MỘT LẦN ĐƯỢC ĐÓN BÁC HỒ

10/01/2024
Với những thành tích đạt được là lá cờ đầu tiên tiến xuất sắc trong phong trào hợp tác xã nông nghiệp, ngày 11-12-1961 nhân dân xã Yên Trường, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa tự hào và vui mừng được đón Bác Hồ về thăm.

Hồi đó tôi đang là học sinh cấp II Yên Phong (cả huyện chỉ có một trường cấp II) và may mắn trong đời tôi đã có mặt trong mít tinh đón Bác Hồ muôn vàn kính yêu. Có thể nói, may mắn đó không dễ dàng đến với bất cứ ai và cũng là ước ao của rất nhiều người dân Việt Nam!

Vì vậy, niềm vui hân hoan, lòng tự hào, hạnh phúc, khung cảnh tưng bừng trang nghiêm của buổi mít tinh đón Bác Hồ và hơn cả là tình cảm thân thương ân cần gần gũi và hình ảnh Người khi đó không thể phai mờ trong ký ức tôi suốt cả cuộc đời.

Đã 62 năm nay dù mải mê trong học tập, xông pha chiến đấu với giặc Mỹ và bè lũ tay sai ở chiến trường miền Nam gian khổ ác liệt, say mê công việc nghiên cứu khoa học và công tác ở nhiều cương vị khác nhau và giờ tôi đã về hưu thì kỷ niệm về một lần được cùng quê hương đón Bác Hồ hiện về như mới ngày hôm qua.

Mặt trời buổi sáng mùa Đông vừa nhô khỏi lũy tre làng tỏa ánh nắng ấm áp khắp cánh đồng, hòa cùng không khí nô nức rợp trời cờ hoa của đông đảo bà con nông dân quê tôi đón Bác Hồ kính yêu xua tan hết cái lạnh giá cuối Đông. Hơn 8 giờ sáng, chiếc máy bay trực thăng từ phía Thị xã đưa Bác đáp xuống cánh đồng chuẩn bị được trồng bông của HTX. Ba chân máy bay từ từ đỗ vào đúng 3 vòng tròn được khoanh bằng vôi trắng trên mặt ruộng bằng phẳng.

Bác xuất hiện trước cửa máy bay tươi cười, nhanh nhẹn bước xuống cầu thang. Với bộ quần áo gụ, ngoài khoác chiếc áo len màu ghi, cổ quàng chiếc khăn len màu xám, chân đi tất trắng cùng đôi dép cao su thật giản dị, gần gũi với người nông dân còn lắm vất vả miền quê tôi. Với nụ cười tươi vui, ánh mắt đôn hậu, chìu mến, Bác vẫy tay chào nhân dân lúc đó in đậm trong tâm trí tôi dù thời gian có lùi xa bao lâu. Cả không gian bao la của vùng quê tôi như bừng lên niềm hân hoan không kể xiết.

Tiếng hô vang trời:

Hồ Chủ tịch muôn năm !

Đảng Lao động Việt Nam muôn năm !

Việt Nam hòa bình thống nhất muôn năm !

Tiếng hô khẩu hiệu có lúc nghẹn trào xen với những giọt nước mắt sung sướng vô hạn của bà con nông dân khó tả nên lời. Bác ung dung bước lên lễ đài thân mật nói chuyện với nhân dân. Bác ân cần hỏi thăm, chúc sức khỏe các cụ phụ lão, bà con xã viên, công nhân Công trường Nam sông Mã. Trạm máy kéo Yên Trường và các tầng lớp nhân dân huyện nhà.

 Bác Hồ nói chuyện về cách làm ăn tập thể, cơ giới hóa, tăng gia sản xuất, trồng cây gây rừng, tiết kiệm chống lãng phí, xây dựng quê hương mới, về chăm lo học hành cho con cháu, thực hành dân chủ, đoàn kết nội bộ Đảng và chính quyền; về chăm lo cuộc sống các gia đình thương binh liệt sĩ, các cụ già, trẻ nhỏ, vệ sinh phòng bệnh, trồng hoa ở trường học, nghĩa trang liệt sĩ, đền ơn đáp nghĩa...

Bác nói một cách dễ hiểu về việc nước việc nhà, việc trong nước việc quốc tế, việc chung việc cá nhân, việc to việc nhỏ một cách gẫy gọn dễ hiểu người nghe dù độ trình nào cũng tiếp tục thu được... Cả rừng người im phăng phắc chú ý lắng nghe như nuốt lấy từng lời Bác dạy.

 Hồi sau, như hiểu thấu hết lòng người dân Yên Định, Bác hỏi:

- Bà con có được thường xuyên đi Thanh Hóa (Thị xã), thăm cầu Hàm Rồng không? (khi đó cầu Hàm Rồng làm lại vừa mới Khánh thành). 

