Tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV đang diễn ra, nhiều nội dung liên quan đến việc xem xét, quyết định các vấn đề kinh tế - xã hội; thông qua các dự án luật; các báo cáo công tác tư pháp; tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội về trách nhiệm của các thành viên Chính phủ, trưởng ngành trong việc thực hiện một số nghị quyết của Quốc hội khóa XIV. Lợi dụng một số thiếu sót của các ngành và người đứng đầu các bộ, ngành được đề cập trong các phiên trả lời chất vấn, một số kẻ cơ hội, thù địch đã cố tình xuyên tạc, lợi dụng “việc” để bôi nhọ “người”!
Để bôi nhọ những cán bộ đứng đầu các bộ, ngành, các thế lực thù địch tìm ra mọi chiêu trò xuyên tạc, bịa đặt về thành phần xuất thân, những việc làm trong quá khứ; xúc phạm đời tư, cuộc sống gia đình, gán ghép các mối quan hệ của cán bộ trong xã hội để phụ họa cho những thiếu sót trong công tác. Bản chất của những thủ đoạn này vẫn là những thông tin bịa đặt, xuyên tạc, bóp méo sự thật nhằm hạ uy tín của cá nhân, gây mất đoàn kết trong nội bộ, gây hoang mang dư luận, nghi ngờ trong xã hội, tạo điều kiện thuận lợi để họ thực hiện các mưu đồ chống phá. Họ thường lợi dụng một công việc chưa thành công, một khuyết điểm do nguyên nhân khách quan và chủ quan để đánh đồng thành bản chất của bộ máy công quyền, năng lực, trình độ của những cán bộ đứng đầu, làm giảm sút niềm tin của nhân dân đối với cán bộ và bộ máy nhà nước. Từ một quyết định chưa phù hợp của cá nhân, họ có thể tô vẽ nên một bức tranh “tưởng tượng” về văn hóa công vụ, về lề lối làm việc và tác phong công tác của cả một bộ, ngành rồi đem so sánh với các nước khác, bất chấp tính khập khiễng của những so sánh ấy. Do tính chất “bí mật”, “chuyện hậu trường” của câu chuyện mà họ thêu dệt nên nhiều người đã lầm tưởng vào những thông tin sai trái đó!
Hiện nay, công cuộc xây dựng đất nước chắc chắn không thể tránh khỏi những thiếu sót, vấp váp, nhất là trong công tác lãnh đạo, quản lý của các bộ, ngành. Trong đội ngũ đông đảo cán bộ, đảng viên, nhất là những cán bộ đứng đầu ban, bộ, ngành Trung ương cũng sẽ không tránh khỏi việc có những người mắc phải những khuyết điểm, thiết sót, sai lầm. Để hạn chế những khuyết điểm, thiết sót, sai lầm từ nguyên nhân chủ quan của cán bộ; Đảng, Nhà nước ta đã có những chế tài mạnh mẽ để quản lý, giáo dục, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên vi phạm. Hơn nữa, mỗi cán bộ, đảng viên trong bộ máy nhà nước đều phải trải qua quá trình phấn đấu rèn luyện để đạt được những tiêu chí, tiêu chuẩn về phẩm chất đạo đức, trình độ, năng lực nhất định. Đồng thời công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII, XIII); các quy định cụ thể về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên; Quy định số 37-QĐ/TW, ngày 25/10/2021 của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XIII) về những điều đảng viên không được làm; lấy phiếu tín nhiệm; tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội về trách nhiệm của các thành viên Chính phủ, trưởng ngành trong việc thực hiện nghị quyết của Quốc hội… là những nỗ lực của Đảng, Nhà nước, Quốc hội nhằm ngăn ngừa, giảm thiểu những thiếu sót, hạn chế của đội ngũ cán bộ nói chung, lãnh đạo các bộ, ngành nói riêng.
Đối với việc xúc phạm người khác, Hiến pháp và pháp luật Việt Nam đã có nhiều quy định để bảo vệ quyền công dân, bảo vệ danh dự, uy tín, bí mật cá nhân, nghiêm cấm các hành vi bịa đặt, xuyên tạc, vu cáo, bôi nhọ, xâm phạm các quyền cơ bản của con người. Điều 21, Hiến pháp năm 2013 quy định rõ: “Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình, có quyền bảo vệ danh dự, uy tín của mình”. Bộ Luật hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 và Luật Tố tụng hình sự (năm 2015) cũng quy định việc áp dụng những chế tài xử phạt cụ thể đối với tội vu khống, bịa đặt hoặc lan truyền những thông tin sai sự thật nhằm xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác. Đây là cơ sở để ngăn ngừa, xử lý những cá nhân có hành vi bôi nhọ, xuyên tạc người khác.
Như vậy, việc xuyên tạc, bịa đặt, nói xấu, bôi nhọ công dân nói chung và cán bộ lãnh đạo nói riêng là hành vi vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, với âm mưu xuyên tạc đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách và luật pháp của Nhà nước, nhiều người vẫn cố tình lợi dụng “việc” để bôi nhọ “người”, nhất là những cán bộ đứng đầu các bộ, ngành. Điều đó, đòi hỏi mỗi công dân phải tỉnh táo, nhận diện đúng bản chất, không tin theo những luận điệu xuyên tạc “bôi nhọ cán bộ” của các thế lực thù địch!
KHÔI NGUYÊN