Hà Nội tưng bừng kỷ niệm 70 năm Ngày giải phóng Thủ đô

06/10/2024
Nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024) và 25 năm Hà Nội được UNESCO trao danh hiệu "Thành phố vì hòa bình" (16/7/1999 - 16/7/2024). Sáng 6/10, tại khu vực tượng đài Lý Thái Tổ, không gian lịch sử văn hóa hồ Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội tổ chức chương trình “Ngày hội Văn hóa vì hòa bình”.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng Đoàn đại biểu Đảng, Nhà nước, MTTQ Việt Nam, TP. Hà Nội thực hiện nghi lễ dâng hương tại Tượng đài vua Lý Thái Tổ, tưởng nhớ công lao các bậc tiền nhân đã có những đóng góp to lớn đối với đất nước và Thủ đô.

Các đồng chí: Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ; Lương Cường, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư; Đỗ Văn Chiến, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam; Nguyễn Trọng Nghĩa, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương; các Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương; các cơ quan ngoại giao, tổ chức quốc tế.

Về phía Hà Nội có, đồng chí Phạm Quang Nghị, Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy, nguyên Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố; Nguyễn Thị Tuyến, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội; Trần Sỹ Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND Thành phố, Trưởng ban Tổ chức Ngày hội văn hóa; lãnh đạo các sở, ban, ngành, tổ chức CT-XH Thành phố cùng đông đảo các tầng lớp nhân dân trên cả nước và Thủ đô Hà Nội.

Chương trình có khoảng gần 10.000 người tham gia, trong đó 700 đại biểu khách mời trong nước và quốc tế, 9.000 người tham gia diễu hành và trình diễn. Trong đó Hội CCB Thành phố có 140 hội viên tham gia diễu hành.

Tái hiện hình ảnh đoàn quân chiến thắng tiến về tiếp quản Thủ đô.

Chương trình mang ý nghĩa sâu sắc trong việc tôn vinh giá trị lịch sử của Ngày Giải phóng Thủ đô, và nhìn lại 25 năm Hà Nội đón nhận danh hiệu “Thành phố vì hòa bình” từ UNESCO, khẳng định những nỗ lực không ngừng của thành phố trong việc giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử; đồng thời xây dựng một Thủ đô ngày càng văn minh, hiện đại, hội nhập quốc tế.

Phát biểu khai mạc buổi lễ, đồng chí Trần Sỹ Thanh, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội nhấn mạnh: trải qua lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước, cùng công cuộc kiến thiết và bảo vệ nền hòa bình, độc lập, tự do của nước nhà, Hà Nội đã được nhân dân trong nước và bạn bè quốc tế tôn vinh, phong tặng những danh hiệu cao quý như “Thủ đô của lương tri, phẩm giá con người”,“Thành phố vì hòa bình”,“Thành phố sáng tạo”. Đồng thời Hà Nội được Đảng, Nhà nước tặng danh hiệu “Thủ đô Anh hùng”. Phát huy truyền thống lịch sử văn hiến và anh hùng; với vị trí, vai trò là trung tâm đầu não chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục, khoa học công nghệ và hội nhập quốc tế của cả nước; Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố Hà Nội đã và đang nỗ lực, quyết tâm thực hiện và hoàn thành sứ mệnh của Thủ đô với “Tầm vóc mới - Vị thế mới”; Xây dựng Thủ đô “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”; Thành phố kết nối toàn cầu; điểm đến “An toàn - Thân thiện - Hấp dẫn” với bạn bè quốc tế.

Đồng chí Trần Sỹ Thanh, Chủ tich UBND TP. Hà Nội phát biểu khai mạc.

Nằm trong chuỗi các sự kiện Kỷ niệm 70 năm ngày Giải phóng Thủ đô, “Ngày hội Văn hóa vì hòa bình”nhằm lan tỏa thông điệp về giá trị của văn hóa, hòa bình và sức sáng tạo của con người Thăng Long - Hà Nội qua các thời kỳ. Ngày hội cũng giới thiệu, trình diễn các di sản văn hóa vật thể, phi vật thể, các lễ hội và các làng nghề tiêu biểu của Thủ đô. "Ngày hội văn hóa vì hòa bình" còn là dịp để tôn vinh nền văn hiến, bản sắc văn hóa vì hòa bình của Thủ đô Hà Nội, vùng đất địa linh nhân kệt, nơi lắng đọng hào khí Thăng Long, hồn thiêng sông núi, nơi kết tinh và tỏa sáng trí tuệ Việt Nam, tỏa sáng lương tri và phẩm giá con người.

Một trong những điểm nhấn quan trọng của chương trình là màn tái hiện sống động hình ảnh đoàn quân tiến về tiếp quản Hà Nội ngày 10/10/1954 trong rợp trời cờ hoa và niềm hân hoan chiến thắng. Khoảnh khắc hào hùng này được tái hiện bằng những màn biểu diễn thực cảnh quy mô lớn, với sự tham gia của gần 1.000 chiến sĩ cùng 200 nghệ sĩ, diễn viên múa. Những hình ảnh quen thuộc như cầu Long Biên, nơi đoàn quân tiến vào tiếp quản Thủ đô, hay cột cờ Hà Nội, nơi lá cờ đỏ sao vàng tung bay trong lễ chào cờ đầu tiên vào ngày 10/10/1954… đã được tái hiện sống động, thể hiện rõ tinh thần anh dũng, bất khuất của nhân dân ta trước một kẻ thù hùng mạnh, viết nên bản anh hùng ca trong sự nghiệp cách mạng của Đảng ta và dân tộc ta.

Với ý nghĩa to lớn và quy mô hoành tráng, "Ngày hội văn hóa vì hòa bình" thực sự là một sự kiện đáng nhớ, nằm trong chuỗi hoạt động kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô, khẳng định nỗ lực không ngừng của Hà Nội trong việc giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử và xây dựng một Thủ đô ngày càng văn minh, hiện đại, hội nhập quốc tế.

Đoàn cán bộ, hội viên CCB thành phố Hà Nội diễu hành qua lễ đài.

Văn Thể