Đón Tết trên đất bạn Lào

16/02/2024
Trong kháng chiến chống Mỹ, tôi có nhiều năm đón tết Nguyên đán trên đất bạn Lào, nhưng nhớ nhất vẫn là hai cái tết Mậu Thân và Kỷ Dậu.

        Xuân 1968, tôi tham gia chiến dịch Quyết Thắng ở Nậm Bạc (Lào) trong đội hình đại đội vận tải bộ Ba Vì, thuộc trường Lái xe, Cục Hậu cần, Quân khu Tây Bắc (cũ).

         Khi chúng tôi qua biên giới (bản Ta Lét, xã Mường Lói, huyện Điện Biên, tỉnh Lai Châu – chưa chia tách), mỗi chiến sĩ, ngoài trang bị cá nhân: quân trang, vũ khí, còn phải gánh 2 tải xoong, nồi mới, cùng lương thực, thực phẩm đủ cho những ngày hành quân trên đường.

         Ròng rã nửa tháng trời, ngày đi đêm nghỉ trên những con đường mòn, phần lớn là đường mới mở để giữ bí mật. Nhiều đoạn đèo cao dốc đứng, nhìn lên thấy đoàn quân đi trước như đi trong làn hơi bay quanh, hòa quện con người với cây cối, núi rừng, lúc ẩn, lúc hiện. Lên cao, phóng tầm mắt lại tưởng mình đang đứng trước biển đảo, mà biển là hơi sương đặc quánh, đảo là những ngọn núi tầy, nhọn, cao, thấp lô nhô trong cái biển hơi đó.

         Trong đời bộ đội thời chiến, ai không một lần đi chiến dịch cũng là một thiệt thòi. Bữa ấy trên đường hành quân, đơn vị hạ trại nấu cơm ở bìa rừng. Được chứng kiến cảnh đoàn quân ra mặt trận, mới thấy câu: “Quân đi như nước” quả không sai! Cứ kìn kìn, kìn kìn, đoàn nọ nối đoàn kia, tưởng như không bao giờ dứt. Một đồng đội buột miệng: “Gửi nhà cho ai mà kéo nhau sang lắm thế!”

         Một cậu lính trẻ rời đội hình, sà vào bếp lửa tranh thủ hơ ấm cho đôi tay, nghe thấy tôi nhắc anh nuôi: “Sao không đậy phẫn vào cho khỏi bụi”, liền nói: “Anh đúng người Hà Tây! Chính xác luôn là dân Hà Đông”.

         Tôi ngạc nhiên: “Thánh nhỉ! Cậu nhìn người hay nghe giọng nói?”

         “ Cả hai đều không phải. Anh không thấy: Cả miền Bắc, người ta đều gọi nắp nồi, vung xoong. Chỉ mỗi dân Hà Đông nhà anh là gọi bằng “phẫn”.

         Cậu ta đã cuốn theo đoàn quân mà tôi vẫn còn lẩm bẩm một mình: “ Đúng là lính trẻ suy luận già!”.

         Địa điểm tập kết của đơn vị là bản Mường Buồm (huyện Bắc Bạc, tỉnh Nậm Bạc) bạt ngàn những cây cam quý, lưu niên. Nghe nói những vườn cam này là của Nhà vua, chẳng rõ thực, hư ra sao. Chỉ biết rằng lệnh trên phổ biến: Ta đã đổi muối cho Bạn, nên bộ đội được phép ăn.

         Tập kết hôm trước, hôm sau bắt tay ngay vào làm nhiệm vụ. Được khoảng mươi ngày thì đến tết Nguyên đán. Vì không phải trực tiếp chiến đấu, nên đơn vị được nghỉ ngày mùng một. Mãi đến bây giờ tôi vẫn còn nhớ như in hình ảnh Chính trị viên Hối sáng mùng một tết, đứng trên nhà sàn của dân đi sơ tán, mừng tuổi mỗi chiến sĩ 1 điếu thuốc lá, đem theo từ bên nước ta sang.

         Ai đã từng nếm cảnh chuyền tay nhau hút chung 1 điếu thuốc mới thấy giá trị của điếu thuốc “mừng tuổi” này như thế nào, nhất là trong hoàn cảnh suốt 15 ngày trèo đèo, lội suối, vượt dốc, băng rừng, bộ đội thiếu thốn trăm bề. Đến ngọn rau xanh còn thèm, nói gì đến thuốc lá. Điêu thuốc mang nặng tình cảm cán – binh ngày ấy tuy nhỏ, quá nhỏ là đằng khác. Vậy mà cứ lưu dấu trong ký ức của tôi suốt từ đó đến giờ, hơn nửa thế kỷ vẫn không hề phai.

         Một cái tết nữa ở chiến trường cũng khiến tôi nhớ lâu, đó là trong chiến dịch Toàn Thắng ở Xiêng Khoảng (Lào) mà địch gọi là chiến dịch “Cù kiệt” tức Cứu lấy danh dự.

