Hàng loạt động thái của các nước lớn gần đây tại châu Phi cho thấy vai trò ngày càng tăng của “lục địa đen”. Quan hệ Nga - châu Phi đã có một bước ngoặt quan trọng từ Hội nghị thượng đỉnh hồi tháng 7. Theo đó, Nga sẽ xóa khoản nợ 23 tỷ USD và cam kết cung cấp miễn phí ngũ cốc cho châu Phi. Sáng kiến hợp tác giữa Liên minh Kinh tế Á - Âu và Khu vực thương mại tự do Lục địa châu Phi đã được Nga đưa ra. Nga cũng ủng hộ việc trao cho Liên minh châu Phi một vị trí trong Nhóm G20 và sẵn sàng xem xét các đề xuất mở rộng đại diện của châu Phi trong các cấu trúc Liên hợp quốc.
Theo giới phân tích, sự quan tâm đặc biệt của Nga dành cho châu Phi là nhằm tăng cường thương mại, chống lại các lệnh trừng phạt của phương Tây. Nga cũng không muốn nằm ngoài cuộc đua gia tăng ảnh hưởng của các nước lớn, nhất là Trung Quốc, Mỹ và châu Âu. Nga khẳng định tương lai của nước này nằm ở châu Á và châu Phi, những khu vực được dự đoán sẽ mang đến nhiều cơ hội cho Nga.
Với Trung Quốc, nhiều động thái gần đây, từ Hội nghị cấp cao Nhóm BRICS, cho đến Diễn đàn An ninh và Hòa bình Trung Quốc - châu Phi lần thứ ba, cho thấy nước này đang thúc đẩy quan hệ với châu Phi nhằm tăng cường ảnh hưởng lên lục địa này. Phần lớn cam kết an ninh của Trung Quốc với các quốc gia châu Phi liên quan đến gìn giữ hòa bình, chống khủng bố, cướp biển, viện trợ nhân đạo và giáo dục quân sự.
Hiện tại có rất nhiều doanh nghiệp Trung Quốc tham gia các dự án cơ sở hạ tầng và các dự án khác ở châu Phi. Các hoạt động trao đổi, bao gồm cả giáo dục quân sự, như một ưu tiên hàng đầu của Trung Quốc sẽ được thúc đẩy. Theo tờ South China Morning Post, Trung Quốc coi hợp tác với châu Phi như một giải pháp thay thế sự hiện diện của Mỹ ở lục địa này.
Khi Nga, Trung Quốc mở rộng ảnh hưởng trên khắp châu Phi, Mỹ nhận thấy rằng cần phải giữ chỗ đứng vững chắc ở lục địa này. Tại Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - châu Phi lần thứ hai (12/2022), Mỹ cam kết hỗ trợ châu Phi 55 tỷ USD để giải quyết các vấn đề kinh tế, y tế và an ninh trong vòng 3 năm tới. Về quân sự, đến thời điểm hiện tại, Mỹ vẫn duy trì hoạt động của 27 tiền đồn quân sự tại châu Phi.
Châu Âu cũng sẽ đầu tư 150 tỷ euro vào châu Phi cho đến năm 2027. Nguồn đầu tư sẽ được tập trung vào phát triển năng lượng tái tạo, giảm thiểu thiên tai, hỗ trợ tiếp cận Internet, phát triển giao thông, sản xuất vaccine và đầu tư cho giáo dục. Châu Âu hướng sang châu Phi cũng là để tìm nguồn cung thay thế khí đốt từ Nga.
Nhật bản được cho là sẽ trở thành “đối thủ mới” ở châu Phi. Tại Hội nghị quốc tế Tokyo tại Tunisia (8/2022), Nhật Bản cam kết đầu tư 30 tỷ USD trong 3 năm tới và khuyến khích nhiều công ty đầu tư vào lục địa này, với mục tiêu đạt lợi ích tương tự như Trung Quốc. Châu Phi cũng đóng vai trò quan trọng sự phát triển của Ấn Độ, trong khi Pháp đang có những động thái cứu vãn ảnh hưởng của Paris tại nơi có vị trí địa chiến lược quan trọng này.
Lý giải về vai trò ngày càng tăng của châu Phi, các chuyên gia cho rằng, trong những năm qua, nhiều sự kiện làm chấn động thế giới, khiến các chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gãy. Châu Phi có thể trở thành những nhân tố chính trong chuỗi cung ứng toàn cầu bằng cách khai thác nguồn nguyên liệu khổng lồ cần thiết cho các ngành công nghệ cao và thị trường tiêu dùng.
Nguồn tài nguyên dồi dào giúp châu Phi trở thành điểm đến hấp dẫn. Khả năng tiếp cận nguồn lực tại đây nhanh chóng và đơn giản; lực lượng lao động trẻ. Những năm gần đây, châu Phi có sự chuyển đổi mạnh mẽ trên nhiều lĩnh vực. Tốc độ tăng trưởng kinh tế cao và tương đối ổn định; thị trường nội khối nhiều tiềm năng; hoạt động thương mại ngày càng mở rộng; lĩnh vực đầu tư trở thành điểm sáng.
Theo các chuyên gia, châu Phi ngày càng thể hiện tính độc lập hơn. Hồi tháng 6, các lãnh đạo châu Phi còn thành lập một phái đoàn, tuyên bố sứ mệnh trung gian hòa giải và đưa ra một đề xuất hòa bình nhằm chấm dứt xung đột Nga - Ukraine. Đề xuất này bước đầu mang đến những tín hiệu tích cực. Tổng thống Nga Putin đánh giá, châu Phi đang trở thành một trung tâm quyền lực mới với vai trò chính trị và kinh tế ngày càng tăng.
Không chỉ có vậy, châu Phi đang là nơi diễn ra nhiều sự kiện quốc tế quan trọng như Hội nghị Thượng đỉnh khí hậu châu Phi lần thứ nhất tại Kenya đầu tháng 9. Đến tháng 10, cuộc họp của IMF và Ngân hàng Thế giới sẽ được tổ chức ở Maroc. Đây là những sự kiện khẳng định tầm quan trọng của châu Phi trong bối cảnh mới.
Tuy nhiên, châu Phi còn tồn tại nhiều thách thức, từ tham nhũng, nghèo đói và bệnh tật, cho đến các điểm nóng, xung đột kéo dài; các mối đe dọa khủng bố; bất ổn chính trị. Điều này cần sự nỗ lực của lãnh đạo và nhân dân mỗi nước, cộng đồng các quốc gia châu Phi, cũng như sự chung tay của các nước lớn, các tổ chức quốc tế và cả cộng đồng quốc tế.
NGUYỄN NHÂM