PHÁT HUY VAI TRÒ CCB TRONG “BẢO VỆ NỀN TẢNG TƯ TƯỞNG CỦA ĐẢNG TRÊN LĨNH VỰC VĂN HÓA, VĂN NGHỆ Ở THỦ ĐÔ”

30/09/2024
.

Thiếu tướng Lê Như Đức, Ủy viên Thường vụ Hội CCB Việt Nam, Chủ tịch Hội CCB thành phố Hà Nội chụp ảnh lưu niệm cùng nhân dân phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân trong ngày Hội đại đoàn kết tuàn dân tộc.

Chương trình văn nghệ chào mừng Đại hội thi đua "CCB gương mẫu" quận Hoàng Mai, giai đoạn 2019 - 2024. 

Hội Cựu chiến binh thành phố Hà Nội có số lượng và chất lượng cao nhất toàn quốc. Hiện nay, Hội Cựu chiến binh Thành phố có trên 28 vạn cán bộ, hội viên, trong đó có trên 15.000 hội viên là cán bộ cao cấp, trên 500 hội viên là cán bộ cấp tướng; có hơn 2.000 cán bộ, hội viên nguyên là cán bộ quản lý hoạt động văn hóa, văn nghệ, nhạc sĩ, ca sĩ, nhà thơ, nhà văn, nghệ nhân đã được tôi luyện trong chiến đấu, rèn luyện và trưởng thành qua khói lửa của các cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc và sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc ngày nay. Nhiều cán bộ, hội viên đã có đóng góp xuất sắc cho nền văn hóa, văn nghệ của Đảng, của dân tộc, đặc biệt trong các cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc, trở thành sức mạnh chính trị, tinh thần to lớn chiến thắng mọi kẻ thù được lịch sử Lưu danh. Trở về với đời thường tiếp tục tham gia hoạt động ở các câu lạc bộ văn hóa - văn nghệ cựu chiến binh từ Thành phố đến quận, huyện, phường, xã phục vụ nhân dân, xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư.

Văn hóa, văn nghệ là một trong lĩnh vực mà các thế lực thù địch, phản động cùng những phần tử cơ hội thường xuyên lợi dụng để chống phá cách mạng nước ta. Vì thế, nhận diện và tăng cường đấu tranh với quan điểm sai trái, thù địch trên lĩnh vực nhạy cảm này là vấn đề quan trọng, cấp thiết hiện nay, đòi hỏi các cấp, các ngành, cả hệ thống chính trị tham gia đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng, quản lý, điều hành của Nhà nước và chính quyền các cấp.

Khi bàn về vai trò của văn hóa, văn nghệ, Đề cương Văn hóa năm 1943 của Đảng đã khẳng định, nghệ thuật là một thành tố đặc biệt của văn hóa mà Đảng ta cần phải lãnh đạo, chỉ đạo, định hướng để tập hợp sức mạnh của quần chúng: “Văn hóa bao gồm cả tư tưởng, học thuật, nghệ thuật. Mặt trận văn hóa là một trong ba mặt trận (kinh tế, chính trị, văn hóa), ở đó người cộng sản phải hoạt động. Không phải chỉ làm cách mạng chính trị mà còn phải làm cách mạng văn hóa nữa”. “Có lãnh đạo được phong trào văn hóa, Đảng mới ảnh hưởng được dư luận, việc tuyên truyền của Đảng mới có hiệu quả”.

Nhờ đường lối lãnh đạo đúng đắn, kịp thời, Đảng đã phát huy được sức mạnh, sức sáng tạo của đội ngũ văn nghệ sĩ, trí thức. Bằng tài năng nghệ thuật, tình yêu quê hương đất nước và trách nhiệm của người nghệ sĩ - công dân, họ đã sáng tác nhiều tác phẩm có giá trị, góp phần làm nên thắng lợi của công cuộc kháng chiến và kiến quốc; bảo vệ, giữ vững nền độc lập dân tộc, trong đó có đóng góp to lớn của văn nghệ sĩ, trí thức của quân đội. Sẵn mang trong mình bản chất “Bộ đội Cụ Hồ”, họ đồng hành cùng nhân dân, cùng người lính bằng những tác phẩm nghệ thuật để truyền tải hơi thở và tinh thần thời đại, phản ánh chân thực, sinh động cuộc sống kháng chiến giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc, sức mạnh của tình quân dân, ngợi ca tinh thần lạc quan cách mạng...; nhiều văn nghệ sĩ - chiến sĩ đã bằng mồ hôi, xương máu của mình cống hiến cho mặt trận văn hóa, văn nghệ để ghi lại những dấu ấn của lịch sử dân tộc.

