Quang cảnh Hội nghị.
Trong thời gian 01 ngày, các đại biểu đã được báo cáo viên Sở Tư pháp thành phố Hà Nội thông tin cơ bản về Luật Thủ đô 2024. Theo đó, ngày 28/6/2024, tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội Khóa XV đã thông qua Luật Thủ đô (Luật số 39/2024/QH15). Luật có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2025, trừ 5 nội dung có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2025. Đó là việc quản lý, sử dụng không gian ngầm quy định tại Điều 19; việc thành lập khu phát triển thương mại và văn hóa quy định tại khoản 7 Điều 21; việc phát triển khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số quy định tại Điều 23; việc thử nghiệm có kiểm soát quy định tại Điều 25 và việc thực hiện hợp đồng xây dựng - chuyển giao quy định tại Điều 40.
Đồng chí Vũ Thị Thanh Tú, Trưởng phòng phổ biến giáo dục pháp luật Sở Tư pháp Hà Nội trình bày nội dung cơ bản về Luật Thủ đô 2024
Luật Thủ đô năm 2024 gồm 7 chương với 54 điều (so với Luật Thủ đô năm 2012, nhiều hơn 3 chương và gấp đôi về số điều luật). Luật Thủ đô năm 2024 có nhiều điểm đổi mới và tầm nhìn đột phá lớn, tạo cơ sở pháp lý cho Hà Nội thực hiện các cơ chế, chính sách đặc thù vượt trội, huy động mọi nguồn lực, khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của Thủ đô, với mục tiêu xây dựng Thủ đô Hà Nội “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”, trở thành trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển vùng đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước; hội nhập quốc tế sâu rộng, có sức cạnh tranh cao trong khu vực và trên thế giới, phấn đấu phát triển ngang tầm với Thủ đô các nước phát triển trong khu vực như mục tiêu Bộ Chính trị đề ra.
Luật đã chỉnh lý nhiều quy định quan trọng, bảo đảm tổ chức chính quyền Thủ đô theo hướng tinh gọn, chuyên nghiệp, hiện đại, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Cụ thể, Hà Nội được bầu 125 đại biểu HĐND Thành phố, trong đó có ít nhất là 25% tổng số đại biểu hoạt động chuyên trách (tăng 30 đại biểu so với hiện tại). Thường trực HĐND Thành phố hoạt động chuyên trách có không quá 11 thành viên, gồm chủ tịch, không quá 3 phó chủ tịch (tăng 01 phó chủ tịch và 04 thành viên Thường trực HĐND Thành phố). Đối với UBND Thành phố Hà Nội, Luật Thủ đô 2024 phân cấp cho chính quyền Thành phố quyết định thành lập mới đơn vị sự nghiệp công lập thuộc phạm vi quản lý; UBND, chủ tịch UBND, cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính khác thuộc UBND các cấp được phân cấp hoặc ủy quyền thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn do pháp luật quy định. Cùng với quy định về việc phân cấp, ủy quyền giữa các cấp chính quyền của Thành phố, Luật đã bổ sung quy định về việc phân cấp, ủy quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, bộ, ngành cho các cơ quan của thành phố để cụ thể hóa chủ trương đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền…
Hiện nay các cơ quan, đơn vị được giao chủ trì tham mưu xây dựng các văn bản đang tiến hành thực hiện hoàn thành trước ngày 01/01/2025 để bảo đảm hiệu lực thi hành Luật Thủ đô. Do vậy, để Luật Thủ đô sớm đi vào cuộc sống, công tác tuyên truyền sẽ tập trung trong năm 2024 và các năm tiếp theo; trong đó, cao điểm tuyên truyền, tập huấn vào quý III, quý IV/2024 và quý I, II/ 2025; tập trung theo 9 nhóm chính sách về: Tổ chức chính quyền đô thị Thủ đô; thu hút, trọng dụng người tài; huy động nguồn lực đầu tư phát triển Thủ đô; quy hoạch phát triển Thủ đô; phát triển nông nghiệp, nông thôn; phát triển văn hoá, thể thao, du lịch, giáo dục và đào tạo, y tế…; phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo; liên kết, phát triển Vùng Thủ đô…
Qua hội nghị là dịp giúp cán bộ, hội viên Hội CCB các cấp của Thành phố hiểu rõ và nắm vững quy định của Luật Thủ đô năm 2024 đặt trong tổng thể hệ thống pháp luật, đồng thời nâng cao nhận thức, trách nhiệm trong việc triển khai, thi hành Luật đảm bảo đồng bộ, kịp thời, hiệu quả theo đúng kế hoạch và các văn bản chỉ đạo của Trung ương và thành phố Hà Nội.
Văn Thể