Trong bối cảnh rung lắc dữ dội của một thế giới đầy biến động với những xu thế mới, Việt Nam đang đứng trước một sự lựa chọn lịch sử mang tính đột phá, quyết định tương lai của dân tộc. Đó là hình thành tầm nhìn mới với những mũi nhọn đột phá, xây dựng một Việt Nam hùng cường, phồn vinh “sánh vai với các cường quốc năm châu” hay “bằng lòng” với những kết quả đạt được để tụt hậu và rơi vào bẫy thu nhập trung bình. Trí tuệ và bản lĩnh của Đảng thể hiện qua những quyết sách mang tầm thời đại tạo đột phá mới đưa đất nước vào kỷ nguyên vươn mình.
Với triết lý ngoại giao linh hoạt, uyển chuyển, nước ta đã giữ vững môi trường hòa bình, ổn định làm điểm tựa cho công cuộc kiến tạo, phát triển đất nước ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại. Ảnh: Quang Thái
Bài 1: Những bước ngoặt xoay chuyển thời cuộc
Trách nhiệm thời đại và tinh thần sáng tạo sẽ tạo ra tư duy đột phá. Suốt chiều dài lịch sử, kể từ khi “dân ta có Đảng”, không ít thời điểm đối mặt với thách thức tồn vong của dân tộc, với bản lĩnh và trí tuệ, Đảng ta đã tạo ra những bước đột phá, xoay chuyển thời cuộc, đưa đất nước tiến về phía trước. Và trong bối cảnh “rung chấn” của thế giới, Việt Nam đã chuyển hóa thách thức thành cơ hội, kiến tạo những không gian phát triển mới cho dân tộc.
Xoay chuyển thế cuộc, tạo dựng cơ đồ
Cách mạng là sự sáng tạo và đổi mới. Trong dòng chảy mạnh mẽ của cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, ở những thời điểm cam go quyết định sự tồn vong, Đảng ta đã có những quyết định xoay chuyển thời cuộc, thể hiện bản lĩnh, trí tuệ và tầm nhìn vượt thời gian.
Năm 1945, trong bối cảnh, quân đội Nhật Bản thất bại liên tiếp trên các chiến trường ở khu vực Đông Nam Á, châu Á - Thái Bình Dương, Chiến tranh thế giới lần thứ hai đi vào hồi kết với việc Hồng quân Liên Xô tiến vào Mãn Châu (Trung Quốc), Mỹ ném bom nguyên tử xuống Hiroshima và Nagasaki, Nhật Bản đầu hàng Đồng Minh. Ở Việt Nam 100.000 lính tinh nhuệ Nhật Bản rã rời buông vũ khí, các phe phái chính trị thân Nhật Bản hoang mang cực độ. Nhận định thấu đáo về thế cuộc, trong thời điểm có tính chất bước ngoặt của lịch sử, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh với tinh thần “dẫu có phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải giành cho được độc lập, tự do” đã quyết định tiến hành tổng khởi nghĩa. Trong vòng không đầy một tuần, trên khắp dải đất hình chữ S bên bờ Biển Đông, chính quyền đã về tay nhân dân.
Nếu khởi nghĩa trước thời điểm này, người Việt Nam sẽ phải đối mặt với hàng trăm nghìn lính Nhật Bản được vũ trang đầy đủ, nếu chờ đợi lâu hơn quân Đồng Minh sẽ vào Hà Nội, Sài Gòn… khó có thể nói đến thành công. Do vậy, hoàn toàn có thể khẳng định, quyết định tiến hành Tổng khởi nghĩa giành chính quyền Tháng Tám năm 1945 có sức mạnh xoay chuyển thời cuộc. Đây là một quyết định mang ý nghĩa lịch sử. Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là một sự kiện “long trời lở đất”, một dân tộc “rũ bùn đứng dậy” đập tan xiềng xích nô lệ, giành độc lập dân tộc, đưa đất nước bước vào một kỷ nguyên mới.