Hiện nay, trong bối cảnh hội nhập sâu rộng và cạnh tranh trên phạm vi toàn cầu, phát triển văn hóa là một trong những trụ cột tiên quyết để phát triển đất nước. Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII nêu rõ mục tiêu về phát triển văn hóa đến năm 2030. “Phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để văn hóa thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc. Tăng đầu tư cho phát triển sự nghiệp văn hóa. Xây dựng, phát triển, tạo môi trường và điều kiện xã hội thuận lợi nhất để khơi dậy truyền thống yêu nước, niềm tự hào dân tộc, niềm tin, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; tài năng, trí tuệ, phẩm chất của con người Việt Nam là trung tâm, mục tiêu và động lực phát triển quan trọng nhất của đất nước”.

Tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc, đồng chí Cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ rõ: “Văn hóa là hồn cốt của Dân tộc, nói lên bản sắc của Dân tộc. Văn hóa còn, thì dân tộc còn…”. Đứng trước những thời cơ và thách thức mới, yêu cầu của sự nghiệp cách mạng nước ta là phải tiếp tục xây dựng, giữ gìn và phát triển nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, thực sự là “nền tảng tinh thần”, “động lực phát triển” và “soi đường cho Quốc dân đi”.

Đối với Thủ đô Hà Nội, Thành ủy đã xây dựng, ban hành Chương trình 06-Ctr/TU về “Phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, giai đoạn 2021 - 2025”, nhằm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố Hà Nội lần thứ XVII, Nghị quyết số 09-NQ/TU, ngày 22/02/2022 về “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô, giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Đây là những chủ trương lớn, yêu cầu cấp thiết và mang ý nghĩa chiến lược lâu dài, là nhiệm vụ có tính ưu tiên, cần có sự tham gia chủ động, tích cực của toàn xã hội, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội, trong đó có Hội Cựu chiến binh Thành phố.

Là một lĩnh vực quan trọng trên mặt trận tư tưởng - lý luận của Đảng, văn hóa, văn nghệ cũng là mục tiêu chống phá quyết liệt của các thế lực thù địch trong chiến lược “diễn biến hòa bình”, nhằm làm tan rã niềm tin, tạo ra “khoảng trống” để thẩm thấu hệ tư tưởng tư sản vào và tiến tới phá bỏ hệ tư tưởng xã hội chủ nghĩa. Hiện nay, các tổ chức phản động ở nước ngoài móc nối với các phần tử cơ hội trong nước đưa một số lượng lớn tài liệu, sách báo, sản phẩm văn hóa, văn nghệ có nội dung xuyên tạc sự thật, xuyên tạc lịch sử, truyền bá tư tưởng thù địch, phản động vào nước ta, Văn hóa, văn nghệ là lĩnh vực nhạy cảm nên sự chống phá của chúng thông qua lĩnh vực này cũng rất xảo quyệt, tinh vi. Việc nhận diện chúng là không dễ trong những vỏ bọc “văn hóa, nghệ thuật” đánh vào thị hiếu con người; thường biểu hiện ở những vấn đề sau:

- Tập trung xuyên tạc quan điểm, đường lối của Đảng thông qua truyền bá các tác phẩm văn hó, văn nghệ, những chương trình ca nhạc, phim ảnh có nội dung chống chế độ, dưới chiêu bài “dân chủ”, “nhân quyền” để phủ nhận thành quả cách mạng, phủ nhận chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và chế độ xã hội chủ nghĩa. Trong đó có những tác phẩm văn học đánh giá sai lệch, phiến diện về cuộc kháng chiến; từ đó gây hoài nghi, mất niềm tin của nhân dân vào Đảng và chế độ. Chúng đẩy mạnh tuyên truyền sai lệch về quan điểm của Đảng về văn hóa, văn nghệ, rằng: “Đường lối văn nghệ của Đảng là cứng nhắc, ép buộc”. “Sự độc đoán về tư tưởng đã bóp chết văn học, nghệ thuật”, v.v.. Đồng thời, tán đồng, cổ vũ quan điểm “Nghệ thuật vị nghệ thuật”; đối lập văn nghệ với chính trị.