Hầu như tất cả trả lời: Không ạ! Bác hỏi tiếp:

- Bà con có muốn ra thăm Thủ đô Hà Nội không?

Tất cả chúng tôi đồng thanh: Có ạ!

Và tĩnh lặng đi vài giây như chia sẻ nỗi niềm sâu lắng của nhân dân, Bác nói:

- Cố gắng thi đua tăng gia sản xuất, xây dựng HTX lớn mạnh, cùng cả nước kiến thiết Tổ quốc giàu đẹp, đấu tranh thống nhất nhà nước, Bắc Nam sum họp, lúc đó bà con tha hồ đi thăm thú các nơi  của Đất nước, ra Thủ đô Hà Nội!

Bà con vỗ tay không ngớt, tỏ niềm vui sướng và tin tưởng.

Bác biểu dương, khen ngợi những tấm gương lao động giỏi của HTX như chị An, anh Minh là gái trai Đại Phong của xã; cụ Bồng lão nông trồng cây giỏi.  Bác cũng phê bình, nhắc nhở cán bộ địa phương về những non kém, thiếu sót trong lãnh đạo. Ai nấy đều xúc động, nghẹn ngào trước sự ân cần dạy bảo, lo lắng đến tất cả mọi việc, mọi nhà, mọi người, mọi tầng lớp nhân dân của Bác.

Là Chủ tịch nước, Chủ tịch Đảng với bao việc lo toan lớn lao của quốc gia đại sự ấy vậy mà Bác Hồ của chúng ta vẫn quan tâm cặn kẽ tình hình cụ thể, chi tiết của địa phương, hiểu rõ những suy nghĩ, ước nguyện của từng người nông dân quê tôi. Bác Hồ là lãnh tụ hiếm có trên thế giới.

Nói chuyện với nhân dân xong. Bác xuống lễ đài đến bên khối học sinh thiếu nhi chúng tôi lúc đó được ngồi trên cùng. Bác khen và căn dặn: “các cháu phải học hành chăm chỉ hơn, trở thành con ngoan trò giỏi rồi Bác lại về thăm”. Bác bắt nhịp cho chúng tôi hát bài Kết đoàn. Tôi và một số bạn hạnh phúc được gần Bác chỉ khoảng vài ba mét, được ngắm nhìn Bác rất rõ.

Trông khuôn mặt Bác thật phúc hậu, cử chỉ, ánh mắt của Người trước các cháu thật thân thương như người ông của mỗi chúng tôi. Hình Bác ngồi thấp xuống cùng vỗ tay và hát với chúng tôi, vầng trán cao, mái tóc bạc, chòm râu dài, nụ cười tươi, ánh mắt sáng, cái nhìn ấm áp toát lên một thứ tình cảm hiếm thấy đặc biệt vừa thân mật, gần gũi, vừa bao la mênh mông siêu phàm đã khắc sâu trong tôi một biểu tượng đẹp đẽ khó quên có một  không hai trên thế gian này.

Hết bài hát, Bác nói:

- “Các cháu ngồi yên tại chỗ, Bác vào thăm hỏi các cụ phụ lão, rồi ra Bác nói chuyện tiếp”.

Biết Bác không có thời giờ nên chưa được một phút, chúng tôi đứng dậy ào lên chạy theo chân Bác vào Đội trồng cây của các cụ. Vì ai cũng muốn nán lâu để được ngắm nhìn Bác nhiều hơn. Khi Bác ra máy bay để về, các cụ phụ lão biếu Bác một cành cam rất đẹp chín vàng, trĩu quả sum suê đến vài chục quả. Cảm động thực sự tấm lòng của các cụ, Bác nói: "Các cụ trồng cây đến ngày hái quả, được các cụ tặng cam, tôi rất cảm ơn tấm lòng yêu quý của các cụ. Tôi xin nhận một quả làm quà, còn lại để các cụ tẩm bổ sức khỏe” !

Sau này, nhất là khi đã lớn khôn, rất nhiều lần ngẫm nghĩ lại các chi tiết ngôn từ Bác dùng, cách ứng xử đẹp đẽ bao la tình người, đầy chất nhân văn cao cả, đậm đà đạo lý con người phương Đông, chan chứa bản sắc văn hóa Việt Nam của Bác với nhân dân lúc đó toát lên nhân cách đặc biệt vừa giản dị vừa vĩ đại, vừa hiện hữu vừa siêu phàm thật khó lý giải. Hình ảnh Bác tay cầm quả cam chín vàng, hài lòng, ung dung tự tại, vừa đi vừa vẫy tạm biệt bà con xã viên Hợp tác xã Yên Trường thật đẹp. Bác bước lên cầu thang máy bay. Bác bịn rịn đứng hồi lâu trước cửa máy bay vẫy chào bà con. Chiếc máy bay từ từ nâng cao, lượn một vòng chào bà con đang ngước mắt lưu luyến tiễn Bác, sau đó nhằm hướng thị xã.

