Các bệnh mạn tính thường gặp như tăng huyết áp, đái tháo đường, bệnh gout (gút)… bị ảnh hưởng rất lớn bởi thực phẩm tiêu thụ. Thực phẩm có thể giúp phòng và và điều trị bệnh, nhưng thực phẩm cũng có thể làm trầm trọng bệnh hơn.
Người bệnh tăng huyết áp
Món dưa hành muối là thực phẩm gắn bó với ngày Tết cổ truyền ở nước ta, là thực phẩm rất ‘đưa cơm’. Dưa hành muối không chỉ giúp ‘chống ngán’ khi ăn cùng bánh chưng, thịt, giò, chả... mà còn rất tốt cho hệ tiêu hóa (giúp tiêu hóa thức ăn hiệu quả và cung cấp lợi khuẩn cho đướng ruột). Hành là loại củ có tính chất cay nóng và ấm, do đó ăn hành muối sẽ giúp làm ấm cho cơ thể trong mùa lạnh và giúp tiêu hóa thức ăn tốt hơn, chống đầy bụng, khó tiêu. Bên cạnh việc cung cấp lợi khuẩn thì dưa hành muối còn có tác dụng chống lại các gốc tự do, ngăn chặn các chất chống oxy hóa. Tác dụng này có khả năng bảo vệ các tế bào trong cơ thể, ngăn ngừa những vấn đề về bệnh tim mạch, ung thư và lão hóa trong cơ thể.
Tuy nhiên dưa hành chứa nhiều muối, do đó, người bệnh tăng huyết áp cần hạn chế tối đa ăn hành muối. Không nêm nhiều muối khi chế biến như các món xào, nướng, chiên/rán hoặc những món nhiều nước sốt.
Người tăng huyết áo nên kết hợp các loại thực phẩm giàu kali như các loại rau lá, khoai tây, khoai lang… vì kali giúp hạn chế tác hại của natri, từ đó điều hòa huyết áp. Sau bữa tiệc, cần uống nước nhiều lần để tăng thải lượng muối thừa từ bữa tiệc.
Người bệnh đái tháo đường
Chế độ ăn uống có tác động rất lớn đến lượng đường trong máu. Các món ăn ngày Tết chứa nhiều đường và tinh bột như bánh chưng, xôi gấc, bánh kẹo, mứt, ô mai… Việc kiểm soát lượng carbohydrate nạp vào và duy trì lượng đường trong máu ổn định là điều tối quan trọng đối với người bệnh đái tháo đường. Do đó, người bệnh đái tháo đường nên nhớ ăn rau trước, sau đó là các loại thịt.
Các loại đồ ngọt, đường có thể được thêm vào một số món (như món nộm, xôi gấc) có thể gây ra sự gia tăng đột biến lượng đường trong máu, do đó nếu không biết rõ món ăn đó chứa bao nhiêu đường thì chỉ nên nếm miếng nhỏ và ăn lượng cơm như vẫn ăn hằng ngày và không sử dụng nước ngọt.
Người bệnh gout
Gout là một loại viêm khớp phát triển khi một người bị tăng axit uric máu hoặc nồng độ axit uric trong cơ thể cao. Mặc dù có nhiều nguyên nhân có thể gây bệnh gout, bao gồm di truyền và các tình trạng bệnh lý tiềm ẩn, nhưng chế độ ăn uống có thể ảnh hưởng trực tiếp đến bệnh gout và mức độ nghiêm trọng của bệnh.
Tỷ lệ mắc bệnh gout cao hơn thường xảy ra ở những nền văn hóa ăn nhiều thịt đỏ, thực phẩm chế biến, đường và các thực phẩm khác có nhiều purin.
Thức ăn ngày tết giàu đạm, đường, béo… do đó cần kiểm soát lượng đạm trong khẩu phần chặt chẽ để đảm bảo nồng độ acid uric không bị tăng cao. Người bệnh gout cần hạn chế ăn các món chế biến từ thịt đỏ, hải sản và nước sốt. Tốt nhất không sử dụng rượu/bia trong các bữa ăn hoặc tiệc.
Một số thực phẩm có thể giúp hạ thấp nồng độ axit uric, giúp làm giảm các cơn gout bùng phát và ngăn ngừa các cơn gout trong tương lai như: Thực phẩm giàu vitamin C (cam, rau bina, cải xoăn), cà phê, thực phẩm ít purin (ví dụ, ngũ cốc nguyên hạt, rau, protein thực vật như các loại hạt và đậu), sữa ít béo, nước…
Dinh dưỡng trong ngày Tết đòi hỏi sự cân bằng giữa niềm vui với các ưu tiên về sức khỏe. Những người mắc bệnh mạn tính cần tuân thủ chế độ ăn hợp lý nhằm giảm thiểu rủi ro về sức khỏe sau mỗi bữa tiệc.
Lưu ý về tập luyện ở người mắc bệnh mạn tính
Ngoài lưu ý về dinh dưỡng, những người mắc bệnh mạn tính cần lưu tâm tới hoạt động thể chất. Tập thể dục có thể giúp những người mắc mạn tính giảm triệu chứng và cải thiện sức khỏe tổng thể. Đây là một trong những điều quan trọng nhất người bệnh có thể làm cho sức khỏe của mình.
- Đối với người bệnh đái tháo đường, tập thể dục thường xuyên có thể giúp hạ lượng đường trong máu, giúp kiểm soát cân nặng và tăng cường năng lượng. Đối với những người mắc bệnh tiểu đường loại 2, tập thể dục có thể làm giảm nguy cơ tử vong do bệnh tim.
- Tập thể dục thường xuyên còn giúp duy trì huyết áp ổn định. Đi bộ, đạp xe, bơi lội, yoga giúp các mạch máu giãn ra, cho phép máu lưu thông đến các mô cơ nhiều hơn, hỗ trợ kiểm soát huyết áp.
- Tập thể dục ở những người bệnh gout giúp giảm viêm, giảm nồng độ acid uric và duy trì ở mức độ thấp trong cơ thể; tăng cường sức mạnh cơ bắp, duy trì cân nặng khỏe mạnh. Các bài tập giúp thúc đẩy quá trình làm lành vết thương nhanh hơn sau các đợt cấp của bệnh. Nghiên cứu cho thấy thực hiện các bài tập ở cường độ thấp đến trung bình làm giảm đáng kể tình trạng viêm so với tập thể dục ở cường độ cao.
Thừa cân, béo phì là nguyên nhân gây tăng nồng độ acid uric, là yếu tố nguy cơ làm tăng tỷ lệ mắc bệnh gout. Tập thể dục giúp giảm cân, kiểm soát trọng lượng cơ thể, giảm nguy cơ bùng phát các đợt gout cấp.
Theo đó, người lớn cần ít nhất 150 phút hoạt động thể chất cường độ vừa phải mỗi tuần (tương đương 30 phút mỗi ngày, 5 ngày một tuần), hoặc có thể chia nhỏ thời gian này từ 10-20 phút/lần cũng giúp ích. Bất kỳ một hoạt động thể chất nào như đi bộ, chạy bộ, dọn dẹp việc nhà… cũng đều tốt hơn là không hoạt động.

Dưa hành muối là món ăn không thể thiếu trong ngày Tết, nhưng không tốt với người bệnh tăng huyết áp.

Người bệnh gout không nên ăn nhiều thịt đỏ.
DS. Nguyễn Thu Hương