- Bên cạnh đó là những tác phẩm văn học, nghệ thuật mang nặng tính thị trường, tô đậm mặt trái, tiêu cực của cuộc sống hiện tại; mặt trái của cơ chế thị trường trên nhiều lĩnh vực có xu hướng nhấn mạnh hưởng thụ, bi lụy, mất mát, chia ly; một số chương trình ca nhạc mang nặng tính giải trí “quên” các chức năng về nâng cao nhận thức chính trị, thẩm mỹ cho quần chúng, chú trọng quá mức đến tính thương mại. Qua đó cho thấy, những quan điểm sai trái, thù định trong lĩnh vực văn hóa, văn nghệ diễn ra hết sức phức tạp, tác động hàng ngày, hàng giờ vào nhận thức tư tưởng, tình cảm của các tầng lớp nhân dân.

Cựu chiến binh đã kinh qua chiến đấu, trưởng thành trong lực lượng vũ trang nhân dân do Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập, lãnh đạo, giáo dục và rèn luyện được nhân dân hết lòng thương yêu đùm bọc. Những Cựu chiến binh đã có những cống hiến to lớn trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; là lực lượng kiên trung, tuyệt đối trung thành với Đảng, Nhà nước và nhân dân, ngày nay đang là một bộ phận rất quan trọng của xã hội.

Thấu triệt quan điểm của Đảng, của Thành ủy Hà Nội về văn hóa, văn nghệ, nhận thức rõ vị trí, vai trò của văn hóa, văn nghệ và âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch chống phá trên lĩnh vực văn hóa, văn nghệ. Những năm qua, các cấp Hội từ Thành phố đến cơ sở luôn chú trọng, xây dựng và bảo vệ văn hóa trong Đảng; đây là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu. Mỗi một tổ chức Hội, hội viên luôn hun đúc lan tỏa giá trị bản chất “Bộ đội Cụ Hồ” trong sinh hoạt Đảng và trong cộng đồng dân cư nơi cư trú, góp phần tích cực tham gia xây dựng, bảo vệ Đảng, chính quyền ở cơ sở. Chủ động phối hợp với Mặt trận Tổ quốc, cơ quan chức năng cùng cấp tổ chức 106 cuộc tọa đàm hiến kế, hiến công để nâng cao chất lượng trong tham gia xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị. Nhiều hội viên, trong đó có tướng lĩnh, mặc dù tuổi cao, sức khỏe hạn chế nhưng vẫn tiếp tục cống hiến trí tuệ, công sức xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền. Mỗi chi hội, mỗi hội viên đều thể hiện rõ vai trò đầu tàu gương mẫu, sâu sát được nhân dân quý trọng; kiên quyết đấu tranh chống các âm mưu, thủ đoạn, quan điểm sai trái của các thế lực thù địch trên mặt trận chính trị, tư tưởng, văn hóa và suy thoái về đạo đức, lối sống; cái chưa tốt trong xã hội, nhất là trên không gian mạng. Tổ chức 4 cuộc thi viết chính luận bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, có trên 10.000 bài dự thi, trong đó có nhiều bài viết về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trên lĩnh vực văn hóa, văn nghệ.

Báo Cựu chiến binh Thủ đô, Bản tin và Trang thông tin điện tử tổng hợp của Hội duy trì có chất lượng chuyên mục “chống diễn biến hòa bình và tự diễn biến”; chuyên mục “Người tốt, việc tốt”; “Ký ức Cựu chiến binh Thủ đô”… Hàng năm xuất bản sách “Người tốt, việc tốt”, “Ký ức Cựu chiến binh Thủ đô” được bạn đọc đánh giá cao, nhất là tuyên truyền về bản chất chính nghĩa của chiến tranh, cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Thành Hội duy trì trực tiếp hoạt động 7 câu lạc bộ nghệ thuật, định kỳ đi biểu diễn ở các huyện, xã ngoại thành các chương trình văn nghệ cách mạng để người dân vùng xa được hưởng thụ văn hóa, Đồng thời, phối hợp với Sở Văn hóa - Thể thao Thành phố phục vụ lưu động các ngày kỷ niệm lịch sử, các trung tâm người có công. Các Hội cơ sở duy trì và phát huy tốt câu lạc bộ văn hóa, văn nghệ thường xuyên phục vụ tại cơ sở và làm nòng cốt ở khu dân cư trong thực hiện Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” và “Xây dựng Người Hà Nội thanh lịch, văn minh”… Hàng năm, với trên 470 buổi liên hoan văn nghệ, thu hút trên 160.000 lượt người, góp phần không nhỏ nâng cao đời sống tinh thần và truyền bá chân, thiện, mỹ cho nhân dân. Định kỳ 5 năm một lần phối hợp với Sở Văn hóa - Thể thao Thành phố tổ chức liên hoan nghệ thuật từ Thành phố đến cơ sở với chủ đề “Mãi mãi là Bộ đội Cụ Hồ”, vận động được nhiều lực lượng tham gia sáng tạo ra văn hóa và hưởng thụ văn hóa, khơi dậy và phát huy văn hóa dân tộc của các địa phương.