 Máy bay bé dần, còn như một chấm nhỏ trên bầu trời bao la rồi khuất sau rặng tre, nhưng bà con vẫn còn bần thần điều gì, nuối tiếc điều gì không muốn ra về. Chắc chắn sau ngày đón Bác về thăm, mỗi người đều lưu lại cho mình một cảm xúc riêng, cách suy tư riêng, tình cảm riêng. Riêng tôi, lưu giữ, ôm trọn kỷ niệm hiếm hoi quý giá có 1 không 2 vào ký ức trong sáng tuổi học trò trường làng và 6 năm sau tôi đem theo làm hành trang lên đường ra mặt trận.

Khu Năm (chiến trường B1) Nam – Ngãi – Bình - Phú là mặt trận “ác liệt có tiếng" hồi đó tôi đã chiến đấu năm sáu năm trời. Tôi tự hào được là lính Sư đoàn 3 bộ binh Sao Vàng, Quân khu Năm anh hùng. Bị thương ra Bắc, về Trường văn hóa Quân khu Tả Ngạn học hết cấp III phổ thông rồi vào đại học, nhận công tác tại cơ quan của TW Đảng, nay đã về hưu được 14 năm. Tôi vui mừng là thành viên Chi hội 27, Hội Cựu chiến binh phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội. Chúng tôi luôn phấn đấu, nhắc nhở nhau làm tròn nhiệm vụ hội viên Cựu chiến binh Việt Nam, mãi mãi xứng đáng là người lính Cụ Hồ. Kỷ niệm lần duy nhất được đón Bác Hồ, ngắm nhìn Bác thật gần hôm đó như một phần thưởng lớn lao với cuộc đời tôi. Niềm tự hào đó mỗi lần kể ra, nhất là với đồng đội ngoài mặt trận năm xưa, khiến nhiều người phát ghen tị. Bởi vì trong đời không phải ai cũng được một lần gần Bác. Đã hơn 60 năm trôi qua rồi, hình ảnh về Bác lại hiện lên trong tâm khảm tôi, mọi chi tiết sống động của buổi mít tinh hôm đó như vừa đang diễn ra vậy.

Hôm nay 22/12/2023, trong niềm phấn khởi và tự hào Chi hội 27 Cựu chiến binh chúng tôi lại gặp mặt kỷ niệm 79 năm ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam (1944-2023). Tiết trời tháng 12 lạnh nhưng khô ráo phù hợp cho dân Hà Nội khoe sắc đẹp áo khoác mùa Đông. Đường phố nhộn nhịp, gió mùa thổi qua con ngõ nhỏ hẹp, cuộn đống lá khô xào xạc dưới hàng cây khiến tôi chạnh lòng nhớ đến Hồi ức năm xưa. Kỷ niệm được đón Bác Hồ ngày 11/12/1961 lại ào đến thúc dục tôi ngồi viết nên dòng Ký ức thiêng liêng này.

Hồi tưởng lại khung cảnh buổi mít tinh đúng tiết trời lạnh của tháng 12 năm ấy làm tôi bồi hồi xúc động trước hình ảnh Bác Hồ kính yêu. Mỗi cử chỉ, ánh mắt, giọng nói, phép ứng xử, nụ cười, bước đi, lời khen, khi phê bình, điều dặn dò, nhắc nhở, khi nhận quà, ngôn từ, cách ăn mặc của Bác Hồ đều toát lên tầm cao của một Danh nhân văn hóa thế giới, Anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hóa lớn, bậc cách mạng lỗi lạc, một nhân cách cao đẹp, lãnh tụ kính yêu, một tấm gương đạo đức trong sáng. Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Bác để lại cho nhân dân ta từ già trẻ, trai gái, từ dân thường đến cán bộ, đảng viên, nhất là các Cựu chiến binh chúng ta rèn luyện, học tập, làm theo suốt đời.

Đồng chí Trịnh Xuân Thủy, tỉnh ủy viên, Bí thư huyện ủy Yên Định và đồng chí Hoàng Bá Trường, Phó ban Thường trực Ban Tuyên giáo tỉnh ủy trao khen thưởng cho các tập thể có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua xây dựng đơn vị kiểu mẫu theo lời dạy của Bác. Ảnh Internet

Trịnh Đình Bẩy

Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội, Tháng 12-2023