Thông tin từ Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế (IISS, ngày 12/2) cho hay, xung đột vũ trang Nga-Ukraine, Trung Đông đã thúc đẩy chi tiêu quân sự thế giới năm 2024 tăng vọt lên 2.460 tỉ USD, so với 2.240 tỉ USD (năm 2023). “Tăng trưởng cũng tăng tốc với mức tăng thực tế 7,4%, vượt xa mức tăng 6,5% vào năm 2023 và 3,5% vào năm 2022. Do đó, năm 2024, chi tiêu quốc phòng toàn cầu tăng lên mức trung bình toàn cầu 1,9% GDP, so với mức 1,6% vào năm 2022 và 1,8% vào năm 2023”-Các nhà nghiên cứu F.McGerty, K.Dewey (IISS) viết. Dự báo, năm nay và thập niên tới, chi tiêu quốc phòng vẫn tiếp tục tăng cao.

Chiến đấu cơ F-18 chuẩn bị cất cánh từ tàu sân bay Carl Vinson của Mỹ ở biển Đông. Ảnh: Reuters
Một nhóm nghiên cứu khác tại London (Anh) trong Báo cáo Cân bằng quân sự năm 2025 (công bố 2/2025) xác nhận, tại châu Âu, chi tiêu quân sự danh nghĩa tăng 50% trong thập niên qua, với sự khác biệt rõ rệt được ghi nhận tại khối quân sự Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Năm 2024, ngân sách quân sự NATO (32 quốc gia) cam kết đạt 2% GDP/năm (đã có 2/3 số nước) với 1.300 tỉ USD, trong khi Ba Lan đạt 4% (năm 2023 là 21 tỉ USD, năm 2021 là 12,7 tỉ USD).
Chi ngân sách quốc phòng, hằng năm, có con số tuyệt đối cao nhất là Mỹ với 895 tỉ USD (năm 2025); 886,3 tỉ USD (năm 2024), 858 tỉ USD (năm 2023), 801 tỉ USD (năm 2021). Trung Quốc đứng thứ 2 với 224 tỉ USD; Ấn Độ 76,6 tỉ USD; Anh 68,4 tỉ USD; Nhật Bản 56 tỉ USD. Đức, Pháp đạt mốc 2% GDP/năm chi cho quốc phòng.
Ở châu Á, mạnh tay chi ngân sách quốc phòng phải kể đến Trung Quốc (tăng khoảng 6-7,4% giai đoạn 2015-2025), tiếp đến Ấn Độ, Nhật Bản, Indonesia. Tuy nhiên, tỉ trọng chi tiêu toàn cầu của châu Á vẫn giảm hơn 4 điểm, từ gần 26% (năm 2021) xuống 21,7% (năm 2024).
Nếu như Nga chi 65-66 tỉ USD ngân sách quân sự năm 2020-2021, đã tăng lên 86 tỉ USD (năm 2022), 109 tỉ USD (năm 2023); 461,6 tỉ USD (năm 2024), gần bằng tổng chi cho quân sự các nước châu Âu, bởi nhu cầu tác chiến ở Ukraine kể từ 2/2022-Tổ chức IISS tính toán quy đổi USD theo tỉ giá hối đoái sức mua tương đương (PPP). Phát biểu với các quan chức cấp cao Nga, Tổng thống V.Putin (12/2024) cho biết, Điện Kremlin đang chi hơn 6,3% GDP cho quân sự, chủ yếu tại cuộc xung đột Ukraine.
Vẫn theo IISS, châu Âu đóng góp chưa đến 1/3 chi tiêu ngân sách quốc phòng khối NATO nên Tổng thống Mỹ D.Trump kêu gọi các thành viên tăng chi tiêu quốc phòng lên mức 5% GDP/năm vào những năm tới, với dự báo: Các quốc gia châu Âu phải tự trang trải chi ngân sách bảo vệ an ninh cho mình. Mỹ không thể kéo dài mãi việc chi tiền đóng thuế của người dân phục vụ lợi ích cho quốc gia khác.
Chi ngân sách quốc phòng mấy năm qua tăng vọt là miếng bánh béo bở cho các tập đoàn sản xuất, kinh doanh vũ khí, đạn dược, thiết bị quân sự thế giới, trong đó có các công ty công nghiệp quốc phòng truyền thống như Mỹ, Anh, Pháp, Trung Quốc và một số quốc gia mới nổi như Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ. Nga bận rộn với cuộc chiến ở Ukraine nên các nhà máy công nghiệp quốc phòng ưu tiên dành cho quân đội, gặp khó ở thị trường xuất khẩu, mất luôn vị trí thứ 2 toàn cầu vào tay Pháp.
Năm 2024, Mỹ vẫn trụ chắc vị trí số 1 với doanh số xuất khẩu vũ khí kỷ lục 318,7 tỉ USD, tăng 29%, chiếm gần 40% doanh số toàn cầu (bình quân trong 10 năm qua, xuất khẩu vũ khí Mỹ luôn chiếm tỉ trọng khoảng 33-35%); trong khi Nga chiếm khoảng 23-26%. Các nhà sản xuất quốc phòng Mỹ nổi tiếng được kể đến có Lockheed Martin, General Dynamics, Northrop Grumman. Họ cũng là nhà thiết kế, chế tạo, sản xuất, kinh doanh vũ khí để bổ sung nguồn cung cấp cho chiến sự ở Ukraine, Israel và dự phòng cho các cuộc xung đột quy mô lớn tiềm tàng có thể nổ ra ở Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia và châu Âu.
