Từ các phong trào thi đua, đã xuất hiện nhiều mô hình mới, cách làm hay, mang lại hiệu quả thiết thực cho tổ chức, công dân.
Người dân sử dụng mô hình ki-ốt tự phục vụ tại Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn để kết nối với hệ thống cơ sở dữ liệu bảo hiểm xã hội và thanh toán không dùng tiền mặt. Ảnh: Hiền Chi
Ghi dấu ấn mạnh mẽ
Ngay từ đầu năm 2024, UBND thành phố Hà Nội đã tập trung thực hiện các phong trào thi đua do Thủ tướng Chính phủ phát động như: “Đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; thực hành tiết kiệm chống lãng phí”, “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”, “Doanh nghiệp Việt Nam hội nhập và phát triển”, “Vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”… Bên cạnh đó, thành phố đã phát động và triển khai các phòng trào thi đua, như: “Kỷ cương hành chính”, “An toàn thực phẩm”, "Xây dựng nông thôn mới”, “Người tốt, việc tốt”... chào mừng kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024) và 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024)...
Kết quả hưởng ứng các phong trào thi đua của các địa phương, đơn vị đã tạo chuyển biến mạnh mẽ, ghi dấu ấn trong dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô. Trong nhiệm vụ đầu tư xây dựng, tiêu biểu như dự án đường trục phát triển kinh tế huyện Thanh Oai với tổng mức đầu tư gần 525 tỷ đồng được đánh giá là hình mẫu đột phá, tạo thêm hạ tầng nhằm phát triển đồng đều giữa các địa phương. Tuyến đường dài 6,5km, đi qua địa bàn các xã Thanh Thùy, Thanh Văn, Tam Hưng và thị trấn Kim Bài. Hiện tại dự án đã hoàn thành 90% khối lượng công việc. Ngoài ra, Hà Nội cũng đang tập trung triển khai 3 dự án quan trọng ở phía Nam thành phố, góp phần hoàn thiện hạ tầng giao thông theo quy hoạch, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô.
Điểm nổi bật nữa là 100% cơ quan, đơn vị thuộc thành phố đăng ký sáng kiến, giải pháp cải cách hành chính, tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về công tác cải cách hành chính. Năm 2024, Hội đồng Sáng kiến thành phố đã xét, đánh giá và công nhận 1.692 sáng kiến, đề tài khoa học của các cá nhân thuộc các sở, ngành, quận, huyện, thị xã và các đơn vị. Trong triển khai thực hiện phong trào thi đua đã có nhiều tấm gương tiêu biểu, có đóng góp tích cực trong việc nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả công tác của các đơn vị, doanh nghiệp, được thành phố biểu dương, tôn vinh. Từ đầu năm 2024 đến nay, Chủ tịch UBND thành phố đã quyết định tặng danh hiệu “Người tốt, việc tốt” cấp thành phố cho gần 700 cá nhân. Các cấp cơ sở đã tặng danh hiệu “Người tốt, việc tốt” cấp cơ sở cho hơn 4.000 cá nhân.
Nhiều mô hình thiết thực
Gần một năm qua, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn (Sở Y tế Hà Nội) đã triển khai mô hình ki-ốt tự phục vụ. Với mô hình này, người dân khi đến bệnh viện có thể đăng ký lấy số thứ tự đợi thăm khám một cách dễ dàng, nhanh chóng. Ưu điểm vượt trội nữa là thông tin được kết nối với hệ thống dữ liệu quốc gia về dân cư và hệ thống cơ sở dữ liệu bảo hiểm xã hội; cho phép thanh toán không dùng tiền mặt bằng nhiều hình thức… Đối với các bác sĩ tại bệnh viện, việc tra cứu thông tin bệnh nhân cũng trở nên nhanh gọn, thuận tiện.
Theo Tiến sĩ, bác sĩ Lương Đức Dũng, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, trước đây, khâu tiếp đón bệnh nhân mất 5-10 phút, nay ứng dụng chuyển đổi số, việc này chỉ mất 10 giây. Theo đó, số lượt người khám bệnh tăng tương ứng từ khoảng 2.000 lượt/ngày trước đây lên hơn 3.300 lượt (ngày cao điểm) nhưng mọi việc vẫn trôi chảy.
Cũng xuất phát từ mong muốn tạo thuận lợi cho người dân, UBND quận Tây Hồ đã triển khai mô hình “Song ngữ hóa tài liệu trong giải quyết thủ tục hành chính lĩnh vực tư pháp - hộ tịch”. Năm 2024, quận Tây Hồ đã lựa chọn đây là một trong 5 mô hình gửi dự thi “Tìm kiếm ý tưởng, sáng kiến trong công tác cải cách hành chính” của thành phố. Cụ thể, mô hình này được thực hiện song ngữ Anh - Việt đối với 3 tài liệu là biểu mẫu (tờ đăng ký khai sinh có yếu tố nước ngoài; tờ đăng ký kết hôn có yếu tố nước ngoài; tờ khai đăng ký khai tử có yếu tố nước ngoài) và 3 tài liệu hướng dẫn, tập trung vào các nội dung: Thành phần hồ sơ công dân phải nộp theo quy định của pháp luật; những lưu ý về giấy tờ hồ sơ; chỉ dẫn cho công dân các địa chỉ cần đến để hoàn thiện giấy tờ… Nhờ đó, công dân nước ngoài có thể hiểu và tự khai. Công chức cũng có thêm thời gian để tiếp đón và giải quyết hồ sơ cho công dân khác.
Phó Chủ tịch UBND quận Tây Hồ Bùi Thị Lan Phương cho biết: “Hiện nay, UBND quận Tây Hồ là đơn vị đầu tiên triển khai mô hình này. Ngoài việc mang lại hiệu quả trong công việc, sự hài lòng cho công dân, UBND quận còn xây dựng được mối quan hệ rất tốt với các đại sứ quán và tạo góc nhìn thiện cảm từ công dân nước ngoài đối với nền hành chính thân thiện, chuyên nghiệp”.
Theo Trưởng ban Thi đua - Khen thưởng thành phố Hà Nội Nguyễn Công Bằng, thời gian qua, các phong trào thi đua của thành phố đã tập trung vào những việc mới, việc khó. Hiệu quả rõ nét là các cấp, ngành, địa phương, cá nhân đều tích cực tham gia và đã có nhiều mô hình mang lại hiệu quả thiết thực, ngày càng lan tỏa rộng hơn trên địa bàn thành phố.
Theo HNMO