Trong cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc, lịch sử cũng ghi nhận những quyết định mang tính bước ngoặt. Sau chiến tranh Triều Tiên với Hiệp định đình chiến (7-1953), thực dân Pháp mở rộng chiến tranh xâm lược ở Đông Dương, tạo ra một cục diện mới. Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chọn Điện Biên Phủ làm điểm quyết chiến chiến lược, tiêu diệt lực lượng tinh nhuệ nhất trong tập đoàn cứ điểm mạnh nhất của thực dân Pháp trên chiến trường. Sau 56 ngày đêm “gan không núng, chí không mòn”, chúng ta đã làm nên chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, tạo cơ sở căn bản và quyết định, chấm dứt thời kỳ đô hộ của thực dân Pháp tại Việt Nam nói riêng và Đông Dương nói chung.
Trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ, những quyết định mang tính đột phá thể hiện trí tuệ, bản lĩnh của Đảng đã tạo ra thế và lực mới “đánh cho Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào” thu non sông về một mối.
Trong bối cảnh quốc tế có nhiều biến chuyển, Chính phủ Mỹ lùm xùm, xáo trộn, trong khi dư luận quốc tế, đặc biệt là phong trào phản chiến trong lòng nước Mỹ dâng cao hơn bao giờ hết khiến xứ Cờ hoa càng thêm rối ren. Mặt khác, cuộc đối đầu lịch sử 12 ngày đêm mùa Đông năm 1972 được ví như “Điện Biên Phủ trên không” đã làm rung chuyển Lầu Năm Góc với 38 “pháo đài bay” B52 và 42 “thần sấm”, “con ma” của Mỹ bị bắn rơi trên bầu trời miền Bắc, cùng những thất bại tại chiến trường miền Nam khiến quân đội Mỹ không thể gắng gượng. Chúng ta đã buộc Mỹ phải quay lại bàn đàm phán Paris. Hiệp định về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam được ký kết, năm 1973, quân đội Mỹ “cuốn cờ”, ngụy quyền Sài Gòn mất chỗ dựa về quân sự, lún sâu vào khủng hoảng, tạo bước ngoặt, mở ra thời cơ giải phóng miền Nam.
Với thế và lực mới, Hội nghị Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương (từ ngày 30-9 đến 8-10-1974) “hạ quyết tâm lịch sử hoàn thành giải phóng miền Nam trong hai năm 1975-1976”. Sau quyết định đột phá, ta mở Chiến dịch Tây nguyên với đòn “điểm huyệt” chí mạng vào Buôn Ma Thuột ngày 10-3-1975, chính quyền ngụy Sài Gòn đánh mất địa bàn chiến lược, bị động đối phó trên các chiến trường, tạo đột biến trong tình hình chiến cuộc. Thời cơ chiến lược xuất hiện, ngày 18-3-1975, Bộ Chính trị họp với quyết định bước ngoặt: “Khẩn trương chuyển hẳn sang phương án thời cơ, chuyển cuộc tiến công chiến lược thành Tổng tiến công chiến lược, hoàn thành kế hoạch hai năm (1975-1976) ngay trong năm 1975”. Với tinh thần “Thần tốc, thần tốc hơn nữa, táo bạo, táo bạo hơn nữa, tranh thủ từng phút, từng giờ, xốc tới miền Nam. Quyết chiến và toàn thắng”, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy, đỉnh cao là chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử đã giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Mở rộng quan hệ, hợp tác với các nước trên thế giới tạo điều kiện thuận lợi cho nước ta sản xuất và xuất khẩu, góp phần phát triển kinh tế - xã hội đất nước.
Đổi mới tư duy hội nhập cùng thời đại
Trong công cuộc xây dựng đất nước và hội nhập quốc tế, lịch sử cũng ghi nhận những quyết định đột phá, chuyển hóa thách thức thành cơ hội, kiến tạo không gian phát triển, đưa đất nước vươn mình ra biển lớn.
Đất nước thống nhất nhưng chưa thể bình yên, máu vẫn đổ ở hai đầu biên giới, quốc tế bao vây, cấm vận cùng những biến cố chính trị ở Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu đẩy Việt Nam vào tình cảnh vô cùng khó khăn. Phá thế cô lập, bình thường hóa quan hệ với các nước láng giềng, các cường quốc, tạo môi trường hòa bình, ổn định cho phát triển kinh tế - xã hội trở thành vấn đề cấp bách, mang tính chiến lược.
