Tuy nhiên, thực tế, việc thực hiện công tác này ở một số nơi còn hình thức, thiếu khách quan, công bằng, tạo hiệu ứng ngược. Việc bình xét danh hiệu thi đua cũng có biểu hiện chạy theo hình thức.
Theo quy định của Luật Thi đua - Khen thưởng hiện hành, để đạt danh hiệu “Tập thể lao động tiên tiến” cần có ít nhất 70% cá nhân trong tập thể đạt danh hiệu “Lao động tiên tiến”. Tuy nhiên, các cơ quan, đơn vị, địa phương chỉ lấy mức 50% cá nhân đạt danh hiệu trên là đã đề nghị tặng danh hiệu thi đua này. Cạnh đó, luật quy định tập thể đạt danh hiệu “Tập thể lao động xuất sắc”, “Đơn vị quyết thắng” phải có 100% cá nhân hoàn thành nhiệm vụ được giao, trong đó có ít nhất là 70% cá nhân đạt danh hiệu “Lao động tiên tiến”; có cá nhân đạt danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cơ sở”. Tuy nhiên, trên thực tế có cơ quan, đơn vị chỉ mới có 50% cá nhân đạt danh hiệu “Lao động tiên tiến” là đã đề cử những danh hiệu thi đua nêu trên. Hay những tập thể sắp đến kỳ kỷ niệm thành lập, truyền thống sẽ được "ưu ái" bình xét tặng danh hiệu thi đua để có cơ sở làm đề nghị khen thưởng tích lũy, đón nhận vào ngày gặp mặt, kỷ niệm.
Chưa hết, theo quy định của luật, danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cơ sở” tặng cá nhân có 2 tiêu chí, quan trọng nhất là phải hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ hoặc có sáng kiến được cơ sở công nhận trở lên… Để đạt danh hiệu này, đã có hiện tượng “vẽ” thêm thành tích, “chia” thành tích hoặc “vun” thành tích. Những cá nhân được xây dựng là điển hình sẽ được phân bổ nhiều nhiệm vụ hơn để có cơ hội “ghi điểm” cao hơn.
Theo quy định, việc bình xét thi đua qua nhiều vòng, nhiều cấp và bước cuối cùng là được cấp ủy, đơn vị cơ sở thẩm định, lựa chọn, cân đối. Tuy nhiên, rất ít trường hợp bị “trả về” vì cơ bản các khâu trước đó đã hoàn thiện và đã được bảo vệ. Cho nên, tình trạng “đầu xuôi, đuôi lọt” trong bình xét danh hiệu thi đua cứ lặp đi lặp lại hằng năm.
Những biểu hiện này vô tình làm cho nguyên tắc thi đua, khen thưởng quy định trong Luật “Tự nguyện, tự giác, công khai, minh bạch” và “Chính xác, công khai, minh bạch, công bằng, kịp thời” bị giảm tác dụng. Điều này dẫn đến hệ lụy rất lớn. Một là làm cho công tác khen thưởng không chính xác, không kích thích thi đua thực sự mà chỉ chạy theo thành tích. Hai là làm trầm kha thêm căn bệnh hình thức, “dối trên lừa dưới”, khiến trong tập thể xuất hiện những con người “mũ ni che tai”, với những ê kíp thân quen, biết nghe lời cấp trên, bảo gì làm đó, không dám phản biện. Đây chính là một trong những vấn đề dẫn đến thủ tiêu đấu tranh, tự phê bình và phê bình trong nội bộ và tiềm ẩn nguy cơ lãnh đạo, quản lý theo cảm tính, thích thì khen thưởng mà không căn cứ theo quy định nào.
Ngoài hiện tượng nêu trên, việc bình xét khen thưởng trong thực hiện các nhiệm vụ có xu hướng ngày càng mở rộng đã dẫn tới hiện tượng khen tràn lan, khen như để "giải ngân". Nhiều nhiệm vụ được xác định trong kế hoạch năm, như hội thi, hội thao, tổ chức lễ kỷ niệm, tập huấn… của các tập thể đều có khen thưởng. Thực tế cho thấy, có những cá nhân trong một năm được tới 3 bằng khen cấp bộ chỉ là do "có thành tích" đi phục vụ những công việc này.
Lâu nay, nhiều tập thể có chủ trương lấy thành tích khen thưởng, danh hiệu thi đua làm căn cứ để đánh giá năng lực, tuyển đầu vào, đề bạt lên lương, bổ nhiệm… nên việc “chạy khen thưởng” đã không còn là sự lạ. Tất cả những hiện tượng trên khiến cho công tác thi đua, khen thưởng ở một số nơi thành ra kém hiệu quả, thiếu thực chất.
Đáng nói là, từ việc không trung thực trong thi đua, khen thưởng đã dẫn đến hậu quả lớn hơn. Đó là cơ quan chức năng phải thu hồi, hủy bỏ quyết định khen thưởng, danh hiệu thi đua của một số cá nhân, tập thể bị phát hiện sai phạm, bị xử lý.
Ví dụ, tháng 6-2022, Chủ tịch nước đã ký quyết định hủy bỏ quyết định tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba đối với Công ty Việt Á. Trước đó, tháng 5-2017, Nhà nước ra quyết định hủy bỏ quyết định tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba đối với Trịnh Xuân Thanh; hủy bỏ quyết định khen thưởng danh hiệu Anh hùng Lao động, Huân chương Lao động hạng Nhất, Huân chương Lao động hạng Nhì đối với Tổng công ty cổ phần Xây lắp dầu khí Việt Nam.
Đây chỉ là những trường hợp điển hình. Những cá nhân, tập thể được khen thưởng, tặng danh hiệu thi đua với thành tích kiểu “nhờ nhờ nước hến” thì vẫn tồn tại và ngày càng nhiều hơn.
Giải pháp nào để chấm dứt hiện tượng này? Trước hết, các cấp, ngành, đơn vị cần tổ chức thi đua, đánh giá thi đua thực chất, kiên quyết nói không với chạy theo thành tích bằng cách thực hiện đúng quy định của Luật hiện hành.
Muốn cho các danh hiệu thi đua, các bằng khen, giấy khen có sức sống, thực sự đáng trân quý thì chỉ khen thưởng, tặng danh hiệu cho những tập thể, cá nhân có thành tích thật, có sáng kiến thật, có năng suất lao động thật hoặc có kết quả cao trong huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu. Kiên quyết loại bỏ những cá nhân, tập thể cố tình nhào nặn thành tích, tô vẽ thành tích, vun vén thành tích để đạt danh hiệu thi đua hoặc khen thưởng.
Điều quan trọng hơn cả là những người đứng đầu cấp ủy, đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương phải nghiên cứu, nắm chắc luật và các văn bản quy phạm pháp luật về thi đua, khen thưởng để chấp hành cho đúng. Cần công tâm trong đánh giá kết quả thi đua cũng như hiệu quả công việc; kiên quyết loại bỏ những tiền lệ hành động chưa đúng, thậm chí là trái luật, đã ăn sâu trong nếp nghĩ.
Làm được như vậy sẽ ngăn chặn những thói hư, tật xấu trong công tác thi đua, khen thưởng, đặc biệt là loại bỏ được thói đặc quyền, đặc lợi của những cán bộ, lãnh đạo thích ban phát, bất chấp các quy định.
Theo HNMO