Chăm sóc rau an toàn tại xã Minh Tân (huyện Phú Xuyên). |
Trưởng phòng Kinh tế huyện Phú Xuyên Lê Tiến Xuân thông tin, huyện chú trọng phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại, ứng dụng công nghệ cao. Đây cũng là khâu đột phá để nâng cao năng suất, giảm việc sử dụng tài nguyên và phát thải, tạo ra các sản phẩm chất lượng, đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng.
Nhiều hộ dân trên địa bàn huyện Phú Xuyên đã mạnh dạn đầu tư trang thiết bị hiện đại, ứng dụng khoa học và công nghệ vào nuôi trồng, chế biến thủy sản, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Tại xã Quang Lãng, gia đình anh Lê Văn Lâm thực hiện mô hình trang trại nuôi trồng thủy sản. Được sự hỗ trợ về kỹ thuật nuôi trồng của Trung tâm Khuyến nông Hà Nội, từ năm 2019, anh Lâm đã chuyển đổi 4ha diện tích nuôi trồng thủy sản truyền thống sang nuôi trồng theo hướng VietGAP. Anh Lâm cho hay, đây là hình thức nuôi trồng gần với tự nhiên, không sử dụng các chất hóa học, không sử dụng các sản phẩm biến đổi gen, áp dụng các biện pháp tốt nhất để bảo vệ hệ sinh thái, hạn chế tối đa tác động gây ô nhiễm. Nhờ đó, chất lượng sản phẩm thủy sản của gia đình anh được người tiêu dùng tín nhiệm.
Một điển hình khác là mô hình sản xuất rau sạch, nuôi cá, nuôi lợn rừng hữu cơ của bà Nghiêm Thị Hường ở xã Minh Tân, thực hiện theo quy trình VietGAP, trên diện tích 1.080m2; mô hình nuôi cá sông trong ao của gia đình ông Nguyễn Văn Điện (cũng ở xã Minh Tân), trên diện tích 7 mẫu, mỗi năm cho thu hoạch hơn 40 tấn cá… Doanh thu từ các mô hình chăn nuôi thủy sản này đạt hàng tỷ đồng mỗi năm.
Đến nay, huyện Phú Xuyên có hơn 2.500ha được chuyển đổi sang nuôi trồng thủy sản; trong đó vùng nuôi chuyên canh 2.338ha, nuôi hình thức khác 174,18ha và đang hình thành một số mô hình liên kết theo hướng sản xuất hàng hóa, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Chú trọng bảo đảm chất lượng, an toàn thực phẩm trong sản xuất nông nghiệp, nông dân huyện Phú Xuyên còn tập trung phát triển các mô hình sản xuất rau an toàn, hữu cơ, VietGAP. Điển hình là Tổ hợp tác rau an toàn Phù Đổng Minh Tân (Hội Nông dân xã Minh Tân), có 13 thành viên, thực hiện mô hình trồng các loại rau ăn lá, su hào, bắp cải, đậu đỗ… áp dụng khoa học, kỹ thuật tiến bộ trên tổng diện tích 5ha. Các sản phẩm đều đạt tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ. Tổng doanh thu hằng năm của Tổ hợp tác đạt hơn 1 tỷ đồng/năm, thu nhập bình quân của các thành viên đạt hơn 100 triệu đồng/năm. Đặc biệt, năm 2023, tổ hợp tác đã đưa giống đậu tương rau F1 Nhật Bản vào trồng thử nghiệm và đạt kết quả cao, được Hội Nông dân thành phố Hà Nội và huyện Phú Xuyên đánh giá là cây trồng chủ lực của huyện trong thời gian tới.
Tổ trưởng Tổ hợp tác rau an toàn Phù Đổng Minh Tân Nghiêm Quang Vinh thông tin, sản phẩm rau, củ của tổ hợp tác đang được tiêu thụ tại siêu thị Big C Thăng Long, các khu công nghiệp trên địa bàn huyện Phú Xuyên và huyện Duy Tiên (tỉnh Hà Nam)… Thời gian tới, tổ hợp tác tiếp tục đưa một số giống cây trồng mới có ưu thế trên thị trường, chống chịu sâu bệnh và cho năng suất, chất lượng tốt vào sản xuất, như: Su hào F1 K800 của Hàn Quốc, bắp cải F1 của Tập đoàn Giống cây trồng Sylgenta Việt Nam, các loại giống rau cải lai F1… và chỉ sử dụng những chế phẩm sinh học trong sản xuất, nhằm bảo đảm an toàn chất lượng cho sản phẩm.
Ngoài ra, nông dân huyện Phú Xuyên còn triển khai những mô hình hiệu quả, như: Chuyển đổi 30,7ha đất lúa sang trồng mới cây bưởi Thồ; trồng nho hạ đen theo tiêu chuẩn VietGAP ở xã Hồng Thái; trồng đậu tương rau vụ hè thu diện tích 10ha tại 3 xã: Minh Tân, Khai Thái, Nam Phong, cho hiệu quả từ 30 đến 50 triệu đồng/ha/vụ…
Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Xuyên Nguyễn Trọng Vĩnh cho biết, trong 10 tháng của năm 2023, tổng giá trị sản xuất trên địa bàn huyện đạt hơn 9.200 tỷ đồng, tăng gần 6,4% so với cùng kỳ năm 2022… Hiện tại, huyện tiếp tục chỉ đạo các địa phương triển khai các dự án: Phát triển vùng sản xuất bưởi Thồ bền vững theo chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ gắn với du lịch sinh thái trải nghiệm; phát triển thủy sản ứng dụng công nghệ cao tại xã Tri Trung; phát triển vùng rau an toàn Minh Tân...
Theo HNMO