Bằng tấm gương và sự từng trải phối hợp với Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh thực hiện lời dạy của Bác Hồ “Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là việc làm rất quan trọng và rất cần thiết”, Hội Cựu chiến binh Thành phố đã lựa chọn các biện pháp hữu hiệu, phù hợp với tuổi trẻ, đó là: Giao lưu nhân chứng lịch sử, tọa đàm, kể chuyện chiến đấu, tham quan di tích lịch sử; giao lưu văn hóa - văn nghệ. 5 năm gần đây với 2.800 buổi cho hơn một vạn đoàn viên, thanh niên, sinh viên. Qua đó giáo dục truyền thống cách mạng, khơi dậy tinh thần tự tôn dân tộc, tự hào về Đảng quang vinh, Bác Hồ vĩ đại, Thủ đô văn hiền và anh hùng, đồng thời góp phần ngăn chặn các hoạt động văn hóa, văn nghệ xấu độc thẩm thấu vào tuổi trẻ.

Đấu tranh chống các quan điểm sai trái, thù địch trên lĩnh vực văn hóa, văn nghệ là một bộ phận của đấu tranh chống “diễn biến hòa bình” và chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Để đạt được hiệu quả cao, đòi hỏi phải thực hiện đồng bộ các giải pháp giữa lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý với phát huy vai trò sáng tạo của đội ngũ văn nghệ sĩ và quần chúng nhân dân, tạo sức mạnh tổng hợp nhằm làm thất bại âm mưu, thủ đoạn chống phá trên lĩnh vực này. Từ kết quả của Hội CCB và thực tiễn trên địa bàn Thủ đô, tập trung vào một nội dung, giải pháp sau:

Một là, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước đối với lĩnh vực văn hóa, văn nghệ và đội ngũ văn nghệ sĩ. Phát triển văn hóa, văn nghệ nhằm đáp ứng nhu cầu tinh thần đa dạng và lành mạnh của nhân dân; phát triển các phương tiện thông tin đại chúng nhằm đáp ứng nhu cầu thông tin của nhân dân, phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, giữ vững định hướng chính trị trong các hoạt động văn hóa, văn nghệ, hướng vào xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, chống mọi biểu hiện thương mại hóa, phi chính trị trong các hoạt động văn hóa, văn nghệ. Tăng cường rà soát, bổ sung các chế tài, quy định trong hệ thống pháp luật trên lĩnh vực này.

Hai là, tăng cường giáo dục, bồi dưỡng, rèn luyện bản lĩnh chính trị, tư tưởng vững vàng cho đội ngũ văn nghệ sĩ. Trong công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ văn nghệ sĩ cần tiếp tục đổi mới cả về chương trình nội dung, hình thức, cả về chuyên môn và công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức để họ xứng đáng là chiến sĩ cách mạng như Bác Hồ đã dạy: “Văn hóa, nghệ thuật cũng là một mặt trận. Anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy”.

Ba là, phát huy vai trò sáng tạo của đội ngũ văn nghệ sĩ và quần chúng nhân dân để có nhiều tác phẩm có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật, thấm nhuần tinh thần nhân văn, dân tộc, dân chủ, tiến bộ, phản ánh chân thật, sinh động, sâu sắc đời sống xã hội, lịch sử dân tộc và công cuộc đổi mới đất nước. Đồng thời nâng cao trình độ nhận thức, cảm thụ thẩm mỹ cho quần chúng nhân dân, đặc biệt là thanh thiếu niên. Chủ động hội nhập quốc tế trong lĩnh vực văn hóa, văn nghệ, tiếp thu văn học, nghệ thuật của nhân loại.

Thiếu tướng Lê Như Đức

Chủ tịch Hội Cựu chiến binh thành phố Hà Nội