Trăng nước Hồ Tây

01/01/2025
Thơ: Trịnh Quang Cưu

Đại tá Trịnh Quang Cưu sinh năm 1948, nhiều năm công tác trong Quân đội. Ông đi nhiều và viết nhiều tác phẩm thơ, văn, từng được tặng thưởng giải nhì thi truyện ngắn của Tổng cục Chính trị QĐND nhân dân Việt Nam tổ chức. Đọc các bài thơ, văn của ông, nhất là tập thơ “Trăng nước Hồ Tây” là một bằng chứng để người đọc cảm nhận Trịnh Quang Cưu là người có khả năng và duyên nợ với thi ca. Ông đã sáng tác thi ca với tâm thức như Nguyễn Văn Siêu (Thần Siêu) khẳng định: “Văn chương có loại đáng thờ, có loại không đáng thờ. Loại đáng thờ là loại chuyên chú ở con người. Loại không đáng thờ là loại chỉ chuyên chú ở văn chương”. Trịnh Quang Cưu đã sáng tác thơ ca với tâm thức như vậy, nhưng cũng không coi nhẹ nghệ thuật ngôn từ. Ông đã cố gắng định hình và khẳng định cá tính, phong cách riêng. Thơ Trịnh Quang Cưu coi trọng thổ lộ, giãi bầy những cảm xúc chân thực trước cuộc đời và nhân sinh, coi trọng những điều cốt lõi của thi ca nên tạo những rung động, dư chấn đối với tâm hồn người đọc.

“Trăng nước Hồ Tây” là một tập thơ đầy đặn và bề thế. 128 bài thơ được kết cấu theo một tuyến tính cảm xúc và trải nghiệm của tác giả với tám đề mục về quá khứ có những kỷ niệm sâu sắc không thể quên: Đường về hai thôn, Ngẫu hứng bên Hồ Tây, Nghĩa tình còn mãi, Trên đất nước Singapo, Dấu chân nơi đất thiêng – cõi Phật, Nụ cười trẻ thơ, Tản mạn đôi lần và Trên đất ngàn hoa.

“Trăng nước Hồ Tây” và nhiều tác phẩm văn, thơ khác của Đại tá Trịnh Quang Cưu đã để lại ấn tượng sâu đậm bởi tình đất, tình người được bộc lộ trong tâm thức khác nhau, đối với nơi chôn nhau cắt rốn và các vùng miền khác nhau, nơi Trịnh Quang Cưu đã từng sống, công tác và chiến đấu. Nhất là nghĩa tình của Bộ đội Cụ Hồ đối với nhân dân và đồng chí đồng đội trong gian khổ, hy sinh và trong niềm vui chiến thắng, người còn, người mất. Trong tập thơ “Trăng nước Hồ Tây”, ông Trịnh Quang Cưu dành đề mục “Ngẫu hứng bên Hồ Tây”, nơi ông đang sống là quận Tây Hồ để bày tỏ tình đất, tình người sâu đậm thiết tha.

HÀ NAM giới thiệu

Thơ TRỊNH QUANG CƯU

 

NHỚ HÀ NỘI

Ở xa nhớ về Hà Nội

Thương từng góc phố hàng cây

Đường em đi làm mỗi sáng.

Người đông, xe lắm, bụi đầy.

 

Chiều tan em về lối ấy

Tần ngần nhớ gió Hồ Tây

Mơ đường ngày mai bớt bụi

Mở khăn cho sáng nụ cười.

 

TẤT NIÊN

Ngày cuối năm tấp nập

Hàng cây trút lá vàng

Liễu ven hồ trải tóc

Làm duyên đón xuân sang.

 

Con nhện chiều giăng mắc

Con chuồn chuồn bay hoang

Tất niên hồ xanh nghắt

Tất niên ai vội vàng.

 

KHAI XUÂN

Ven hồ ấm áp bước khai xuân

Hoa pháo giăng cho đất trời gần

Bẻ lá, kẻ thô tham hái lộc

Người thamh tâm tưởng tiếng chuông ngân.

 

Háo hức thiêng liêng thời khắc mới

Xa xôi, ấm lạnh phút quây quần.

Mới hay kim cổ già như trẻ

Dù khó- sang, ai cũng có phần.

 

CHỢT MƯA HỒ TÂY

Chiều hôm chợt đổ cơn mưa

Áo ai ướt để che thơ với tình

Em rằng, mưa ướt áo anh

Nhìn nhau trời – nước, giọt tình, giọt thơ !

 

VÔ DUYÊN

Nhìn hoa, hoa chưa nở

Ngó nước, nước lặng yên

Hỏi em, em mắc cỡ

Anh giận mình vô duyên

 

TÌM BÓNG SÂM CẦM HỒ TÂY

Nghe nói ngày xưa ở Hồ Tây

Sâm cầm ríu tít tiếng gọi bầy

Có phải đất lành chim đến đậu

 Ai làm đất dữ để chim bay ?

 

Chẳng phải tìm đâu, giữa chốn này

Từ sâu, từng xách, lại từng dây

Tiếng chim kêu xé đau hồ lặng

Bao kẻ nâng ly chuốc chén đầy !

 

NHỚ LIỄU HỒ TÂY

Liễu ơi! Hỡi liễu Tây Hồ

Cành cong, sắc biếc năm xưa hãy còn

Tóc mây buông vẫn còn rờn

Lòng người thuở ấy có còn nguyên xưa ?

 

ĐỢI

Em gắng đợi mùa thu thêm chút nữa

Mặt hồ in lặng áng mây bay

Nghe lá rụng sầu đông đang khép cửa

Khí xuân về neo đậu những đọt cây

Rồi tiếng cuốc gọi sen hè thắp lửa

Áo vàng nàng cúc đón heo may

Sẽ đến lúc trái tim đời mở cửa

Trả cho ta sương giá tháng ngày ./.