Chính phủ các nước nhập khẩu vũ khí Mỹ qua 2 kênh chính là bán hàng thương mại trực tiếp hoặc bán hàng qua Bộ Quốc phòng tại các đại sứ quán. Năm qua, con số này đạt lần lượt là 200,8 tỉ USD (so với 157,5 tỉ USD năm 2023) và 117,9 tỉ USD (so với 80,9 tỉ USD năm trước đó); trong đó có 23 tỉ USD, Thổ Nhĩ Kỳ mua phiên bản nâng cấp máy bay tiêm kích F-16; 18,8 tỉ USD do Israel mua máy bay chiến đấu F-15 và bán xe tăng M1A2 Abrams cho Romania trị giá 2,5 tỉ USD.
Ấn Độ là quốc gia nằm trong Top đầu thế giới về sản lượng nhập khẩu vũ khí, thiết bị quân sự, quốc phòng của Nga, Mỹ. Tại Triển lãm Aero India-2025 (10-14/2) vừa qua, Tổng giám đốc Tập đoàn xuất khẩu vũ khí quốc gia Nga Rosoboronexport A.Mikheyev cho hay: “Ấn Độ là đối tác chiến lược quan trọng nhất của Nga tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương và là một trong những đối tác chính của tập đoàn trên thế giới. Trong 20 năm qua (2005-20215), tập đoàn đã ký các hợp đồng với Ấn Độ trị giá 50 tỉ USD và tổng giá trị các sản phẩm quân sự của Nga cung cấp cho Ấn Độ khoảng 80 tỉ USD”.
Theo đó, hợp tác công nghiệp quân sự Nga-Ấn Độ tập trung vào lĩnh vực chuyển giao công nghệ với các dự án phát triển chung máy bay quân sự, trực thăng, hệ thống phòng không, xe bọc thép. Ấn Độ là bạn hàng vũ khí lớn, truyền thống của Nga bởi Nga được đánh giá là giàu tiềm lực sản xuất các loại vũ khí, thiết bị quân sự, giá cả phải chăng, có độ bền cao, có tính năng, tác dụng vượt trội và không kèm theo các điều kiện chính trị khác; trong khi New Delhi cần tăng cường sức mạnh quốc phòng, đối trọng với các quốc gia láng giềng như Trung Quốc, Pakistan.
Trung Quốc có lợi thế về vũ khí giá rẻ, xuất khẩu đến 40 quốc gia, chiếm thị phần khá ổn định 5,3-5,8%/năm (giai đoạn 2019 đến nay), đứng thứ 4 toàn cầu. Là cường quốc kinh tế Top đầu thế giới, Trung Quốc đang gia tăng chiếm lĩnh nguồn cung vũ khí nội địa và xuất khẩu có tốc độ tăng trưởng cao.
Gần đây, tên lửa BrahMos (Liên doanh Nga-Ấn) phiên bản tấn công tầm xa trang bị cho máy bay, tàu chiến, tàu ngầm, hướng đến các mục tiêu trên đất liền, trên biển, đang là mặt hàng hấp dẫn nhiều quốc gia như Philippines, Indonesia, UAE. “Tên lửa hành trình nhanh nhất thế giới” này có tốc độ Mach-2,8 (3.500 km/h), bay xa đến 500 km.
Hàn Quốc và Nhật Bản có nhiều tiềm năng sản xuất, xuất khẩu vũ khí, mặc dù tỉ trọng còn thấp (Hàn Quốc 1,7-2,4%, Nhật Bản 1,6%). Theo Viện Stockholm (SIPRI), Hàn Quốc có 4 công ty sản xuất vũ khí doanh thu 11 tỉ USD; 5 công ty của Nhật Bản doanh thu hơn 10 tỉ USD (mỗi năm 2023, 2024); có tên trong danh sách 100 nhà sản xuất vũ khí hàng đầu thế giới, tăng trưởng từ 35-53%/năm.
Chuyên gia xứ Hàn bật mí, bí quyết của các công ty vũ khí nước này là, “rẻ hơn, tốt hơn, nhanh hơn” nên họ tìm cách hạ giá thành, xuất xưởng nhanh, giữ chất lượng không quá khác biệt so với vũ khí đến từ các quốc gia khác. Nhiều mặt hàng của Hàn Quốc bán chạy như tên lửa đất đối không, máy bay FA-50S, pháo tự hành, hỏa tiễn, xe tăng, xe bọc thép, được Ba Lan, Romania, UAE, Ai Cập, Indonesia đặt mua.
Thế giới đang trải qua giai đoạn bất ổn. Xung đột vũ trang là thủ phạm khiến các quốc gia tăng chi tiêu ngân sách quốc phòng, là mảnh đất màu mỡ cho ngành công nghiệp quốc phòng tăng trưởng.
Theo QPTĐ