Sau thời kỳ chiến tranh lạnh căng thẳng, năm 1985 Liên Xô bắt đầu tiến hành công cuộc “cải tổ”, “hạ nhiệt” trong quan hệ với Mỹ, các nước Tây Âu. Với những tính toán chiến lược, hai bên đã đạt được nhiều thỏa thuận hợp tác trong đó có Hiệp ước về các Lực lượng hạt nhân tầm trung (INF). Ở điểm nhìn khác, Trung Quốc trong giai đoạn thúc đẩy cải cách mở cửa, cũng tìm kiếm sự hợp tác với Liên Xô và những cuộc đàm phán về vấn đề biên giới hai nước đã đạt được tiến triển tích cực. Thế giới bước vào thời kỳ hòa hoãn, đối thoại thay cho đối đầu.
“Bán anh em xa, mua láng giềng gần”, trong xu thế phát triển của thời đại, với tinh thần “chuyển đối đầu thành đối thoại”, Việt Nam đã tạo bước ngoặt mới trong quan hệ với Trung Quốc. Sau chuyến thăm của lãnh đạo cấp cao Việt Nam tới Trung Quốc (từ ngày 5 đến 10-11-1991), hai nước ra thông cáo chung nêu rõ, Việt Nam và Trung Quốc đã chính thức bình thường hóa quan hệ theo 5 nguyên tắc: Tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau; không xâm phạm lẫn nhau; không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau; bình đẳng cùng có lợi và cùng tồn tại hòa bình. Sự kiện này mở ra một giai đoạn mới trong quan hệ Việt Nam - Trung Quốc. Với phương châm “láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai” và tinh thần “láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt”, hiện tại hai nước đã nâng tầm quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện, xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam - Trung Quốc, mang đến vận hội mới, hợp tác chiều sâu và thực chất, phù hợp với xu thế phát triển của thời đại.
Nước Mỹ, sau khi rút quân khỏi Việt Nam, “siêu cường” sử dụng nhiều chính sách bao vây, cấm vận và cô lập Việt Nam trên trường quốc tế. Với phương châm “biến thù thành bạn”, chúng ta từng bước gỡ bỏ “hòn đá tảng” trên con đường ra thế giới. Từ những nỗ lực ngoại giao, ngày 3-2-1994, Chính phủ Mỹ bãi bỏ lệnh cấm vận thương mại và đến tháng 7-1995, “siêu cường” số một thế giới đã tuyên bố bình thường hóa quan hệ với Việt Nam. Sự kiện mang tính đột phá này tạo cơ hội cho Việt Nam đến với nhiều quốc gia, nhiều nền kinh tế lớn trên thế giới. “Gác lại quá khứ, vượt qua khác biệt” vì lợi ích của hai quốc gia, hai dân tộc, sau Hiệp định Thương mại Việt - Mỹ (10-2021), hai nước đã nâng tầm quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện vì hòa bình, hợp tác và phát triển bền vững. Nước Mỹ ủng hộ Việt Nam “mạnh, độc lập, tự cường và thịnh vượng”.
Bình thường hóa, mở rộng quan hệ với nước láng giềng lớn Trung Quốc và “siêu cường” Mỹ đã mở ra cục diện hợp tác phát triển thúc đẩy công cuộc đổi mới đất nước. Đặc biệt với triết lý “ngoại giao cây tre”, không “mắc kẹt” trong xung đột lợi ích giữa các quốc gia, Việt Nam duy trì quan hệ khăng khít thủy chung với bạn bè truyền thống, đồng thời mở rộng hợp tác với các nước trong khu vực và thế giới với phương châm “Việt Nam sẵn sàng làm bạn, đối tác tin cậy, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế”. Hiện tại, chúng ta đã có quan hệ ngoại giao với 193 quốc gia và Trung Quốc, Liên bang Nga, Ấn Độ, Hàn Quốc, Mỹ, Nhật Bản, Australia, Pháp là Đối tác chiến lược toàn diện. Với “ngoại giao cây tre” uyển chuyển, linh hoạt cùng chủ trương “bốn không” (không tham gia liên minh quân sự, không liên kết với nước này để chống phá nước kia, không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ để chống lại nước khác, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế), Việt Nam đã giữ vững môi trường hòa bình, ổn định làm điểm tựa cho công cuộc kiến tạo, phát triển đất nước.
Theo HNMO