mức độ, hậu quả của cả vụ án cũng như của từng bị cáo. Vì vậy, các bị cáo đều phải “tâm phục, khẩu phục”, không có bị cáo nào ngoan cố như bị cáo Hoàng Văn Hưng tại phiên tòa sơ thẩm vụ “Chuyến bay giải cứu”.

Tuy nhiên, nỗi đau từ vụ án này lại ở những góc độ khác: Về mặt kinh tế: Gây thiệt hại lớn từ ngân sách Nhà nước, từ túi tiền của mỗi người dân, mỗi khi phải sử dụng Kít test của Việt Á, con số là hàng chục triệu người. Góc độ xã hội: Đó là sự bất bình, phẫn nộ của dư luận xã hội, ảnh hưởng đến niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ. Đây cũng là cái cớ để các thể lực phản động, thù địch triệt để lợi dụng để tuyên truyền, chống phá Đảng, Nhà nước ta. Có thể nói là đã vô tình “Nối giáo cho giặc”. Và cuối cùng tôi xin được nói đến một nỗi đau lớn nhất: Đó là tổn thất lớn đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ quản lý, lãnh đạo các cấp. Trong đó có 3 Ủy viên Trung ương Đảng (2 người là Bộ trưởng, 1 người là Bí thư tỉnh ủy). Phần lớn những người này đều được đào tạo công phu, bài bản, được rèn luyện, trưởng thành trong thực tiễn công tác, đã có bề dầy cống hiến, được Đảng, Nhà nước khen thưởng Huân, Huy chương.

Nhận thức được tội lỗi của mình với Đảng, với nhân dân và với gia đình, hầu hết các bị cáo đã tác động gia đình nộp lại những đồng tiền bất lương, bất chính để mong chuộc lại lỗi lầm, để được ghi nhận tình tiết giảm nhẹ, được hưởng sự khoan hồng của pháp luật. Những việc làm của họ là đáng được ghi nhận, xem xét. Song, một nỗi day dứt, một nỗi đau nhức nhối sẽ theo họ và gia đình họ đến cuối đời mà phải vài thế hệ mới có thể nguôi ngoai. Đó là: Đang từ đỉnh cao quyền lực, đỉnh cao vinh quang mà rơi xuống vực thẳm, xuống bùn đen. Bây giờ thì chỉ mong sao được trở thành một công dân bình thường, với đầy đủ quyền lợi, nghĩa vụ của một công dân đối với xã hội và đối với chính gia đình, vợ, con, cháu mình trong gia đình. Đó chính là luật nhân quả. Hy vọng đó là lời cảnh tỉnh nghiêm khắc đối với mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là người có chức, có quyền trong hệ thống chính trị của đất nước.

DƯƠNG NGUYÊN THÁI

                                                    Hội viên CCB phường Cầu Diễn, quận Nam Từ Liêm