         Trong những ngày giáp tết Kỷ Dậu – 1969, Tiểu đoàn 44 cao xạ (37ly) thuộc Quân khu Tây Bắc cũ, được lệnh kéo pháo từ Hà Tây vào Thanh Hóa rồi sang Lào bắn máy bay Mỹ. Còn tôi thì làm nhiệm vụ lái xe Gát 69 (đít vuông) chở tổ đài 15W, trong đội hình tiểu đoàn.

         Khi ấy tâm trạng tôi lái xe qua cầu Hàm Rồng, thần kinh căng thẳng. Tôi phải tập trung “đi ga” thật ổn định và căn đường thật chuẩn, không để bánh xe trèo lên đường ray tầu hỏa, nhỡ trục trặc giữa cầu – trong lúc máy bay Mỹ kéo đến thì rất nguy hiểm. Cầu Hàm Rồng trong chiến tranh phá hoại trông như một khung sắt xấu xí, nham nhở. Đầu cầu bờ Nam có hai khẩu hiệu “Quyết thắng”, “Quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược” chữ to, mầu trắng bên sườn hai quả núi, như tiếp thêm sức mạnh tinh thần cho cả người đang chống chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ ở miền Bắc, lẫn người ra tiền tuyến đi giải phóng miền Nam.

         Qua khỏi cầu là đến khu Nam Ngạn. Nhiều nhà bị tường đổ, mái xiêu, có chỗ nhìn trắng phốc như một khu lò vôi. Vậy mà vẫn có một trung đội nữ dân quân Nam Ngạn kiên cường bám trụ, với những cái tên như Trung đội trưởng Nguyễn Thị Hằng, đội viên Ngô Thị Tuyển, một mình vác trên vai 2 hòm đạn nặng tới cả trăm cân như báo đài ngày ấy vẫn ca ngợi.

         Đúng đêm 30 tết Kỷ Dậu – 1969 Tiểu đoàn 44 đưa pháo qua cửa khẩu Na Mèo, huyện Quan Hóa (ngày ấy chưa có huyện Quan Sơn) vượt đèo Ba Bông, huyện Na Khao, tỉnh Sầm Nưa của nước bạn Lào. Phải kéo pháo vượt đèo vào ban đêm, trong điều kiện hạn chế ánh sáng (đi đèn gầm) để tránh bị máy bay Mỹ phát hiện là công việc đầy khó khăn và nguy hiểm. Tôi đã đưa tổ đài 15W đến địa điểm tập kết an toàn thì có lệnh của thủ trưởng tiểu đoàn: Chở móc kéo dự phòng cùng với thợ sửa chữa, quay lại đèo, nơi xẩy ra sự cố: một xe kéo pháo bị tụt móc kéo, đang nằm chờ sửa chữa.

         Việt Nam mình có câu: “Tối như đêm 30”, mà lại là đêm 30 cuối năm ở nơi núi rừng lại càng tối, đúng là trời “tối như hũ nút”.  Trời đã về khuya! Khi ấy, tôi cũng chẳng còn tâm trí đâu để nghĩ đến chuyện giờ này ở quê nhà, mọi người đang sum vầy bên nồi bánh chưng. Còn mình thì cứ phải căng mắt ra để lái xe lên dốc, xuống đèo, chạy tới, chạy lui giữa núi rừng nơi nước người…Mà, chỉ mong sao sự cố sớm được khắc phục, để còn quay về địa điểm tập kết cùng đơn vị. Lúc xong việc, tôi trở về thì mọi người đã ngủ say, chỉ còn lại bộ phận trực gác.

         Bữa cơm mồng một tết năm ấy, bộ đội vẫn được ăn miếng giò nạc – món đầu vị trong mâm cỗ thời bấy giờ. Thì ra lính pháo đã lấy mũ sắt để giã giò, còn lợn thì xe hậu cần chở từ bên nước ta sang.

         Sau 2 chiến dịch, tôi đều được Bộ Tư lệnh Quân khu Tây Bắc tặng Bằng khen. Mỗi Bằng khen lại kèm theo 2 huy hiệu “Quyết Thắng” và “Quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược” (có giấy chứng nhận).

         Đã 54 – 55 năm trôi qua. Lại một cái tết Nguyên đán nữa sắp đến. Đất nước vào Xuân trong vị thế “Chưa bao giờ có được một cơ đồ như hôm nay”. Lòng tôi bồi hồi nhớ lại những cái Tết, những mùa Xuân ở chiến trường trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đầy gian khổ ác liệt, nhưng cũng thật hào hùng. Đúng như cố nhạc sĩ Trần Hoàn đã viết:“Mùa Xuân người cầm súng. Lộc giắt đầy quanh lưng. Mùa Xuân người ra đồng. Lộc trải dài nương lúa”...

NGUYỄN VĂN CỰ