Gương sáng cựu chiến binh hiến đất làm đường

22/04/2024
“Tấc đất tấc vàng” là câu tục ngữ để khẳng định giá trị đặc biệt của đất đai, nhất là trong thời điểm hiện nay, khi chỉ cách nhà chưa đầy 300 m giá đất tại khu đấu giá đất của huyện sắp đưa vào hoạt động. Ấy vậy mà hội viên Đỗ Văn Phụng ở Chi hội CCB thôn Cao Mật Thượng, xã Thanh Cao, huyện Thanh Oai đã tiên phong hiến đất để làm đường giao thông nông thôn địa phương.

Được CCB Đỗ Văn Phụng và các hộ dân hiến đất, nhân dân địa phương mở rộng đường thông thoáng để đi lại thuận tiện.

   Giữa năm 1969, anh thanh niên Đỗ Văn Phụng cùng bao người con của quê hương hăng hái lên đường nhập ngũ Quân đội, rồi cùng đơn vị hành quân tới vùng đất Quảng Nam khói lửa, trực tiếp chiến đấu đến ngày đất nước hoàn toàn giải phóng. Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, trở về đời thường, là hội viên CCB, ông luôn phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”, gương mẫu thực hiện các nhiệm vụ ở địa phương và xây dựng gia đình hạnh phúc, nuôi dạy con ăn học trưởng thành. Điển hình là từ năm 2023 đến nay, để thực hiện một trong các tiêu chí xây dựng nông thôn mới; UBND xã Thanh Cao có chủ trương mở rộng thêm nhiều con đường tại các thôn, trong đó có thôn Cao Mật Thượng được cấp trên quan tâm đầu tư 2 đoạn đường: Đoạn 1 từ Tổ Nội đến Nhà văn hóa; Đoạn 2 từ Đình đến đầu làng có chiều dài 3km để thuận tiện cho người dân đi lại và vận chuyển sản phẩm, buôn bán trao đổi hàng hóa. Quá trình tổ chức thực hiện đã có 30 hộ dân đăng ký và tự nguyện hiến đất mở đường và đóng góp ủng hộ tiền, ngày công tham gia lao động. Trong đó, diện tích đường đi qua đất của gia đình ông Phụng chiếm nhiều nhất tại ngõ Giữa.

CCB Đỗ Văn Phụng.

   Khi nghe cán bộ xã, thôn triển khai chủ trương và vận động người dân trong xóm hiến đất làm đường, ông Phụng vui vẻ đồng thuận hiến đất ngay. Theo ông Phụng chia sẻ thì trước đây, con đường ngõ xóm được xây dựng từ lâu, không được quy hoạch cụ thể, chi tiết, đường không có rãnh thoát nước. Ở nhiều nơi, nền đường sụt lún, mặt đường đã xuống cấp có đoạn rất hẹp dưới 3 mét, vòng cua nhỏ nên rất khó khăn di chuyển cho các loại phương tiện ô tô có tải trọng lớn; hơn nữa vào giờ cao điểm, các cháu học sinh đi học về gặp xe ô tô, xe máy, xe đạp đều phải dừng lại, gây ùn tắc; thậm chí có những xe ô tô lại phải lùi quay ra vì vướng vào cột điện, tường rào, nhà cửa, cổng của dân, đi lại rất vất vả nên gia đình tôi cũng như bao người dân trong thôn đều mong muốn được đầu tư xây dựng con đường mới. Quả thật lúc đó, tôi chỉ hơi băn khoăn là phần đất cần hiến lại vào diện tích nhà tôi ở cả hai bên đông và tây của trục đường, đặc biệt là diện tích bên phía đông lại có các công trình phụ đang sử dụng và có các ngõ nhỏ của các hộ dân ở đầu bắc và nam lại xin tôi hiến tặng một phần đất để xe đi có vòng cua. Trong khi tại thời điểm tôi hiến đất vẫn còn những gia đình cần hiến đất với diện tích rất nhỏ nhưng vẫn chưa thực sự đồng ý, gây khó rễ cho Ban vận động. Do vậy tôi cũng phân vân và thấy rằng vẫn còn một số hộ dân chưa đồng hành cùng với mình. Nhưng nghĩ đi nghĩ lại, tôi nhận thức rằng muốn có con đường cho tương lai thì phải biết hy sinh lợi ích cá nhân nên tôi đã động viên các con ủng hộ và vận động những người thân, hàng xóm cùng tự nguyện hiến đất. Đường làm tới đâu tôi cũng sẵn sàng hiến đất tới đó, vì mọi người, vì thế hệ sau này, gia đình tôi đã hiến hơn 30m đất chiều dài mặt đường, với tổng cộng 15m2 đất thổ cư. Theo đó, con đường được mở rộng, tôi và gia đình cũng thấy yên lòng, vui hơn…

   Việc làm của hội viên CCB Đỗ Văn Phụng đã tạo được niềm tin của người dân khi sẵn sàng ủng hộ chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, nhất là những chính sách về xây dựng nông thôn mới, đem lại lợi ích cho quê hương theo phương châm “Dân làm, dân hưởng thụ”. Con đường bê tông giờ đây đã được mở rộng khang trang, ô tô đỗ tận cổng mỗi nhà, trời mưa không còn ngập úng nên người dân rất phấn khởi.

   Ông Phụng tâm sự: Đời người lính chúng tôi từng vào sinh ra tử, chẳng có gì phải suy nghĩ thiệt hơn. Nay trở về dựng xây quê hương mình giàu đẹp, không lý do gì phải tính toán và như trong sách Kinh nhà Phật có dạy với mọi chúng sinh rằng, ai đó phát tâm thứ nhất làm đường, thứ hai làm cầu cống để hiến cho tất cả mọi người đều được lợi lạc, thì những công đức đó được vô lượng, vô biên không có gì sánh được bằng, làm cho đời này, đời sau hưởng lợi.

   Chúng tôi nghĩ đó cũng là bài học mà người lính Cụ Hồ như ông Phụng đã học từ trong tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về sự đồng thuận, về sức mạnh của nhân dân:“Dễ trăm lần không dân cũng chịu. Khó vạn lần dân liệu cũng xong”.

   Việc làm ý nghĩa của CCB Đỗ Văn Phụng và người dân nơi đây đã lan tỏa trong cộng đồng, giúp nhiều người nhận ra giá trị thiết thực của hệ thống giao thông nông thôn. Từ đó, họ tự nguyện góp công sức, tiền bạc, đất đai cho các công trình phục vụ cộng đồng tạo nên diện mạo mới cho vùng quê Cao Mật Thượng.

HÀ THANH